Myanmar và chính sách thả nổi đồng Kyat

Trước năm 2012, chính quyền Myanmar vẫn áp dụng cơ chế đồng tiền kép. Theo đó, bên cạnh đồng nội tệ Kyat còn tồn tại Chứng chỉ hoán đổi ngoại tệ (FEC). FEC được chính thức ban hành cách đây hai thập niên, được dùng để thay thế cho đồng USD vốn bị cấm lưu thông tại Myanmar. FEC do Ngân hàng Trung ương Myanmar phát hành có các mệnh giá 1, 5, 10, 20 tương đương với 1, 5, 10, 20 USD. FEC được dùng rộng rãi trong thanh toán, mua bán hàng hóa, đặc biệt là với khách du lịch và thương nhân nước ngoài đến Myanmar. Nhiều bộ, ngành thuộc Chính phủ Myanmar kiểm soát vấn đề tài chính nội bộ cũng như thực hiện giao dịch liên quan qua thuế nhập khẩu bằng đồng FEC.

Tuy nhiên, giá cả của FEC lên xuống thất thường đã gây ra không ít thiệt hại cho các nhà đầu tư khi làm ăn với quốc gia này. Ngoài ra, cơ chế đồng tiền kép này còn gây khó dễ nhất định cho Myanmar trong việc cân đối thị trường ngoại tệ giao dịch ngoại thương. Chính vì những hạn chế nói trên, Myanmar đã tuyên bố xóa bỏ FEC và giữ lại duy nhất đồng nội tệ Kyat.

Trong năm, Myanmar đã thay đổi cơ chế tỷ giá và chính thức thực hiện cơ chế tiền tệ thả nổi có kiểm soát của Nhà nước. Đây là một bước ngoặt kinh tế lớn đối với Myanmar khi thống nhất cơ chế hai tỷ giá trước đây thành một tỷ giá ổn định.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Myanmar đã ấn định tỷ giá hối đoái của đồng Kyat so với đồng USD ở mức tỷ giá 818 Kyat đổi được 1 USD như hiện nay, so với 867,6 Kyat/USD vào năm 2012. Cơ chế tiền tệ thả nổi cho phép thị trường quyết định giá trị của đồng Kyat, trong khi vẫn tạo ra được khoảng trống để chi phối giá trị của đơn vị tiền tệ mà theo đó giá trị đồng tiền nội tệ của Myanmar được quyết định bởi cung cầu thị trường dưới sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Myanmar.

Một số nhà kinh tế cho rằng, chính sách tỷ giá mới này giúp nền kinh tế Myanmar vận hành đúng cơ chế thị trường hơn, mặt khác, tăng tỷ giá giữa đồng Kyat với USD sẽ có tác động quan trọng đến đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn vốn FDI, giảm bớt rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư…

Tuy nhiên, theo cơ chế mới này, giới quan sát đặt câu hỏi, liệu Myanmar đã đủ năng lực kỹ thuật và đủ dự trữ ngoại hối để quản lý một hệ thống như vậy, đồng thời loại trừ được nạn đầu cơ. Nếu theo cơ chế cũ trước đây, việc đầu cơ ngoại hối là khó khăn, do những quy định ngặt nghèo trong việc đưa ngoại tệ ra vào đất nước. Còn ngày nay, những tác động từ bên ngoài tới tỷ giá ngoại hối sẽ là một vấn đề, do quốc gia này có đường biên giới dài, gây khó khăn cho việc kiểm soát dòng vốn.

Myanmar và “hành trình” gỡ bỏ rào cản tỷ giá  - Ảnh 1

Thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu

Chính sách thả nổi đồng nội tệ Kyat được kiểm soát đã đem lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, giúp họ tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tỷ giá không chính thức của đồng Kyat tăng từ 1300 Kyat/USD năm 2006 lên 818 Kyat/ USD như hiện nay, mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Với việc thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, thay đổi chính sách điều hành tỷ giá đúng thời điểm đã mang lại những kết quả kinh tế ấn tượng cho Myanmar:

- Quan hệ kinh tế đối ngoại: Ngân hàng Thế giới (WB) đã tiến hành xóa nợ và tái cấp vốn vay cho Myanmar. Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành xóa bỏ cấm vận kinh tế với Myamar, Nhật Bản cũng tuyên bố xóa bỏ 60% nợ cũ và nối lại các khoản vay mới đối với nước này.

- Thu hút FDI: Theo Báo cáo của Tổng vụ đầu tư và đăng ký công ty Myanmar (DICA), tính đến cuối năm 2012 đã có 493 dự án với tổng số vốn FDI vào Myanmar đạt hơn 41 tỷ USD. Trung Quốc là nước đầu tư vốn FDI lớn nhất vào Myanmar, với tổng lượng vốn đầu tư FDI đạt 2,8 tỷ USD vào các dự án chủ yếu về dầu khí, cơ sở hạ tầng, thủy điện, khai thác tài nguyên. Singapore là nước đầu tư FDI lớn thứ hai với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD. Trong đó, có tới 70% lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, dịch vụ du lịch, khách sạn… Nhật Bản cũng đã đầu tư vào Myanmar hơn 215 triệu USD, đứng thứ 12 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Theo số liệu thống kê của Myanmar, đầu tư của các công ty Mỹ vào Myanmar là 243,56 triệu USD trong 15 dự án, chiếm gần 0,6% tổng đầu tư nước ngoài vào Myanmar (tính đến cuối năm 2012). Mỹ hiện đứng thứ 9 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar.

