Mỹ: Nguy cơ vỡ nợ lại rình rập

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công vào đầu tháng 2/2014, thì nguy cơ vỡ nợ một lần nữa lại tiếp tục rình rập Mỹ.

Mỹ: Nguy cơ vỡ nợ lại rình rập
Nguy cơ vỡ nợ một lần nữa lại tiếp tục rình rập Mỹ. Nguồn: internet

Nguy cơ vỡ nợ rình rập

Theo thông báo của Quốc hội Mỹ, nước này vẫn có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ vào thời điểm giữa tháng 3 và tháng 6/2014 nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công vào đầu tháng 2/2014.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa có bất kỳ một giải pháp lâu dài nào được đưa ra; các biện pháp đang áp dụng chỉ duy trì được trong vòng 1 tháng, đồng thời  Bộ này cũng đưa ra cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể sẽ cạn kiệt tiền mặt vào tháng 3/2014.

Trước đó, ngày 16/10, Mỹ tránh được tình trạng lâm vào một cuộc vỡ nợ lịch sử khi Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận về giải pháp tăng trần nợ công và tái mở cửa Chính phủ.

Thỏa thuận được thông qua bao gồm việc nâng trần nợ công liên bang đến ngày 7/2/2014, đồng thời cấp tiền để Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại đến ngày 15/1/2014 vì đụng mức trần nợ công 16.700 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nhất trong 4 năm qua do giá xăng giảm

Theo các số liệu công bố ngày 20/11, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh hơn dự kiến, trong khi lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này cho thấy, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được duy trì trong thời điểm đầu quý 4/2013.

Đây cũng là những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế Mỹ sau sự kiện Chính phủ đóng cửa tháng 10 vừa qua.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ không tính ô tô, xăng dầu và vật liệu xây dựng (doanh số bán lẻ lõi) tăng 0,5% trong tháng 10, sau khi tăng 0,3% vào tháng 9, khi người tiêu dùng vẫn tăng chi tiêu dù Chính phủ bị đóng cửa trong 16 ngày đầu tháng. Trong khi đó, các nhà kinh tế dự báo doanh số bán lẻ lõi tháng trước sẽ tăng 0,3%. 

Doanh số bán lẻ lõi tăng mạnh hơn dự báo cho phép nhận định rằng, chi tiêu tiêu dùng có thể bứt lên từ mức thấp nhất trong hai năm trong quý 3 vừa qua và có thể hạn chế nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong quý IV này.

Nhưng chi tiêu tiêu dùng dù tăng vẫn không đủ để kích tăng tỷ lệ lạm phát. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, CPI của nước này trong tháng 10 giảm 0,1%, sau khi tăng 0,2% trong tháng 9. Nguyên nhân chính của việc CPI giảm là giá xăng giảm 2,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2013, xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm. 

Trong vòng 12 tháng qua, CPI của Mỹ tăng 1%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2009 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sau khi tăng 1,2% trong tháng 9. Các nhà kinh tế cho rằng, lạm phát thấp có thể là một lý do để FED tiếp tục chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng cho đến ít nhất là đầu năm tới, nhằm duy trì lãi suất thấp, kích thích nhu cầu.

Trong khi đó, thị trường nhà đất đang đi xuống sau khi là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Mỹ, doanh số bán nhà hiện có trong tháng 10 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Nguyên nhân là do giá trung bình tăng 12,8% và là tháng tăng thứ 11 liên tiếp giá tăng ở mức hai con số, khiến nhu cầu giảm, và quỹ nhà ở cung cấp cho thị trường giảm 1,8%. Tuy nhiên, giá nhà và giá cổ phiếu tăng đã giúp người tiêu dùng có khả năng chi tiêu hơn.