Lựa chọn khôn ngoan của Bắc Kinh

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Sau khi Trung Quốc đưa ra các sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa (SRF), nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những mục đích của Trung Quốc khi đưa ra các sáng kiến này là nhằm đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT). Tuy nhiên, thông tin rò rỉ từ các cuộc họp trù bị lại cho thấy các thành viên sáng lập đã quyết định sử dụng đồng bạc xanh của Mỹ là đồng tiền thanh toán ở AIIB. Vì sao Bắc Kinh chấp nhận quyết định này?

Trung Quốc mong muốn NDT sẽ trở thành đồng tiền thanh toán của AIIB. Nguồn: internet
Trung Quốc mong muốn NDT sẽ trở thành đồng tiền thanh toán của AIIB. Nguồn: internet

USD hay NDT?

Trong một bài báo có tiêu đề Năm câu hỏi quan trọng mà AIIB đang phải đối mặt, Tạp chí Outlook của Trung Quốc nhận định có ba phương án lựa chọn đồng tiền thanh toán của AIIB là USD, NDT và rổ tiền tệ AIIB, trong đó USD được coi là đồng tiền tiện lợi nhất và hiệu quả nhất về mặt chi phí, trong khi đồng NDT là đồng tiền bất tiện nhất và đắt đỏ nhất. Rổ tiền tệ AIIB là một phương án hấp dẫn nhất cho dù rổ tiền tệ này chịu tác động nhiều hơn trước những biến động trên thị trường.

Tất nhiên, Trung Quốc mong muốn NDT sẽ trở thành đồng tiền thanh toán của AIIB. Ông Hong Hao - chuyên gia kinh tế của Công ty Bocom International, nhận định Trung Quốc sẽ cố gắng đưa NDT trở thành đồng tiền thanh toán. Nếu đồng bạc xanh của Mỹ được sử dụng, nó sẽ làm suy yếu các nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng NDT và thách thức vị trí thống trị của USD.

Tuy nhiên, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm 5.4 dẫn một nguồn tin dấu tên cho biết 57 thành viên sáng lập AIIB đã quyết định lựa chọn đồng USD là đồng tiền thanh toán ở AIIB. Nguồn tin trên đã tham gia vòng thứ 4 của hội nghị trù bị diễn ra ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 3.2015 nhằm chuẩn bị cho việc ký kết Hiến chương AIIB vào cuối tháng 6 tới. Theo đó, các sáng lập viên đã nhất trí Hiến chương AIIB sẽ khẳng định USD là đồng tiền thanh toán của ngân hàng này.

Theo quan điểm của Trung Quốc, AIIB được thành lập để sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ của họ, trong đó chủ yếu là các tài sản được định giá bằng đồng USD. Vì vậy, Trung Quốc không có ý định phản đối việc sử dụng USD là đồng tiền thanh toán ở AIIB.

Nguồn tin trên cũng cho biết, các sáng lập viên đã nhất trí vốn điều lệ của AIIB là 100 tỷ USD, cao gấp đôi so với con số mục tiêu ban đầu. Các thành viên châu Á ở AIIB, trong đó có Nga, có thể sẽ giữ 75% cổ phần tại AIIB, trong khi các thành viên đến từ các châu lục khác sẽ chiếm phần còn lại. Theo dự kiến, vòng cuối cùng của cuộc họp nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của AIIB sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 20 đến 22.5.

Lựa chọn khôn ngoan

Trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT, thời gian qua, Trung Quốc đã ký kết 20 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương các nước và vận động thành lập các trung tâm thanh toán bù trừ bằng NDT trên khắp thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trao vị thế đồng tiền dự trữ cho đồng bản tệ và đưa NDT vào rổ tiền tệ hình thành nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Tuy nhiên, nỗ lực đó của Bắc Kinh đang vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ.

Chính vì vậy, Trung Quốc muốn sử dụng AIIB và SRF như những công cụ để đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng bản tệ. Dẫu vậy, Bắc Kinh hiểu rằng họ khó có thể thuyết phục các thành viên sáng lập AIIB chấp nhận phương án sử dụng NDT, nhất là khi nhiều người vẫn quan ngại về ý đồ thực sự của Trung Quốc khi đưa ra các sáng kiến trên.

Sau khi Bắc Kinh đưa ra sáng kiến thành lập AIIB, nhiều người đã nhận định rằng AIIB chính là đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những định chế tài chính quốc tế vẫn đang bị phương Tây chi phối. Và với việc thành lập AIIB và SDF, Trung Quốc muốn định hình lại trật tự tài chính toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Do vậy, với việc chấp nhận để USD làm đồng tiền thanh toán ở AIIB, Bắc Kinh đã tạm thời làm dịu bớt những quan ngại đó.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng về lâu dài, AIIB sẽ vẫn là công cụ để Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT và đưa đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng Yifan Hu của công ty Haitong Securities International nhận định sẽ rất khó để đạt được đồng thuận về rổ tiền tệ AIIB. Thực tế cho thấy, sau nhiều năm thương lượng, ADB đã thất bại trong việc xây dựng một rổ tiền tệ riêng của mình. Vì vậy, đồng bạc xanh của Mỹ sẽ được sử dụng trong giai đoạn đầu của AIIB. Sau đó, AIIB sẽ dần dần chuyển sang sử dụng kết hợp USD và NDT.