Merkel giữa nhiều làn đạn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với nhiều áp lực bất thường và khá đa dạng, từ tranh cãi về khả năng Hy Lạp tách khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), căng thẳng liên quan kế hoạch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến hành một đợt nới lỏng tiền tệ mới, cuộc khủng hoảng Ukraine đến những câu hỏi về Hồi giáo, nhập cư và chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu, trong đó có Đức.

Những thành tựu kinh tế trong nước của bà Merkel rất đáng nể. Nguồn: internet
Những thành tựu kinh tế trong nước của bà Merkel rất đáng nể. Nguồn: internet
Nhìn bề ngoài, mọi chuyện dường như vẫn ổn. Tỷ lệ ủng hộ dành cho liên minh cầm quyền giữa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vẫn ở mức cao như thời điểm bà Merkel giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 3 hồi tháng 9.2013. Quyền lực của bà phụ thuộc chủ yếu vào việc điều hành nền kinh tế cùng với việc dịch chuyển khôn khéo trọng tâm sang các vấn đề như năng lượng hạt nhân và mức lương tối thiểu.

Bà Merkel cũng “nắn” lại cách tiếp cận mềm dẻo này trong những ngày gần đây với một động thái đáng chú ý về vấn đề nhập cư. Trong thông điệp đầu năm mới 2015, nhà lãnh đạo Đức đã lên án những người tổ chức phong trào Những người châu Âu ái quốc chống nạn Hồi giáo hóa phương Tây (PEGIDA) là những kẻ phân biệt chủng tộc. Thông điệp của bà Merkel được đông đảo người dân hoan nghênh. Tuy nhiên, có một nguy cơ chính trị là nó đã tạo ra cơ hội cho các đảng phái cánh hữu tại thời điểm mà chủ nghĩa dân túy đang phát triển ở châu Âu và có thể phát triển mạnh hơn nữa sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo tuần trước. Sự nổi lên của đảng Độc lập Anh (UKIP) cũng cho thấy lực lượng phản đối nhập cư lớn mạnh nhanh đến mức nào.

Những thành tựu kinh tế trong nước của bà Merkel rất đáng nể, với số liệu mới nhất cho thấy số người có việc làm ở Đức tăng lên mức cao kỷ lục, trong khi giá dầu giảm đang thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử của Hy Lạp và những tranh cãi xung quanh khả năng nước này rời khỏi Eurozone đã nhắc nhở người dân Đức rằng cuộc khủng hoảng ở Eurozone vẫn chưa kết thúc. Tạp chí Der Spiegel còn châm ngòi cho một cơn bão mới khi đưa tin rằng bà Merkel sẵn sàng để Hy Lạp rời khỏi Eurozone khi đảng cực tả Syriza giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25.1 vừa qua và đòi hỏi những nhượng bộ tài chính vô lý. Các quan chức Đức đã lên tiếng phủ nhận có sự thay đổi về chính sách của nước này, nhưng lại khiến nhiều người có suy nghĩ rằng Berlin đang toan tính điều gì đó. Điều này tạo ra cảm giác Đức muốn dọa người dân Hy Lạp và ngăn cản họ bỏ phiếu cho đảng Syriza.

Tranh cãi về việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone cũng cho thấy một thực tế là sau 5 năm dưới sự điều hành chặt chẽ của bà Merkel, Eurozone đã tránh được sự sụp đổ tài chính, nhưng khu vực này vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng kinh tế cần thiết, đủ để giảm tỷ lệ thất nghiệp ở những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy liệu EU có thể đi tới cực điểm mà ở đó cách tiếp cận từng bước của bà Merkel sẽ trở thành bế tắc chính trị?

Mặc dù được hoan nghênh ở trong nước, nhưng cách tiếp cận ưu tiên chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel và kế hoạch tiếp tục nới lỏng tiền tệ của ECB đang khiến cho những người theo chủ nghĩa dân túy ở Eurozone nổi giận. Nếu đồng ý để ECB thực hiện chương trình nới lỏng tiền tệ, bà Merkel sẽ phải tìm cách thuyết phục người dân Đức, nhất là những cử tri bảo thủ đang trở thành mục tiêu ve vãn của đảng Lựa chọn vì nước Đức (AfD) có tư tưởng chống hội nhập châu Âu.

Một thách thức nữa đối với bà Merkel là việc áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Hiện nay, EU vẫn bị chia rẽ về vấn đề này. Bà Merkel đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow sau vụ máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi. Các biện pháp này sẽ phải gia hạn vào tháng 3 tới.

Cuối cùng, như thảm kịch Charlie Hebdo cho thấy, bà Merkel có thể phải đối mặt với những sự việc không ngờ vào bất cứ lúc nào. Nhà lãnh đạo Đức đã đối phó khá tốt với sự kiện gây bất ngờ lớn trong năm 2014, đó là tình hình Ukraine. Giải quyết được mối đe dọa lớn nhất tới hòa bình ở châu Âu trong nhiều thập kỷ đã nâng cao uy tín của bà Merkel trong vai trò là người kiểm soát khủng hoảng. Tuy nhiên, với quy mô và giai đoạn phát triển của các cuộc khủng hoảng như hiện nay, sự kiểm soát của một mình bà Merkel có thể sẽ là không đủ.