Lương tối thiểu ở các nước: Đong cho khéo

Theo daibieunhandan.vn

Đối với mỗi quốc gia, để phát triển bền vững, cần có sự tác động mạnh mẽ những yếu tố nội lực. Bảo đảm cuộc sống cho người lao động là một trong những yếu tố đó. Làm thế nào “tính” được các mức an sinh xã hội, lương tối thiểu cho phù hợp là câu hỏi nhiều nhà cầm quyền trăn trở.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nước nghèo quan tâm

Theo thống kê, có tới 90% các nước duy trì hệ thống lương tối thiểu như một công cụ quan trọng để điều tiết thị trường lao động, bảo vệ những người lương thấp. Mỗi quốc gia có phương thức áp dụng lương tối thiểu khác nhau. Có những nước áp dụng mức lương tối thiểu chung, song nhiều nơi áp dụng theo vùng, trong đó có nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc…

Từ lâu, Ấn Độ vẫn là quốc gia xếp hạng “nghèo” trên thế giới. Theo một kết quả điều tra, năm 2011, có khoảng 400 triệu người sống dưới mức nghèo khổ tại Ấn Độ với thu nhập bình quân 0,5 USD mỗi ngày. Tới năm 2013, mức lương có tăng thêm khi người lao động nhận lương tối thiểu 0,28 USD mỗi giờ, (khoảng 2 - 3 USD một ngày và dưới 700 USD một năm).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm điều kiện sống của người dân, chính quyền của Thủ tướng Modi đang từng bước nỗ lực tăng mức an sinh cho họ. Đầu năm ngoái, nhà nước đề ra một loạt biện pháp như các chương trình bảo hiểm và chương trình hưu trí chi phí thấp…

Cuối tháng 4 vừa qua, Ấn Độ chủ trương tăng mức lương tối thiểu, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Theo lời Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Bandaru Dattareya: Lương tối thiểu sẽ tăng lên mức 10,000Rs/tháng (tương đương 150USD)”. Bên cạnh đó, người lao động cũng sẽ nhận được các khoản phúc lợi xã hội như quỹ tích lũy và BHYT. Dự luật trên đang được sửa đổi cho phù hợp và sẽ được trình lên Quốc hội.

Nước giàu không bỏ qua

Nhiều nước phát triển áp dụng lương tối thiểu và các ưu đãi cho người lao động ở mức rất cao. Hà Lan là một ví dụ điển hình. Ở nước này, thu nhập giữa người lao động chân tay và lao động trí óc không quá chênh lệch.

Đơn cử, mức lương cho nhân viên quét dọn ở phòng thí nghiệm khoảng 2.000 Euro/tháng, trong khi lương thử việc của cử nhân tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật điện tử là 2.400 Euro/tháng. Xứ sở hoa tulip được coi là quốc gia có mức lương tối thiểu cao nhất thế giới, lên đến xấp xỉ 2.000USD/tháng.

Luật pháp Hà Lan quy định lương tối thiểu dao động trong khoảng 8-9 USD/tiếng. Nếu doanh nghiệp hoặc chủ lao động trả lương thấp hơn sẽ bị coi là bóc lột sức lao động. Dẫu vậy cơ cấu cho mức lương tối thiểu cũng có vài quy định đặc biệt.

Theo đó, người lao động từ 23 tuổi trở lên sẽ được nhận khoảng 70 USD mỗi ngày, từ 15 đến 22 tuổi sẽ bị cắt giảm 30 - 85%. Tuy vậy, Hà Lan lại trội hơn hẳn các quốc gia khác ở tiền thưởng và phụ cấp bắt buộc. Điều này cũng làm tăng cao đáng kể số lương trung bình hàng năm cho người dân nơi đây.

Mới đây nhất, tại thành phố Utretch, các nhà chức trách đang thử nghiệm chương trình trả người dân số tiền cố định để giảm chi phí phúc lợi xã hội.

Theo đó, những người xin trợ cấp tham gia vào chương trình sẽ nhận được một khoản tiền tương đương 985 USD/tháng. Người ta hy vọng, thu nhập cố định này sẽ làm giảm số người chỉ đi làm tạm thời rồi xin nghỉ việc. Họ sẽ có thời gian và tư tưởng thoải mái để tìm việc làm dài hạn, phù hợp với bản thân.

Một điều đặc biệt là dù người lao động đã có mức thu nhập tối thiểu đứng hàng đầu thế giới, song chính phủ Hà Lan luôn tính toán, cân nhắc mọi mặt để bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân. Sự giàu có được phân đều cho tất cả mọi người nhờ hệ thống thuế và các khoản tiền trợ cấp kèm phúc lợi xã hội.

Điều đó đồng nghĩa với việc càng có thu nhập nhiều, càng phải trả thuế cao. Tại Hà Lan, những người thu nhập trung bình hàng năm lên đến 47.000 USD phải khấu trừ bắt buộc các khoản lên tới 37,8%.

Tuy vậy, có một sự thật không thể phủ nhận, dù áp dụng những mức thuế và các khoản khấu trừ nghiêm khắc như thế, hệ thống an sinh xã hội và chế độ lương thưởng ở đây là niềm mơ ước, khao khát của rất nhiều quốc gia.