Mũi tên mới của Shinzo Abe?

Theo daibieunhandan.vn

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ triển khai gói kích thích kinh tế, trị giá có thể lên tới 10.000 tỷ yen (tương đương khoảng 97 tỷ USD), trong nỗ lực chấn hưng nền kinh tế, vốn trong tình trạng trì trệ suốt 2 thập kỷ qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thực hiện lời hứa

Tại phiên họp bất thường của Nghị viện sẽ diễn ra vào mùa thu tới, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ trình ra dự thảo Ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2016, bao gồm gói các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Trước đó, ông Abe đã chỉ đạo Bộ Chính sách kinh tế và tài chính Nobuteru Ishihara soạn thảo một loạt các biện pháp kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù quy mô của gói các biện pháp kích thích kinh tế chưa được Chính phủ công khai, song theo báo tài chính Nikkei, các dự án được Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch triển khai nhiều khả năng có giá trị lên tới 10.000 tỷ yen (tương đương 97 tỷ USD), bao gồm các khoản cho vay của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong văn bản chỉ đạo gửi Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài chính, Thủ tướng Abe còn yêu cầu ông Ishihara đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt cho tàu điện từ trường và mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc của nước này.

Động thái trên được ông Abe đưa ra sau khi liên minh cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 10/7 vừa qua. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Abe đã cam kết tập trung đưa ra các biện pháp tài chính táo bạo, nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi suy thoái và bước vào giai đoạn ổn định. Việc Chính phủ bắt tay ngay vào thực hiện lời hứa cho thấy quyết tâm của chính quyền Abe trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế.

Cần thêm những mũi tên mới

Lên nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe đặt mục tiêu chấn hưng nền kinh tế, đưa ra chiến lược cải cách kinh tế Abenomics, với 3 mũi tên: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Sau 3 năm thực hiện cải cách cấu trúc kinh tế, tháng 10/2015, Thủ tướng Abe tiếp tục đưa ra 3 mũi tên mới, tập trung vào xây dựng nền kinh tế mạnh, hỗ trợ chăm sóc trẻ em nhằm nâng cao tỷ lệ sinh đẻ và cải thiện an sinh xã hội, nhằm tiếp sức cho nỗ lực hồi sinh kinh tế.

Mặc dù, chiến lược Abenomics được đánh giá là đã mang lại những thành công bước đầu, nhưng có không ít ý kiến phản bác cho rằng chính sách này đã thất bại trong việc cải thiện đời sống cho dân thường.

Hiện, kinh tế Nhật Bản tiếp tục khó khăn. Ngày 13/7, Chính phủ Nhật Bản đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tài khóa 2016 từ mức 1,7% được dự đoán từ tháng 1 xuống còn 0,9%, trong bối cảnh các chỉ số tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.

Theo các số liệu chính thức được công bố ngày 30/6, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua giảm 2,3% so với tháng trước đó. Đây là lần giảm đầu tiên trong ba tháng và được xem là dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế Nhật Bản, trong bối cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu yếu và đồng yen mạnh, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều hoạt động ở nước ngoài. Nợ công của Nhật Bản hiện đã tăng lên trên 200% GDP, mức cao nhất trong số các nước phát triển.

Trong khi đó, niềm tin của người dân Nhật Bản vào triển vọng kinh tế cũng suy giảm. Theo kết quả nghiên cứu hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), tháng 6 vừa qua, 72,4% hộ gia đình ở Nhật Bản tin rằng giá cả trong nước tăng so với cùng kỳ năm 2015, giảm từ mức 75,7% của tháng 3.

Đây là quý giảm thứ 4 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012, trước khi BoJ thông qua chương trình kích cầu năm 2013. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ gia đình ở Nhật Bản đặt niềm tin vào năng lực điều hành và chính sách của BoJ cũng rớt xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, với hơn 50% số người tham gia trả lời hoài nghi về việc BoJ hoạt động độc lập và không bị chính phủ can thiệp.

Kết quả nghiên cứu trên cũng nhấn mạnh, những thách thức mà BoJ đang đối mặt trong nỗ lực thúc đẩy niềm tin của người dân về việc giá cả sẽ tăng trong thời gian tới với kế hoạch in tiền quy mô lớn. Theo các nhà phân tích, ông Abe cần đưa ra thêm những mũi tên mới nhằm bảo vệ những thành quả mà Abenomics đã đạt được, cũng như thực hiện mục tiêu khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, chiến lược Abenomics của Chính phủ Nhật Bản đã đạt được những tiến bộ trong việc khôi phục kinh tế Nhật Bản, song vẫn chưa đủ để giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và tỷ lệ lạm phát 2%.

IMF nhấn mạnh, việc chỉ áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ không thể giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu đề ra, mà Tokyo cần tăng gấp đôi các biện pháp kích thích kinh tế, kết hợp chương trình Abenomics với các chính sách tăng thu nhập và cải cách thị trường lao động.