Mũi tên Abenomics lung lay?

Theo daibieunhandan.vn

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản quý II giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái do tiêu dùng giảm và xuất khẩu yếu đã gây áp lực không nhỏ đối với Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Người ta không khỏi hoài nghi, chính sách kinh tế táo bạo mang tên Abenomics với “3 mũi tên thần kỳ” nhằm đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi thời kỳ giảm phát, đang lung lay?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những con số thất vọng

Báo cáo sơ bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II sau khi điều chỉnh theo lạm phát giảm 0,4% so với quý trước đó. Đây cũng là lần sụt giảm đầu tiên trong ba quý. Tuy nhiên, các mức giảm trên vẫn khả quan hơn các con số dự đoán trước đó là giảm 0,5% so với quý I, hay 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu dùng cá nhân - chiếm 60% GDP của Nhật Bản - đã giảm 0,8%, trong khi xuất khẩu giảm tới 4,4%, điều này làm u ám hơn nữa “bức tranh” toàn cảnh tiêu dùng của Nhật Bản.

Theo công ty chứng khoán SMBC Nikko Nhật Bản, tăng trưởng trong quý II bất ngờ giảm sau khi tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong quý I, nguyên nhân một phần do nhu cầu đáng thất vọng đối với hàng hóa Nhật Bản tại thị trường Mỹ, Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu khác. Các nhà kinh tế hàng đầu Nhật Bản cho rằng, cùng với sự giảm tốc ở các thị trường châu Á cũng phải tính tới yếu tố khác là tiêu dùng trong nước suy yếu do tiền lương tăng chậm và thời tiết xấu khiến người dân không ra ngoài mua sắm. Thêm vào đó, Nhật Bản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đợt tăng thuế từ 5% lên 8% tháng 4 năm ngoái, trong khi các chính sách kinh tế táo bạo mang tên Abenomics của Thủ tướng Abe vẫn chưa phát huy hết tác dụng.

Yếu tố tạm thời

Các số liệu trên củng cố quan điểm cho rằng phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn yếu, đồng thời làm dấy lên quan ngại mới về chính sách kinh tế “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra tháng 11.2012 nhằm đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Abenomics được ví giống như một “liệu pháp sốc” đánh thức nền kinh tế Nhật vốn đã “ngủ đông” quá lâu. Abenomics gồm hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Chính quyền Abe đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức chưa từng có trong lịch sử, cùng với quá trình bãi bỏ các luật lệ ràng buộc, khiến nhà đầu tư Nhật Bản lạc quan về triển vọng kinh tế đất nước và tích cực đầu tư. Chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công cũng góp phần hạ giá đồng yen trên thị trường hối đoái. Nhờ tỷ giá đồng yen cạnh tranh, lĩnh vực xuất khẩu cũng có những thay đổi khả quan, trong đó các ngành sản xuất chính của nước này là ô tô và điện tử được hưởng lợi nhiều nhất do có giá rẻ hơn tại các thị trường nước ngoài.

Tokyo cũng rót một khoản ngân sách lớn cho nền kinh tế, cam kết thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp, hoạch định chương trình phát triển kinh tế cho 5 năm tới. Cùng với đó là giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách tư pháp và thiết lập các hệ thống mới.

Abenomics được đánh giá khá linh hoạt vì có những thay đổi sâu sắc hơn để khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, tạo điều kiện để người lao động có tuổi nghỉ việc, nới lỏng các hạn chế đối với ngành nông nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, chỉ 1/3 các bà mẹ Nhật đi làm. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động của Nhật Bản đang thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Nếu phụ nữ Nhật cũng đi làm như đàn ông, dự đoán GDP Nhật Bản sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD.

Trong hai năm đầu triển khai chính sách, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã phát đi những tín hiệu tích cực. Thị trường chứng khoán khởi sắc với chỉ số Nikkei liên tục tăng điểm. Chi tiêu tiêu dùng và sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đều tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại giảm. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình và sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng. Nền kinh tế Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2%, nhờ có sự cải thiện trong thị trường tài chính, kinh tế cũng như sự mong chờ của người dân dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ.

Tuy nhiên, những diễn biến chính trị và kinh tế bất lợi trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới Nhật Bản. Thêm vào đó là nhiều điểm nóng chiến sự xuất hiện, cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, nợ công của Hy Lạp, đà suy giảm mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội quốc gia Anh (NIESR), kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế thế giới trong năm 2015 và 2016 có thể giảm xuống còn lần lượt 3% và 3,5%, từ mức dự báo tương ứng 3,2% và 3,8% đưa ra trước đó. Giới chức Tokyo cho rằng, số liệu u ám của nước này chịu ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố tạm thời bên ngoài, chứ không phải Abenomics có vấn đề.