Chuỗi cung ứng tương lai:

Liên kết chặt chẽ với thị trường và nguồn cung

PV.

Chuyên gia chuyên ngành quản trị chuỗi cung ứng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuỗi cung ứng của Đại học Wollongong - TS. John Gattorna nhận định rằng: Kể từ sau cuộc Khủng hoảng Tài chính năm 2008, thị trường toàn cầu đã thay đổi nhanh chóng. Chuỗi cung ứng cũng vì thế mà cũng cần phải thay đổi để theo kịp. Chuỗi cung ứng của tương lai sẽ vươn xa hơn chuỗi cung ứng hiện tại ở cả 2 đầu cung và cầu và sẽ có nhiều biến thể để tối ưu hóa lợi ích và hiệu quả kinh doanh dài hạn.

Tiến sỹ Gattorna xác định tầm nhìn cho chuỗi cung ứng tương lai là một chuỗi cung ứng với nhiều biến thể để phục vụ cho từng phân khúc khách hàng riêng biệt. Chuỗi cung ứng của tương lai sẽ vươn xa hơn chuỗi cung ứng hiện tại ở cả 2 đầu cung và cầu và sẽ có nhiều biến thể để tối ưu hóa lợi ích và hiệu quả kinh doanh dài hạn. Theo đó, có 2 việc cần làm để bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng tương lai:

 Một là, định nghĩa lại thị trường và tìm cách để hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng để có thể lấy đó làm cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng.

Hai là, định nghĩa lại nguồn cung và tìm cách để hiểu rõ hơn về năng lực và kỳ vọng của nhà cung trong mối quan hệ cung cầu.

Định nghĩa lại thị trường

Xác định phân khúc khách hàng cùng với đa dạng hóa sản phẩm là hai khái niệm căn bản trong marketing. Tuy nhiên có vẻ như doanh nghiệp hiện đang làm tốt việc đa dạng hóa sản phẩm trong khi phân khúc khách hàng thì còn khá là mờ nhạt. Tư tưởng kinh doanh một sản phẩm duy nhất cho tất cả khách hàng (ví dụ như xe Ford Model T trong giai đoạn đầu thế kỷ 20) đã không còn khả thi trong nền kinh tế hiện nay.

Mặc dù vậy, tư tưởng sử dụng một chuỗi cung ứng duy nhất cho tất cả khách hàng thì vẫn còn khá phổ biến. Cũng như việc đa dạng hóa sản phẩm, bước phát triển tất yếu tiếp theo của nền kinh tế đó là đa dạng hóa chuỗi cung ứng theo hành vi khách hàng.

Khách hàng là điểm bắt đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng. Xác định phân khúc khách hàng là việc mà các doanh nghiệp đều làm nhưng thường chỉ dừng lại ở bộ phận kinh doanh và marketing chứ chưa xuyên suốt tới những bộ phận "back-office" như chuỗi cung ứng. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên khiến cho chuỗi cung ứng bị cứng nhắc và không phục vụ khách hàng với hiệu quả tối ưu.

Nguyên nhân thứ 2 là do cách thức phân khúc khách hàng chưa đúng. Hiện nay phân khúc khách hàng thường được xác định dựa vào những đặc điểm như ngành nghề, địa lý, quy mô, sức mua, lợi nhuận và loại sản phẩm….

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Gattorna, thì cách phân khúc khách hàng đúng đắn là dựa vào đặc điểm hành vi. Tại sao lại là đặc điểm hành vi? Bởi vì, vai trò của chuỗi cung ứng là phục vụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chuỗi cung ứng càng nắm bắt được hành vi của khách hàng thì sẽ càng phục vụ hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Vì thế xác định phân khúc khách hàng theo đặc điểm hành vi là cách tốt nhất để bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng.

Về cơ bản, ý tưởng xác định phân khúc khách hàng rất đơn giản, đó là chúng ta cần nhóm những khách hàng với kỳ vọng tương đồng nhau để có thể sử dụng chiến lược phục vụ tương ứng nhằm tối ưu hóa cấp độ dịch vụ.

Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để thực hiện. Nguyên nhân chính là vì cấu trúc tổ chức doanh nghiệp hiện nay không phù hợp để vận hành chuỗi cung ứng với nhiều biến thể.

Cấu trúc tổ chức theo chiều dọc trở nên cứng nhắc dẫn đến cục bộ hóa theo từng bộ phận khiến cho thông tin và sự phối hợp bị phân mảnh trên toàn bộ cấu trúc. Cấu trúc doanh nghiệp có lẽ là yếu tố quan trọng thứ nhì sau năng lực lãnh đạo quyết định khả năng vận hành chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp cũng đang dần nhận ra những thiếu sót của cấu trúc tổ chức hiện tại và mong muốn tìm ra một mô hình phù hợp để tái cơ cấu. Sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu, tiến sỹ Gattorna đã đề xuất một mô hình cho phép kết hợp những ưu điểm của cấu trúc chiều dọc với năng lực thích ứng cao của những tổ hợp vận hành đa chức năng.

