Một loạt vụ khủng bố đơn lẻ ở Mỹ, Pháp, Đức:

Lỗ hổng trong khả năng dự báo an ninh

Theo daibieunhandan.vn

Một loạt vụ tấn công liên tiếp xảy ra gần đây nhằm vào thường dân ở Mỹ, Pháp, Đức… cho thấy lỗ hổng trong khả năng dự báo của lực lượng an ninh phương Tây, nhằm phát hiện và ngăn chặn những kẻ tấn công đơn lẻ, còn gọi là “những con sói đơn độc” thực hiện các vụ giết người hàng loạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Mối đe dọa từ những cá nhân khủng bố

Trong các vụ tấn công xảy ra ở Mỹ và một số nước châu Âu gần đây, như xả súng ở Orlando, bang Florida, Mỹ; vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice, Pháp; và mới đây nhất là vụ xả súng ở trung tâm mua sắm thành phố Munich, Đức… chiến thuật tiến hành các vụ tấn công không giống với chiến thuật mà IS hay những kẻ tấn công khủng bố thực hiện trong các vụ khủng bố ở Paris, Pháp tháng 11/2015 hay Brussels, Bỉ, tháng 3/2016.

Hầu hết những kẻ thực hiện các vụ tấn công trên đều hành động đơn lẻ. Đáng chú hơn, các hung thủ đều có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Đức Hubertus Andrae cho biết, tay súng thực hiện vụ tấn công Munich ngày 22/7 vừa qua, Ali David Sonboly, từng phải trị liệu tâm lý và y có biểu hiện bị ám ảnh với những vụ giết người hàng loạt.

Ali là thanh niên 18 tuổi, người Đức gốc Iran, sống ở Munich 2 năm và không có tiền án, tiền sự. Cảnh sát Đức cũng khẳng định, hung thủ vụ xả sung Munich không có liên hệ với bất kỳ tổ chức khủng bố, cực đoan nào.

Trong vụ tấn công ở Nice, Pháp đúng vào ngày quốc khánh 14/7, làm 84 người thiệt mạng, mặc dù Chính phủ Pháp tuyên bố đây là vụ tấn công khủng bố, đồng thời Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, song các quan chức điều tra cho biết không tìm thấy chứng cứ cho thấy kẻ tấn công có dính líu tới IS.

Đáng chú ý, hung thủ có xu hướng bị “cực đoạn hóa” nhanh chóng chỉ trong vòng 2 tuần trước khi tiến hành vụ tấn công như việc hắn mới để râu cho giống với những chiến binh IS. Trước đó, hắn không có biểu hiện gì của một kẻ sùng đạo.

Không chỉ ở châu Âu, Mỹ cũng đối mặt với mối đe dọa tương tự. Trong vụ tấn công ở Orlando, Mỹ ngày 12/6, làm 49 người thiệt mạng, kẻ tấn công đã xem những tài liệu tuyên truyền của IS.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra sau đó không phát hiện bất kỳ chứng cứ nào cho thấy hung thủ Omar Mateen dính líu IS hay tổ chức khủng bố nào. Khoảng ba tuần trước vụ thảm sát Orlando, Mateen nói với một người thân rằng anh ta mệt mỏi vì thức trắng nhiều đêm nghiên cứu các loại thuốc trị liệu tâm thần.

Hạn chế của biện pháp truyền thống

Những phát hiện trên cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong khả năng dự báo của lực lượng an ninh các nước phương Tây, nhằm ngăn chặn các vụ giết người hàng loạt do những cá nhân khủng bố gây ra.

Các chuyên gia cho rằng, do việc hành động một cách bộc phát, khó lường, mang tính cá nhân và không có sự liên kết với các mạng lưới khủng bố, việc phát hiện, theo dõi và ngăn chặn những hung thủ tiềm năng mắc bệnh tâm thần này là vô cùng khó khăn.

Các hệ thống hiện hành nhằm thu thập thông tin tình báo về các phần tử cực đoan không được thiết lập để nhận dạng những cá nhân có tiền sử bị bệnh tâm thần. Những cá nhân này nếu tiếp xúc với các phần tử cực đoan có nguy cơ bị chúng kích động để tiến hành những vụ tấn công.

Vụ tay súng Omar Mateen trong vụ tấn công ở Orlando, Mỹ, ngày 12/6, làm 49 người thiệt mạng là ví dụ cho thấy các cơ quan tình báo khó phát hiện và ngăn chặn âm mưu tấn công của những “con sói đơn độc” có tiền sử bị bệnh tâm thần.

Theo các quan chức Mỹ, trong khoảng 10 tháng giữa năm 2013 - 2014, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra Mateen, tình nghi y có cấu kết với những đồng nghiệp có dính líu mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Trong quá trình điều tra, FBI đã đưa Mateen vào ba danh sách nghi phạm khủng bố trong kho dữ liệu của chính phủ Mỹ. Song, vì không thể tìm được chứng cứ cho thấy Mateen thật sự dính líu khủng bố, FBI đã hủy điều tra và đưa tên này ra khỏi danh sách theo dõi.

Quyết định trên tuân thủ luật pháp Mỹ, trong đó giới hạn Chính phủ do thám tất cả người dân Mỹ. CIA và cả Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ không được phép bí mật theo dõi bất kỳ nghi phạm người Mỹ nào nếu không có chứng cứ cho thấy nghi phạm dính líu các tổ chức khủng bố.

Theo các quan chức tình báo, về mặt chiến lược và pháp lý, các điều tra viên chống khủng bố trên toàn cầu thường tập trung vào những mưu tấn công của các nhóm khủng bố, chẳng hạn tổ chức cực đoan IS.

Ở Mỹ, luật pháp được lập ra để bảo vệ quyền riêng tư của công dân, nên các điều tra viên chỉ có thể theo dõi những nghi phạm có dính líu tới các tổ chức hoặc mạng lưới khủng bố.

Trong khi đó, các cơ quan tình báo phương Tây hiện đang bị quá tải trong việc nhận dạng và theo dõi những đối tượng tình nghi được IS huấn luyện và trở về nước để thực hiện các kế hoạch tấn công khủng bố, khiến các cơ quan này sao nhãng với những đối tượng khác.

Sau vụ tấn công ở Nice, giới chính trị gia và an ninh Pháp cho rằng, việc loại trừ hoàn toàn các nguy cơ tấn công khủng bố là bất khả thi, bởi khủng bố là những kẻ nằm trong bóng tối và đa số đang hoạt động như “những con sói đơn độc”.

Tuy nhiên, tăng cường các biện pháp an ninh để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi sự việc xảy ra là điều có thể. Bên cạnh việc tăng cường an ninh, các nước phương Tây cần nhanh chóng tìm cách lấp chỗ hổng trong việc phát hiện, theo dõi và ngăn chặn những kẻ mắc bệnh tâm thần âm mưu thực hiện những vụ tấn công đẫm máu.