Lối thoát nào cho Đông Nam Á trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Theo Khánh Ly/Trí thức trẻ

Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại 1 điểm phần trăm do tác động từ các mức thuế mới của Mỹ, thì tăng trưởng kinh tế của phần còn lại ở châu Á cũng sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chuyên gia tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Manila ngày 3/5 đã bày tỏ quan ngại rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ đứng trước nhiều rủi ro nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa đe dọa đánh thuế lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá lên đến 150 tỷ USD.

Cũng trong tuần trước, một phái đoàn của Mỹ đã đến Bắc Kinh để tiến hành vòng đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố những kế hoạch "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan.

Là những nước có đóng góp lớn vào lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á được cho là sẽ chịu ảnh hưởng từ các mức thuế của Tổng thống Trump. Trả lời phỏng vấn của CNBC, bà Cyn-Young Park, Giám đốc phụ trách hội nhập và hợp tác khu vực của ADB cho biết châu Á có chuỗi giá trị khu vực sâu sắc, vì vậy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ có hiệu ứng lan tỏa thông qua chuỗi giá trị này.

Nói cách khác, trong mạng lưới sản xuất của châu Á, các nước Đông Nam Á cung cấp nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian như hàng hóa bán thành phẩm cho Trung Quốc, và sau đó nước này sẽ lắp ráp, sản xuất chúng thành sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang phương Tây. Theo một báo cáo năm 2017 của Viện chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, các sản phẩm trung gian chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu của Đông Nam Á với Trung Quốc.

Bà Park cho biết ngay cả khi Bắc Kinh đang ngày càng tự sản xuất các sản phẩm trung gian thay vì phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời cũng đang đầu tư mạnh tay vào khu vực Đông Nam Á, khiến cho mối quan hệ giữa thương mại và đầu tư ở khu vực này trở nên khăng khít. Quan chức này cảnh báo kết quả từ thực tế nói trên là nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại 1 điểm phần trăm do tác động từ các mức thuế mới của Mỹ, thì tăng trưởng kinh tế của phần còn lại ở châu Á cũng sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm.

Đây là tin đặc biệt xấu đối với Philippines, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng RHB của Malaysia, 16,9% kim ngạch xuất khẩu của Philippines là một phần trong chuỗi giá trị của Trung Quốc. Chẳng hạn như, quốc gia Đông Nam Á này xuất khẩu các linh kiện điện tử sang Trung Quốc, và các công ty ở đây sau đó sẽ dùng các linh kiện này để sản xuất các mặt hàng điện tử xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Diwa Guinigundo, Phó Thống đốc phụ trách ổn định tiền tệ của Ngân hàng trung ương Philippines cảnh báo chắc chắn Manila sẽ phải chịu một số tổn thất ngoài dự kiến, và bên cạnh tăng trưởng kinh tế thì còn có thể có tác động lan tỏa đến cả thị trường tài chính. Quan chức này cho rằng cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có thể bị ảnh hưởng trong quá trình này vì các chính sách bảo hộ không chỉ giới hạn đối với thương mại mà còn có thể được mở rộng phạm vi áp dụng sang cả đầu tư.

Vì vậy, các nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của châu Á có thể là những nạn nhân nặng nhất nếu những căng thẳng Mỹ-Trung tiến triển theo chiều hướng xấu và trở thành một cuộc chiến thương mại thực sự.

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế của DBS Taimur Baig nhận định rằng các quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ là những nước có khả năng an toàn nhất trong tình hình căng thẳng hiện tại, còn các nền kinh tế mở như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore có thể sẽ không "thoát" được tầm ảnh hưởng của nó.

Trong bối cảnh này, thúc đẩy thương mại nội khối có thể là "chiếc phao cứu sinh" tốt nhất cho khu vực Đông Nam Á nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Ông Guinigundo cho rằng giải pháp cho bài toán này là tiếp tục tăng cường hội nhập khu vực và giải quyết các vấn đề còn lại như các hàng rào phi thuế quan, để có thể tạo ra một đối trọng với những nguy cơ tiềm ẩn từ khả năng nổ ra một cuộc chiến thương mại.