Mỹ không "ngây thơ" trước làn sóng Trung Quốc hóa các công ty

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đúng như tên gọi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nước Mỹ mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. Điều này lý giải cho sự đổ bộ của các đại gia Trung Quốc vào Mỹ. Nhưng Mỹ cũng không "ngây thơ" trước làn sóng mua bán và sáp nhập từ Trung Quốc.

Mỹ không "ngây thơ" trước làn sóng Trung Quốc hóa các công ty
Mỹ không "ngây thơ" trước làn sóng mua bán và sáp nhập từ Trung Quốc. Nguồn: internet

Cuối năm ngoái, Smithfield Foods Inc, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới ở Virginia đã bị công ty Shuanghui mua lại, trở thành một công ty con của Trung Quốc. Với giá mua ở mức 7,1 tỷ USD, trong đó gần nửa là các khoản nợ của Smithfield, đây là vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc đối với một công ty của Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là khúc dạo đầu của Trung Quốc trong hướng đi mới này tại Mỹ. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nhắm vào một công ty sản xuất bánh táo nào của Mỹ, nhưng đó có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ quyết định tấn công vào lĩnh vực này. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đạt 14 tỷ USD trong năm 2013, tăng gấp đôi so với năm trước, và theo Tập đoàn phân tích tài chính Rhodium, hoạt động mua lại của Trung Quốc đã đạt 8 tỷ USD chỉ trong quý đầu tiên của năm nay.    

Trung Quốc cần phải đi một chặng đường dài nữa để có thể đạt tới quy mô đầu tư của Anh hoặc của Pháp tại Mỹ, nhưng các công ty Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tái xuất khẩu số vốn thặng dư của họ. Thoạt đầu, người Trung Quốc đã quan tâm đến các nguồn nguyên liệu thô để phục vụ khu vực sản xuất của họ, song hiện nay các công ty Trung Quốc đã có mặt trên hầu khắp lãnh thổ của nước Mỹ, nhiều hơn so với sự hiện diện của họ ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.   

Chỉ riêng ở California hiện có 236 công ty Trung Quốc đang hoạt động. Họ là các chủ nhân của các công ty mới được thành lập hoặc là chủ sở hữu hay đối tác mới của các công ty Mỹ bị mua lại. Sự gia tăng trong hoạt động mua lại của Trung Quốc đã khiến các nhà lập pháp Mỹ nghi ngờ về ý đồ của Bắc Kinh. Quốc hội Mỹ đã cảnh báo Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS), một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ có chức năng giám sát những khách hàng nước ngoài có khả năng mua lại các công ty liên quan đến an ninh của Mỹ. Họ kêu gọi CFIUS thực hiện điều tra trước khi ký kết hợp đồng và phải đệ trình kết quả điều tra cho Tổng thống để đi đến quyết định cuối cùng. Cho đến nay, Tổng thống Obama mới chỉ thực hiện quyền phủ quyết của mình một lần, khi một doanh nghiệp dầu khí nhà nước của Trung Quốc cố gắng thâu tóm một công ty dầu khí của Mỹ.    

Những bước đi này của các công ty Trung Quốc được triển khai nhờ chính sách khá thông thoáng của chính phủ Mỹ đối với đầu tư nước ngoài và cơ chế sáp nhập công ty. Mỹ hiện dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Mitchell Marks, một chuyên gia về sáp nhập và mua bán cổ phần thuộc Đại học San Francisco, trong môi trường kinh doanh ở Mỹ thống trị quan niệm rằng thế thượng phong sẽ thuộc về những người bỏ thầu cao nhất, chứ không phải do chính giới quyết định. Vì thế, những thương vụ kiểu Ngân hàng Softbank của Nhật Bản năm ngoái đã mua đứt Sprint - tập đoàn kinh doanh điện thoại di động lớn thứ ba của Mỹ, hay Smithfield Foods Inc đã trở thành tài sản của một nhà đầu tư Trung Quốc không phải là những đợt sóng thần trong giới làm ăn tại Mỹ. Nói cách khác, sáp nhập, mua đứt bán đoạn các tập đoàn là hiện tượng thường nhật tại nền kinh tế số một thế giới.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, các tập đoàn nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng không nên quá kỳ vọng về một sự ăn nên làm ra dễ dàng trên đất Mỹ. Bản chất của tư bản mà các nhà tài phiệt Mỹ là trùm sò là tối đa hóa lợi nhuận. Mọi thương vụ đều dựa trên nguyên tắc có đi có lại và lợi nhuận là ưu tiên số một. Với Nhà Trắng, chấp nhận bật đèn xanh cho các thương vụ có yếu tố Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn tận dụng mối quan tâm về đầu tư của Trung Quốc tại thị trường Mỹ như một đòn bẩy để ép Bắc Kinh cân bằng sân chơi đối với các nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã rút ngắn danh sách các lĩnh vực kinh doanh bị giới hạn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và hai bên có thể đi đến một hiệp ước đầu tư song phương trên cơ sở những tiến bộ đạt được trong quá trình đàm phán từ nhiều năm nay.   

Trước mắt, trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn phục hồi khá mong manh sau khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, có vẻ như sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tạo thêm công ăn việc làm, đặc biệt là tại các khu vực đang gặp phải khó khăn lớn về kinh tế. Nhưng khi bức tranh kinh tế Mỹ sáng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm, có lẽ Quốc hội Mỹ sẽ giám sát chặt hơn và các nhà đầu tư Trung Quốc có thể sẽ phải thấy số cánh cửa khép lại nhiều hơn số cánh cửa mở ra đối với họ. 

Điều này lý giải tại sao luật pháp Mỹ - hay giới chức Nhà Trắng – vẫn có những công cụ để giám sát các thương vụ thâu tóm, sáp nhập. CFIUS với thành viên là các chuyên gia đến từ Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo nội địa có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đấu thầu, năng lực của các nhà đầu tư, lĩnh vực kinh doanh và tiềm lực của các đối tác sáp nhập… Quá trình thẩm định này có thể kéo dài tới 75 ngày và quyết định cuối cùng có cho phép tiến hành thương vụ hay không phụ thuộc vào đánh giá của CFIUS.