Chúng ta có thể thấy là khách hàng được phân ra làm 4 phân khúc chính dựa vào đặc điểm hành vi. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu tiến sỹ Gattorna nhận thấy rằng, 80% khách hàng của mọi doanh nghiệp đều có thể được phân loại vào trong 4 nhóm này.

Tương ứng với mỗi phân khúc khách hàng, một biến thể của chuỗi cung ứng sẽ được xác định bao gồm: Cung ứng liên tục, tinh gọn, tốc độ nhanh và linh động cao. Mỗi một biến thể này sẽ được vận hành bởi một nhóm người đến từ nhiều bộ phận chức năng bao gồm cả front-office lẫn back-office cùng nhau phục vụ phân khúc khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Cũng trong hình này, nhìn về phía nguồn cung, chúng ta sẽ thấy là không chỉ riêng khách hàng mà cả nhà cung cấp cũng được phân khúc rõ ràng. Đây chính là bước thứ 2 mà tiến sỹ Gattorna khuyến nghị. 

Định nghĩa lại nguồn cung

Về cơ bản việc định nghĩa lại nguồn cung và xác định phân phúc nhà cung cũng tương tự như xác định phân khúc khách hàng. Kể từ sau Khủng hoảng Tài chính, các doanh nghiệp đa quốc gia đã phát triển chiến lược thu mua toàn cầu với mục tiêu giảm chi phí thu mua đầu vào nguyên vật liệu.

Theo nghiên cứu của M. Christopher và các đồng nghiệp của ông tại trường Quản trị Cranfield, điều này khiến cho chuỗi cung ứng bị kéo giãn và phân mảnh hơn, khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro hơn. Khi mà các doanh nghiệp tập trung giảm giá mua tới mức tối thiểu, họ thường quên mất ảnh hưởng lên tổng chi phí có thể lớn hơn khoản tiết kiệm từ thu mua.

Ngoài ra, chiến lược thu mua toàn cầu còn tạo ra một lượng khí thải CO2 rất lớn từ hoạt động vận tải. Trong quá trình nghiên cứu, tiến sỹ Gattorna phát hiện ra có nhiều doanh nghiệp hiện đang cân nhắc thay đổi từ chiến lược thu mua toàn cầu thành thu mua giới hạn trong khu vực lân cận, và xa hơn nữa là phát triển quan hệ hợp tác lâu dài với những nhà cung nội địa.

Trong mối quan hệ với nhà cung hiện nay, đa phần doanh nghiệp khách hàng vẫn chưa phối hợp với nhà cung trên một cơ sở chiến lược cao. Theo tiến sỹ Gattorna, những doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhà cung nhận ra rằng nhà cung có thể đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn chỉ đơn thuần là tiết kiệm chi phí. Những lợi ích đó bao gồm ý tưởng và khái niệm mới để phát triển sản phẩm, dịch vụ, tập trung nâng cao năng lực, và phối hợp để cùng doanh nghiệp khách hàng cải tiến hoạt động chuỗi cung ứng.

Cũng như đối với khách hàng, việc hiểu được hành vi của nhà cung giúp cho doanh nghiệp phân loại nhà cung ứng và xác định những chiến lược hợp tác hợp lý nhất. Cách thức phân loại dựa vào đặc điểm sản phẩm như hiện nay không giúp doanh nghiệp thực sự hiểu được nhà cung ứng. Thay vào đó doanh nghiệp cần hiểu được văn hóa và hành vi của nhà cung ứng để phân loại đúng đắn.

Nhà cung ứng có thể được phân loại thành 2 nhóm đó là "quan hệ giao dịch" và "quan hệ chiến lược". Quan hệ giao dịch là những nhóm nhà cung ứng không có khả năng hoặc không phù hợp để đầu tư phát triển và xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Cách thức doanh nghiệp làm việc với dạng nhà cung này là tiết kiệm chi phí trên từng giao dịch, không có những cam kết lâu dài, và có thể thay đổi dễ dàng. Ngược lại, quan hệ chiến lược là những nhà cung ứng có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và được doanh nghiệp đầu tư phát triển để trở thành đối tác cùng đồng hành lâu dài.

Các doanh nghiệp Nhật Bản thường có xu hướng tập trung vào quan hệ chiến lược hơn là quan hệ giao dịch. Và chính vì sự hiệu quả được chứng minh qua nhiều thập kỷ mà có nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang học hỏi để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đối với nhà cung của họ.

Chuỗi cung ứng với nhiều biến thể

Liên kết chặt chẽ với thị trường và nguồn cung - Ảnh 2

Như đã đề cập ở trên, 80% khách hàng của doanh nghiệp có thể được phân vào 4 phân khúc được phục vụ bởi 4 loại hình chuỗi cung ứng khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế 4 biến thể của chuỗi cung ứng này đôi lúc không đủ độ tinh vi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như vượt qua những thách thức trong vận hành cung ứng.

Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện "lai tạo" ra nhiều biến thể khác. Trong nhiều thập kỷ nghiên cứu, tiến sỹ Gattorna tổng hợp lại 16 biến thể của chuỗi cung ứng được sử dụng thành công tại doanh nghiệp.