"Lục địa già" chia rẽ

(Tài chính) Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, liên minh châu Âu (EU) đã có được tiếng nói chung trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, EU đang có những bất đồng về ngân sách nói riêng và các chính sách khác nói chung.

"Lục địa già" chia rẽ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đám phán ngân sách dài hạn đổ vỡ

Gần đây nhất, sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Bruxelles (Bỉ, ngày 22 - 23/11/2012), đàm phán về ngân sách chung EU giai đoạn 2014 - 2020 đã thất bại. Chủ tịch hội đồng châu Âu (EC), Herman Van Rompuy, đã không thuyết phục được 27 thành viên EU thông qua ngân sách trị giá 973 tỷ Euro, tương đương với 1,01% GDP của toàn khối.

Lý do thứ nhất khiến đàm phán ngân sách thất bại là yêu cầu giảm ngân sách xuống còn chưa đầy 900 tỷ Euro của Thủ tướng Anh, David Cameron. Thủ tướng Anh cho rằng EU phải tiếp tục cắt giảm các khoản chi tiêu; việc cắt giảm ngân sách phải diễn ra đồng thời ở cả các nước thành viên và toàn thể EU. Làm như vậy, phần đóng góp của mỗi nước sẽ giảm đi.

Chiếm 1% GDP của EU, ngân sách EU tương đối nhỏ so với tổng chi tiêu công của châu Âu. thất bại của việc đàm phán ngân sách phản ánh những xung đột về lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên, cũng như những bất đồng về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu.

Quan điểm trên bị Ba Lan và các nước thụ hưởng chính của quỹ EU phản đối với lý do đề xuất này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Ngoài ra, một số nước khác không đồng tình bởi với nhiều lĩnh vực, ngân sách chung đầu tư sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn (như trong nghiên cứu khoa học, một khoản chi chung trên bình diện toàn EU sẽ cho kết quả tổng hợp lớn hơn nhiều so với các nước tự đầu tư nghiên cứu).

Trước lập trường cứng rắn của Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel tỏ ra có sự nhượng bộ khi đề nghị giảm ngân sách chung của EU từ 973 tỷ euro xuống còn 953 tỷ euro. Tuy nhiên, đề nghị này cũng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận trong EU.

Mặt khác, Hội nghị thượng đỉnh EU thất bại còn liên quan đến chính sách trợ giá nông n g h i ệ p chung châu Âu (CAP) và quỹ hỗ trợ các nước nghèo. Pháp và Tây Ban Nha, hai nước nhận trợ giá nhiều nhất từ CAP của EU không chấp nhận giảm 25 tỷ Euro trong CAP, với lý do chính sách này nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng. Một số nước Nam và Đông Âu như Hy Lạp, Italia và Cộng hòa Séc lại phản đối đề xuất cắt giảm mạnh các quỹ hỗ trợ các nước nghèo trong dự thảo.

“Ngôi nhà chung” chưa thực sự vững chắc

Nhiều chuyên gia cho rằng, bất đồng khi xây dựng ngân sách chung châu Âu là chuyện bình thường và trước đây, Liên minh châu Âu cũng thường phải họp 2 đến 3 lần mới thống nhất được. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế trong nước của các quốc gia thành viên trong thời điểm hiện tại sẽ khiến EU khó khăn hơn trong việc tìm tiếng nói chung cho vấn đề ngân sách.

Các số liệu kinh tế quý III/2012 vừa công bố cho thấy, dù các nền kinh tế Đức và Pháp vẫn tăng trưởng nhưng GDP của Eurozone đã giảm 0,1% trong quý III/2012 so mức giảm 0,2% của quý II/2012. Đây là lần thứ hai Eurozone chính thức rơi vào suy thoái kể từ năm 2009 và nếu so cùng kỳ năm ngoái, GDP của Eurozone giảm 0,6% và EU giảm 0,4%.

Bất đồng tại Hội nghị Bruxelles buộc EU phải quyết định tạm gác thảo luận vấn đề ngân sách của khối sang năm 2013. Tình cảnh hiện nay cho thấy, EU chưa thật sự là “ngôi nhà chung” và các thành viên vẫn đặt quyền lợi riêng lên trên lợi ích toàn khối.

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 12-2012