- Thương mại quốc tế phát triển: Năm 2012, giá trị xuất khẩu của Myanmar đạt 8.539 triệu USD, tăng hơn 400 triệu USD so với năm 2011. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Myanmar là khí đốt tự nhiên, sản phẩm gỗ, gạo, cá, may mặc, đá quý. Đối tác xuất khẩu chủ yếu của Myanmar là Thái Lan chiếm 36,7%, Trung Quốc chiếm 18,8%, Ấn Độ chiếm 14,1% và Nhật Bản chiếm 6,6%.

Myanmar và “hành trình” gỡ bỏ rào cản tỷ giá  - Ảnh 2

Trong năm 2012, giá trị nhập khẩu của Myanmar đạt 7.137 triệu USD, so với 5.982 triệu USD của năm 2011. Myanmar chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm bông, sợi, máy móc thiết bị, xi măng, nguyên vật liệu xây dựng, thực phẩm. Năm 2011, đối tác nhập khẩu chính của Myanmar là Trung Quốc chiếm 38,8%, Thái Lan chiếm 22,6%, Singapore chiếm 9,7%, Hàn Quốc chiếm 5,4%, Malaysia chiếm 4,5% và Nhật Bản chiếm 4,1%.

Sang năm 2012, Singapore đã trở thành đối tác thương mại chính của Myanmar, với giá trị thị trường chiếm khoảng 60% tổng giá trị nhập khẩu. Cán cân thương mại của Myanmar với Mỹ cũng đạt 293,64 triệu USD trong năm tài khóa 2011 - 2012, trong đó xuất khẩu của Myanmar sang Mỹ đạt 29,57 triệu USD và nhập khẩu từ Mỹ là 264,07 triệu USD…

Tốc độ tăng trưởng GDP của Myanmar qua các năm là năm 2009: 5,1%, năm 2010: 5,3%, năm 2011: 5,5% và năm 2012: 6,2%. Myanmar có được kết quả trên là nhờ vào chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Chính phủ sau khi loại bỏ cơ chế tỷ giá kép và đi đến thống nhất sử dụng cơ chế thả nổi đồng nội tệ Kyat có sự kiểm soát của Nhà nước.

Những khó khăn và hạn chế

Có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi về chính sách kinh tế nói chung và chính sách điều hành tỷ giá nói riêng khiến cho hệ thống tài chính, ngân hàng hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho nền kinh tế Myanmar.

Nhờ những chính sách cải tổ kinh tế mạnh mẽ và đúng đắn, Myanmar đang ngày càng khẳng định đúng với tên gọi là “mỏ vàng cuối cùng của khu vực châu Á”. Đáng chú ý, việc Myanmar thay đổi chính sách điều hành tỷ giá, kích thích xuất khẩu, phát triển kinh tế đã thu hút một lượng lớn vốn FDI đầu tư vào nước này. Tuy nhiên, khi kinh tế tăng trưởng nhanh, Myanmar dễ đối mặt với những hạn chế sau:

Thứ nhất, trong tương lai gần, Myanmar sẽ phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản nếu để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và khai thác khoáng sản tràn lan. Bên cạnh đó, trình độ lao động thấp, khoa học công nghệ lạc hậu cũng làm chậm quá trình phát triển kinh tế nước này.

Thứ hai, sự thống trị và thao túng của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã hạn chế việc thực thi Luật Đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài khi làm ăn tại nước này, đồng thời gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Thứ ba, với việc phá giá đồng nội tệ Kyat nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Myanmar trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là bất hợp lý. Do nước này chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ nên dễ bị các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài thao túng, đầu cơ. Hơn nữa, Myanmar chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, rất nhiều ngành kinh tế phải phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Chính vì vậy, việc tăng hay giảm tỷ giá sẽ khiến cho giá trị nhập khẩu tăng/giảm rất nhanh, dẫn tới cán cân thương mại có thể lâm vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng.

Thứ tư, chính sách duy trì giá trị nội tệ yếu cũng có tác động trong việc thu hút FDI, đây cũng là một trong những mục tiêu mà Myanmar đang hướng tới. Tuy nhiên, nếu chính sách thu hút FDI thiếu sự định hướng, không có các biện pháp kiểm soát hợp lý sẽ có thể khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng phát triển mất cân đối, những lợi thế của nền kinh tế (tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ…) sẽ bị khai thác cạn kiệt trong khi những bất lợi của nền kinh tế lại chưa khắc phục được một cách hiệu quả (khoa học công nghệ, trình độ lao động, cơ sở hạ tầng…). FDI có thể làm cho Myanmar gia tăng sự phụ thuộc vào nền kinh tế của các nước khác, bất ổn về xã hội, cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước… cũng rất dễ xảy ra.

Cuối cùng, hiện nay, Myanmar cũng giống với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do đó, Myanmar cũng cần có những hành động quyết liệt trong việc hạn chế sự thao túng của các tập đoàn trong nước nhằm tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các cam kết song phương và đa phương về cạnh tranh bình đẳng, tự do hóa thương mại.

Tài liệu tham khảo:

1. www.manilatimes.net;

2. www.nhandan.com.vn;

3. www.gso.gov.vn;

4. www.cia.gov/theworldfactbook.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 - 2013

Myanmar và “hành trình” gỡ bỏ rào cản tỷ giá

ThS. HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN - Học viện Tài chính

(Tài chính) Để thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế toàn diện, Chính phủ Myanmar đã tiến hành cải cách hệ thống ngân hàng với việc thay đổi chính sách điều hành tỷ giá. Cùng với đó, nước này đã tiến hành thả nổi đồng nội tệ Kyat để thu hút đầu tư, mở đường cho kinh tế phát triển.

Xem thêm

Video nổi bật