Liên minh châu Âu 2017: Qua cơn bĩ cực…?

Theo Thanh Chi/daibieunhandan.vn

Bối cảnh chính trị - kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong năm 2017, sau một năm nhiều sóng gió, song các nhà lãnh đạo EU chưa thể vội lạc quan trong năm tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bối cảnh chính trị - kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong năm 2017, sau một năm nhiều sóng gió, từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh, Mỹ tuyên bố thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu sau khi tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống, đến cuộc khủng hoảng di cư tị nạn tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II. Tuy nhiên, chuyên gia của Project Syndicate cho rằng, các nhà lãnh đạo EU chưa thể vội lạc quan trong năm tới.

Một năm giông tố

Đầu năm 2017, nhiều lo ngại cho rằng, chỉ trong vòng một năm EU có thể cận kề bờ vực tan rã khi liên tiếp phải đối mặt với nhiều thách thức, đe dọa tiến trình hội nhập sâu rộng của khu vực. Đó là việc Anh quyết định rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tháng 6/2016; dân Mỹ chọn Donald Trump - nhân vật công khai ủng hộ phong trào Brexit, làm Tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11/2016; hàng loạt nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu tham gia tranh cử trong các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

Quá trình đàm phán nhằm xác định mối quan hệ giữa Anh với EU sau Brexit cho thấy London phải đối mặt không ít khó khăn về chính trị, kinh tế, hậu cần; đồng thời, cũng giúp người dân EU hiểu rõ hơn sự ràng buộc giữa các xã hội và nền kinh tế thành viên trong EU. Các nhà phân tích chính trị ở châu Âu tin rằng, không cử tri nào ở những nước thành viên còn lại của EU muốn lặp lại những gì mà Anh đang phải trải qua.

Trong khi đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, được coi là thách thức lớn đối với EU. Trong vài năm gần đây, các nhà lãnh đạo EU cũng bắt đầu chấp nhận thực tế rằng, EU sẽ phải tự mình gánh vác trách nhiệm nhiều hơn trong giải quyết các vấn đề của khu vực. Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước G7 diễn ra ở Italy hồi tháng 5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố, “người dân châu Âu phải chiến đấu cho chính tương lai và vận mệnh của mình”.

Trong khi đó, tình trạng bất đồng với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine, cũng như vai trò ngày càng được củng cố của Moscow trong việc dẫn dắt, giải quyết một loạt vấn đề quốc tế như cuộc khủng hoảng Syria hay căng thẳng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng là một thách thức đối với EU.

Các nhà phân tích cho rằng, trước ba nhân tố này, ngay cả những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cũng phải thừa nhận rằng hợp tác ở cấp độ EU là đặc biệt cần thiết. Cùng với sự thúc đẩy của ba nhân tố trên, EU còn có thêm động lực từ tăng trưởng kinh tế khu vực được cải thiện. Cùng với đó, các cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone và khủng hoảng di cư tị nạn, từng khiến lục địa già đau đầu, cũng dần được kiểm soát. Mặc dù vậy, tiến trình hội nhập EU vẫn còn dang dở.

Hy vọng vào động lực mới

Trong bối cảnh thế giới chuẩn bị bước sang năm 2018, cục diện ở châu Âu đã đổi khác. EU không chỉ vượt qua những sóng gió kể trên, mà còn tạo động lực mới trong năm tiếp theo. Hoặc chí ít, các nhà lãnh đạo của EU ở Brussels cũng tin tưởng hơn vào triển vọng của tiến trình hội nhập và liên kết khu vực. Hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được coi là nhân vật trung tâm của sự thay đổi này.

Bài diễn văn đầu tiên của ông Macron sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tháng 5 được trình bày trên nền nhạc Khải hoàn ca - bài ca chính thức của EU - có tính biểu tượng mạnh mẽ. Cũng trong bài diễn văn này, ông Macron cam kết sẽ bảo vệ EU, vận mệnh chung mà người dân trên khắp châu lục đã chọn lựa và dốc sức củng cố sự liên kết trong lòng châu Âu.

Kể từ đó, ông Macron liên tục đưa ra nhiều đề xuất cải cách táo bạo, nhằm tăng cường các thiết chế của EU, cũng như dẫn đầu chính sách đối ngoại của liên minh, từ ý tưởng thiết lập một ngân sách và Bộ trưởng Tài chính chung cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đến việc nhất thể hóa lực lượng quân đội các nước thành viên EU… Trong lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel còn đang tìm kiếm liên minh để thành lập Chính phủ mới sau cuộc bầu cử liên bang Đức tháng 9, mọi sự trông cậy về người lãnh đạo EU dường như đều dồn cả vào ông Macron.

Không vội lạc quan

Theo nhà phân tích chính trị và ngoại giao kỳ cựu người Thụy Điển Carl Bildt, bất kể những tín hiệu khả quan ở khu vực, quản trị quốc gia đang trở nên phức tạp hơn ở nhiều nước EU. Đơn cử, ở Đức, trước đây việc thành lập Chính phủ là việc diễn ra sau cuộc bầu cử liên bang. Thế nhưng, quốc gia này vẫn đang nằm dưới sự điều hành của một chính phủ tạm quyền cho tới tháng 3 năm sau, trong khi cũng chưa rõ Chính phủ mới sẽ gồm những lực lượng chính trị nào.

Ở vùng Bavaria cực nam của Đức hay một số quốc gia EU khác như Áo, Hungary… chủ nghĩa cực hữu đang gia tăng mạnh. Ở Italy, thậm chí không mấy ai dám đưa ra dự đoán nào về cuộc tổng tuyển cử sắp tới, sẽ được tổ chức trước ngày 20/5/2018.

Hơn nữa, người dân châu Âu không thể dựa dẫm mãi vào chính sách duy trì lãi suất cho vay thấp, giúp tạo nên sự phục hồi kinh tế hiện thời. Các nhà lãnh đạo EU sẽ cần phải thúc đẩy các biện pháp cải cách nội khối quyết liệt hơn.

Mặc dù Tây Ban Nha đã thành công trong việc khôi phục nền kinh tế nhờ những cải cách quan trọng, hay Pháp đã thực hiện được kế hoạch cải cách luật lao động gây nhiều tranh cãi, nhưng EU vẫn đang chật vật trên nhiều mặt trận. Ví dụ, bất kể Estonia nỗ lực đề ra kế hoạch thực hiện cuộc cách mạng về kỹ thuật số ở EU, khi nước này còn giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, nhưng cho đến nay chưa có mấy biến chuyển trong lĩnh vực này.

Năm tới sẽ là cơ hội cuối cùng để EU theo đuổi kế hoạch cải cách ở cấp liên minh, trước khi khu vực bước sang giai đoạn mới mang tính quyết định. Tháng 3/2019, Anh sẽ chính thức rời khỏi EU, bất kể việc hai bên có đạt thỏa thuận Brexit hay không.

Tiếp đó, tháng 5/2019 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và các nhà lãnh đạo mới sẽ được chỉ định vào các tổ chức then chốt của EU. Vì vậy, các nhà lãnh đạo EU không có nhiều thời gian để theo đuổi những sáng kiến mới về cải cách và hiện thực hóa chúng trước năm 2019.