Malaysia có điều chỉnh chính sách đầu tư không?

Theo daibieunhandan.vn

Hàng loạt dự án, kế hoạch đầu tư và các khoản “vay mềm” của Trung Quốc ở Malaysia đang bắt đầu bị Chính phủ nước này “soi” kỹ sau thất bại của dự án khu đô thị Bandar Malaysia hồi tuần trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Dự án bất động sản dân cư và thương mại Bandar Malaysia do Công ty TRX City (thuộc Bộ Tài chính Malaysia) và Tập đoàn Kỹ thuật đường sắt Trung Quốc (ICSB) thực hiện tại quận Sungai Besi với trị giá 1,7 tỷ USD vốn được đánh giá là chất xúc tác để phát triển kinh tế song phương, nhưng hôm 3/5 đã bất ngờ bị tuyên bố “khai tử”. Dự án này ban đầu do Công ty TRX City một đơn vị của Công ty Phát triển 1 Malaysia Development Berhad (1MDB) đầu tư và thực hiện. Nhưng 1MDB gặp bê bối vào năm 2015 nên công ty này thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Malaysia.

Xuất hiện thông tin cho rằng việc Trung Quốc đòi hỏi nhiều lợi thế hơn từ phía Malaysia là nguyên nhân khiến thỏa thuận này thất bại. Còn Nhà phân tích kinh tế vĩ mô, TS. Hoo Ke Ping cho rằng, Trung Quốc không bật đèn xanh cho dự án này vì họ không đủ khả năng để đầu tư do bị kiểm soát vốn quá nghiêm ngặt.

“Tất cả các dự án mà Trung Quốc ký kết từ năm 2015 đến nay được cam kết mà không qua đánh giá tình hình tài chính cẩn thận đang chuyển biến xấu. Vì vậy, đến nay, các dự án của Trung Quốc (dù là tư nhân hay Nhà nước), nếu không phải là dự án chiến lược, họ sẽ rút ngay. Chiến lược ở đây có nghĩa là mang lại lợi ích địa chính trị cho Trung Quốc” - TS. Hoo nhận định.

Vị Tiến sĩ này cũng nêu lý do khác. Trước đây, dự án đầu tư vào Bandar có thể có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc nhưng nay đã hết. Bởi Bắc Kinh nhận thấy, qua dự án này, họ vẫn không nhận được hợp đồng đường sắt cao tốc nối Singapore - Malaysia, trong khi Nhật Bản đang có lợi thế tốt hơn. Nhiều khả năng Nhật Bản sẽ giành được dự án.

Sau thương vụ bất thành này, Chính phủ Malaysia bắt đầu kiểm soát tất cả hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ USD được ký kết giữa 2 nước kể từ năm 2014 khi Kuala Lumpur bị ảnh hưởng vì giá dầu lao dốc.

Trong một thập kỷ qua, các khoản đầu tư và khoản cho vay của Trung Quốc đổ vào Malaysia đã tạo ra cơn bão chính trị khi những nhân vật có quan điểm phản đối như cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lo ngại nước này sẽ phải trả giá đắt vì điều đó. Sự sụp đổ của thỏa thuận Bandar Malaysia nêu trên khiến nhiều người cho rằng các khoản tài trợ của Trung Quốc thường đi kèm điều kiện “khó nuốt”.

Đối với các doanh nhân Malaysia, sự hiện diện của Trung Quốc còn đi cùng với một nỗi lo khác. Họ chia sẻ với tờ Sunday Times ngày 7/5 rằng Trung Quốc có xu hướng mang theo lao động lành nghề bên cạnh những người không có tay nghề vào Malaysia, nhập khẩu các vật liệu như thép và máy móc từ Trung Quốc cũng như thực hiện các dự án với tốc độ và quy mô không tương xứng với hầu hết các công ty của Malaysia.

Theo Ngân hàng Thế giới và Cục Thống kê Malaysia, các công ty nhà nước Trung Quốc đã xây dựng và đầu tư nhiều dự án trị giá 35,6 tỷ USD vào Malaysia từ năm 2010 - 2016. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sang Malaysia tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua, vượt xa kim ngạch xuất khẩu của Malaysia sang Trung Quốc.

Sự phát triển đột ngột và nhanh chóng trong những năm qua cùng với quy mô lớn của các công ty từ nền kinh tế số 2 thế giới đã làm dấy lên lo ngại đối với các doanh nghiệp Malaysia. Ông Datuk Michael Kang, Chủ tịch Hiệp hội SME Malaysia cho rằng, “Vấn đề là Trung Quốc sẽ sở hữu và kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng”.