Nền kinh tế Mỹ không còn khả năng 'lây nhiễm' cho nền kinh tế toàn cầu?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố tăng trưởng GDP quýI/2015 chỉ đạt mức yếu ớt 0,2%, làm dấy lên những e ngại rằng, sự chậm lại của nền kinh tế thế giới này sẽ kéo theo một cuộc suy thoái toàn cầu.

Nhờ những cải cách được tiến hành trong những năm trở lại đây, các nền kinh tế đang phát triển ít bị tác động hơn từ các cú sốc kinh tế bên ngoài. Nguồn: internet
Nhờ những cải cách được tiến hành trong những năm trở lại đây, các nền kinh tế đang phát triển ít bị tác động hơn từ các cú sốc kinh tế bên ngoài. Nguồn: internet

Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc diễn ra trong vài năm trở lại đây đã giúp tăng cường sức “đề kháng” của các nền kinh tế đang phát triển đối với các cú sốc kinh tế và nền kinh tế Mỹ cũng không còn khả năng “lây nhiễm” cho nền kinh tế toàn cầu như trước đây.

Điều đó có nghĩa là tác động sẽ nhẹ hơn ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Một nhóm nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã theo dõi biến động của các nền kinh tế trên thế giới trong dài hạn qua các thời kỳ tăng trưởng và suy thoái và đã thấy rằng, trong suốt 2 thập kỷ qua, thời kỳ tăng trưởng của các nền kinh tế với mức thu nhập thấp và trung bình kéo dài hơn, trong khi đó, thời kỳ suy thoái và phục hồi lại ngắn hơn. Phát hiện này cho thấy các quốc gia đang dần trở lên “bình tĩnh” hơn trước các cú sốc.

Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, các nền kinh tế phát triển trung bình mất hơn 10 năm sau suy thoái để phục hồi trở lại mức GDP đầu người đạt được trước suy thoái. Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, thời gian để phục hồi đã rút ngắn lại xuống chỉ còn 2 năm.

Đặc biệt là trong thập niên 70 và 80, các quốc gia đang phát triển có tới trên 2/3 thời gian rơi vào thời kỳ suy thoái, còn trong những năm đầu của thế kỷ 21, trên 80% thời gian của các quốc gia đang phát triển là trong thời kỳ tăng trưởng.

Tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế đang phát triển đã đạt mức cao nhất trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 kể từ năm 1950.

Mặc dù vậy, các quốc gia đang phát triển vẫn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu hơn do các vấn đề về thương mại, dòng vốn cạn kiệt hoặc do chính sự suy thoái từ các nền kinh tế phát triển. Để đối phó, các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình đã áp dụng các cải cách chính sách để tăng sức đề kháng như tỷ giá linh hoạt, mục tiêu lạm phát và mức nợ công thấp hơn.

Các nền kinh tế áp dụng chính sách mục tiêu lạm phát sẽ có thời kỳ phục hồi rút ngắn hơn 1/3 so với các nền kinh tế không đạt mục tiêu lạm phát. Mức dự trữ cao hơn cũng đồng nghĩa với việc thời kỳ tăng trưởng kéo dài hơn. Mức dự trữ trung bình ở các quốc gia đang phát triển so với GDP tăng gấp hơn 2 trong giai đoạn 1990-2010, còn nợ bên ngoài giảm từ 60% xuống còn 35% GDP.

Biến động ít hơn tại các nền kinh tế mới nổi cùng với tăng trưởng dài hạn, ở chiều ngược lại cũng là tin tốt đối với Mỹ. Các nước đang phát triển chiếm 1/3 thương mại và GDP cũng như 3/5 xuất khẩu của Mỹ - đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ hoạt động của nền kinh tế Mỹ.