Mô hình Ngân hàng ASEAN

Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trung Quốc sẽ là cổ đông sáng lập lớn nhất của Ngân hàng ASEAN với mức đầu tư trên 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,7 tỷ USD). Các cổ đông khác là những quốc gia thuộc ASEAN và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…

Mô hình Ngân hàng ASEAN
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN với Trung Quốc theo mô thức ASEAN + 1, đến cuối năm 2015 khi hình thành thị trường chung thống nhất ASEAN theo mô thức Cộng đồng kinh tế, Trung Quốc cũng gắn kết với thị trường ASEAN theo Hiệp định thương mại tự do rất cởi mở. Vì thế, ý tưởng thành lập Ngân hàng ASEAN nhằm phục vụ chủ nghĩa bành trướng thương mại - đầu tư của Trung Quốc cũng dần lộ rõ.

Ngân hàng khu vực do Trung Quốc chi phối

Không dừng lại ở hoạt động thương mại, tư bản nhà nước đan xen gắn kết với tư bản tư nhân Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược đầu tư tài chính tại khu vực ASEAN, điều mà Trung Quốc đã làm với các nước châu Phi.

Đặc trưng của nền tài chính tiền tệ thế giới ngày nay là vốn tư bản dư thừa và đang được nắm giữ chi phối bởi các tập đoàn tài chính ngân hàng siêu quốc gia.

Tư bản tài chính Trung Quốc đang mở rộng thị trường trong mối liên kết chặt chẽ giữa tư bản công nghiệp, thương mại không khác các nước phương Tây. Trung Quốc cũng ngày càng sử dụng các tập đoàn tư bản hỗn hợp nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế - chính trị theo ý đồ chiến lược của chủ nghĩa thực dân kinh tế mới, xuất hiện mạnh mẽ từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ này.

Ngân hàng ASEAN theo ý tưởng Trung Quốc là loại định chế tư bản tài chính siêu quốc gia. Theo thông tin từ Reuters, một khi Ngân hàng ASEAN được thành lập, Trung Quốc sẽ là cổ đông sáng lập lớn nhất với mức đầu tư trên 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,7 tỷ USD). Các cổ đông khác là những quốc gia thuộc khối ASEAN và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngân hàng ASEAN là ngân hàng thương mại quốc tế mà các thành viên là chủ thể quốc gia, bao gồm cả chức năng ngân hàng chính sách tác động đến kinh tế vĩ mô các nước ASEAN, giống như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thu nhỏ…

Chúng ta chưa có đủ thông tin về vai trò chức năng hoạt động đầu tư kinh doanh của ngân hàng này theo ý tưởng Trung Quốc, nhưng hiển nhiên đây sẽ là tập đoàn tài chính ngân hàng siêu quốc gia, phục vụ các ý đồ kinh tế - chính trị của Trung Quốc nếu nước này là cổ đông sáng lập lớn nhất, chi phối.

Ngân hàng hoạt động luôn gắn chặt với đồng tiền và chủ thể là các cổ đông. Ý tưởng tạo dựng đồng tiền chung ASEAN giữ vai trò đồng tiền quốc tế thực hiện các chức năng tiền tệ thế giới của khối ASEAN, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng tiền bá chủ thế giới là USD, đã được nhiều học giả đề xuất từ mấy năm trước đây, khi ASEAN hoạch định chiến lược xây dựng tổ chức quốc tế này thành một cộng đồng kinh tế.

Nhưng đáng tiếc lãnh đạo quốc gia các nước ASEAN chưa cùng nhau hoạch định chính sách, giải pháp để triển khai yêu cầu phát triển này trong tiến trình đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế khối ASEAN. Sau đó, do tác động khủng hoảng tài chính toàn cầu chi phối đến nay vẫn chưa khắc phục xong, vấn đề này đã bị gác lại.

Không mở rộng cổ đông bên ngoài

Trong bối cảnh khối Liên minh châu Âu (EU) với đồng tiền chung EUR đang lâm vào tình trạng bất ổn trong xu thế “tồn tại” hay “không tồn tại”, nên các nước ASEAN càng thiếu mặn mà về ý tưởng đề ra lộ trình xây dựng đồng tiền chung, dù ban đầu đã được xác định chỉ là đồng tiền quốc tế ghi sổ kiểu ECU của Cộng đồng châu Âu hay đồng rúp chuyển nhượng của khối SEV trước đây.

Trở lại chủ đề hoạt động ngân hàng phục vụ hợp tác, liên kết kinh tế ASEAN sắp tới, các nước ASEAN cần chủ động tạo dựng một ngân hàng ASEAN đích thực thuộc nội khối ASEAN, không chạy theo ý đồ của Trung Quốc. Bởi trong các quan hệ hợp tác, liên kết kinh tế ASEAN + 1 hay dù cộng gì đi nữa, vẫn cần bám sát định hướng chủ đạo đã được xác định là ASEAN phải luôn giữ vị thế đầu tàu làm hạt nhân, động lực trong các quan hệ hợp tác liên kết mở rộng ngoài khối.

Vậy định hướng nào cho sự ra đời một Ngân hàng ASEAN nội khối? Người viết bài này xin nêu những gợi mở như sau: Đây là loại hình ngân hàng thương mại nhà nước đa quốc gia của khối ASEAN. Chủ thể tham gia phải là tư cách quốc gia thành viên ASEAN, có tính bắt buộc. Ngân hàng hoạt động đa năng, không những giữ vai trò trung tâm đầu mối thanh toán quốc tế của các nước ASEAN, mà còn là ngân hàng cấp tín dụng ngắn hạn hỗ trợ thanh khoản quốc tế cho các nước thành viên; thực thi cả vai trò ngân hàng cung cấp tín dụng trung, dài hạn, thông qua định chế Quỹ đầu tư quốc tế ASEAN trực thuộc.

Ngoài chức năng ngân hàng thương mại đa năng và đầu tư phát triển, Ngân hàng ASEAN còn đảm nhiệm vai trò trung tâm nghiên cứu, xác lập cơ chế chính sách về ngoại hối, tỷ giá, lãi suất… để vận hành thống nhất trên thị trường chung ASEAN theo mô thức Cộng đồng kinh tế.

Ngân hàng có mức vốn điều lệ góp đủ với con số tuyệt đối phải cao hơn nhiều so với Ngân hàng ASEAN theo ý tưởng Trung Quốc trên đây. Mức vốn điều lệ được phân bổ cho từng nước thành viên ASEAN, cần được xác định theo thực tiễn thông lệ quốc tế.

Tới đây với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN theo mức độ một thị trường chung thống nhất, bản tệ các nước ASEAN sẽ được tự do vận động hoán đổi giữa các nước. Ngân hàng ASEAN cũng chính là trung tâm hoán đổi tiền tệ của nội khối ASEAN. Trong khi ASEAN chưa xác lập đồng tiền chung, Ngân hàng ASEAN vẫn sử dụng các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi hiện nay, chủ yếu USD để hạch toán, như hoạt động của ADB hiện hữu…