Nếu chiến tranh thương mại Nhật - Trung nổ ra?

Hải An

TCTC online - Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến thương mại Nhật - Trung (nền kinh tế lớn thứ ba và thứ hai thế giới) nếu nổ ra sẽ không chỉ đe dọa thương mại giữa hai nước này mà cả nền kinh tế toàn cầu, bởi Đông Á đang được xem là đầu tàu tăng trưởng của thế giới.

Ai thiệt hơn ai?

Những ngày qua, tranh chấp giữa Nhật Bản – Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm mối quan hệ thương mại giữa hai nước trở nên rất căng thẳng. Đã có hàng nghìn người Trung Quốc tham gia biểu tình sau khi Nhật Bản thông báo sẽ mua lại quần đảo đang tranh chấp. Người biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, thậm chí còn đập vỡ kính cửa hàng và phá hủy những chiếc xe hơi có xuất xứ Nhật Bản. Những cuộc tấn công, đập phá, hôi của... này đã buộc hàng trăm doanh nghiệp Nhật từ Nissan, Honda, Toyota cho đến Sony, Uniqlo, Aeon ở Trung Quốc phải đóng cửa.

Như vậy, các công ty Nhật là những đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên và nhiều khả năng sẽ đối mặt với một thời kỳ khó khăn trong những tháng tới ở Trung Quốc. Với mức tiêu thụ 20% hàng xuất khẩu của Nhật, thị trường Trung Quốc là một vấn đề lớn đối với các công ty của Nhật Bản.

Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng liên tục đưa ra những lời cảnh báo, đe dọa trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản và thậm chí, một chuyên gia tư vấn cao cấp cho chính phủ Trung Quốc mới đây đã kêu gọi tấn công vào thị trường trái phiếu của Nhật Bản (Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản, đang nắm giữ số lượng trái phiếu trị giá 230 tỷ USD của nước này) nhằm dồn đất nước “mặt trời mọc” vào 1 cuộc khủng hoảng mới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung đất hiếm xuất sang thị trường Nhật Bản bởi đất hiếm là vật liệu hết sức cần thiết cho các ngành công nghệ cao và đây lại là ngành mà Nhật Bản chú trọng phát triển...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, một khi áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản, Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. Cho dù thế lực và ảnh hưởng của nền kinh tế số 2 thế giới lớn đến đâu, hình thức trừng phạt thương mại nào cũng là "con dao hai lưỡi". Các công ty trên thế giới sẽ được nhắc nhở về các nguy cơ khi làm ăn ở nước này, và nếu tiền bảo hiểm đầu tư tăng lên tức là chi phí tăng lên, sẽ làm chùn bước người định bỏ vốn. Các quan chức Trung Quốc cũng bắt đầu nhắc đến nguy cơ ảnh hưởng tới thương mại của cả đôi bên. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại của Nhật và "đó là điều chúng ta không mong xảy ra", Shen Danyang, phát ngôn viên bộ này phát biểu. 

Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vào khoảng 345 tỷ USD trong năm 2011. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản năm 2011, trong khi đó, Nhật Bản là thị trường lớn thứ tư đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản đạt 148,3 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản của Trung Quốc đạt 194,6 tỷ USD trong năm 2011.

Trung Quốc và Nhật đang đàm phán về khả năng thiết lập khu vực mậu dịch tự do FTA. Theo ông Yao Haitian, nghiên cứu viên của Viện Nhật Bản tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc: "Tranh chấp sẽ có tác động nghiêm trọng, thậm chí là quyết định đến việc đàm phán FTA".

Một số nhà phân tích còn khuyến cáo rằng, các cuộc biểu tình chống Nhật lan rộng có thể là bước cản lớn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản đã bơm 12 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm ngoái, theo số liệu của chính phủ Nhật. Nếu lệnh cấm vận kinh tế được thực hiện thì các nhà máy của Nhật Bản sẽ đóng cửa và hàng trăm ngàn công nhân người Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc sẽ chấn động nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là địa điểm du lịch quốc tế lớn nhất của Nhật. Năm 2011, hơn 3,65 triệu người Nhật đã đến Trung Quốc. Nếu căng thẳng tiếp diễn, Trung Quốc sẽ mất một lượng lớn khách du lịch Nhật Bản.

Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc phải tìm các biện pháp vực nền kinh tế đang trên đà giảm tốc thì sự suy giảm trong thương mại và đầu tư chắc hẳn không phải là điều họ mong muốn. Giới quan sát cho rằng trước sức ép từ dân chúng muốn chính phủ mạnh tay hơn trong tranh chấp chủ quyền, giới chức Trung Quốc đang xoay sở giữa việc đáp ứng phần nào đòi hỏi của công chúng, với việc giảm thiểu thiệt hại do những hành động quá khích gây ra đối với ngoại giao và kinh tế.

Chuyên gia Yao của Viện Nhật Bản e ngại rằng nếu môi trường làm ăn không còn hấp dẫn, các nhà đầu tư Nhật sẽ nhắm tới các nước khác. "Họ sẽ đẩy dòng vốn Nhật di chuyển khỏi Trung Quốc để đến các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan và Việt Nam".

Biểu đồ tỷ lệ xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc trong tổng giá trị xuất khẩu của nước này (trái) và biểu đồ đầu tư trực tiếp của Nhật Bản sang Trung Quốc từ năm 2006 đến 2011. 

 Nếu chiến tranh thương mại Nhật - Trung nổ ra? - Ảnh 1

Ảnh hưởng đến kinh tế thế giới

Một cuộc chiến tranh thương mại nếu nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế khác. Chuyên gia kinh tế Thirlwell so sánh chiến tranh thương mại Trung - Nhật sẽ tác động tương tự tác động của thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân ở Nhật vào năm 2011. Thảm họa kinh tế này sẽ ngăn chặn các công ty Nhật sản xuất thiết bị xe hơi, thiết bị máy vi tính, hàng điện tử như iPhone, iPad... ở Nhật. Dây chuyền sản xuất ở các nước khác cũng theo đó bị tắc nghẽn.

Báo Taipei Times khẳng định căng thẳng Trung - Nhật sẽ có nguy cơ đe dọa dây chuyền cung ứng và sản xuất của Đài Loan - Nhật - Trung Quốc. Còn theo báo Wall Street Journal, các công ty Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Đức, Thái Lan... đều có mối liên kết sâu sắc và không thể tách rời với quan hệ kinh tế Trung - Nhật. Do đó, khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, các quốc gia này sẽ bị tác động lớn.

“Đây sẽ là một cú đòn nặng nề giáng vào nền kinh tế thế giới” - nhà kinh tế Andy Xie, cựu chuyên gia của Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định. Tương tự, nhà phân tích Liu Li Gang thuộc Ngân hàng ANZ cũng cho rằng đó “không chỉ là một thảm họa đối với nền kinh tế châu Á mà cả nền kinh tế toàn cầu” (do quy mô nền kinh tế Trung Quốc và Nhật hiện chiếm tới 67,5% GDP toàn châu Á).