Nếu Grexit xảy ra

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chính phủ mới của Hy Lạp, với chủ trương chống thắt lưng buộc bụng, đang đàm phán lại với các chủ nợ quốc tế về điều kiện nhận gói cứu trợ tài chính trị giá 240 tỷ euro. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu giữ vững lập trường cứng rắn, ván bài mạo hiểm của Athens rất có thể dẫn tới khả năng Hy Lạp rời Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn được gọi là kịch bản Grexit, kéo theo các hệ lụy nguy hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 31/1 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thừng tuyên bố, sẽ không giảm nợ cho Hy Lạp; đồng thời khẳng định châu âu tiếp tục thể hiện sự đoàn kết vì Hy Lạp, cũng như với các nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng, nếu các quốc gia tiến hành những cải cách của riêng mình và nỗ lực cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, thành viên Hội đồng Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Erkki Liikanen cảnh báo, sẽ cắt viện trợ tài chính cho các ngân hàng của Hy Lạp, nếu Chính phủ mới của nước này từ chối gia hạn các cam kết nhận gói cứu trợ tài chính, sẽ hết hạn vào cuối tháng này. Trước đó, Chính phủ theo đường lối cánh tả mới ở Athens thể hiện quyết tâm muốn đàm phán lại các khoản nợ của Hy Lạp, nhằm giảm một nửa số nợ công đã chiếm tới 175% GDP của nước này.

Nếu không đạt thỏa thuận được với các chủ nợ quốc tế, Hy Lạp sẽ không được nhận khoản giải ngân tiếp theo trị giá gần 8 tỷ euro trong gói cứu trợ tài chính quốc tế dành cho Athens. Trong bối cảnh các khoản nợ sắp đáo hạn và việc phát hành trái phiếu mới của Bộ Tài chính Hy Lạp cần huy động thêm tiền, Chính phủ mới ở Athens sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài chính trong vài tháng tới. Kinh tế trưởng Megan Greene của Công ty Quản lý Tài sản Manulife cho rằng, Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ không thể điều hành các hoạt động hàng ngày, cũng như thanh toán các khoản nợ đến hạn vào tháng 3 tới nếu không nhận thêm tiền mặt từ bộ ba chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ủy ban châu Âu (EC) và ECB. Theo nhà kinh tế cao cấp của ngân hàng ING ở Bỉ Carsten Brzeski, nếu vỡ nợ, Hy Lạp sẽ rơi vào hỗn loạn và bất ổn: các ngân hàng của Hy Lạp phá sản, hàng loạt công ty giải thể, tình trạng thất nghiệp tăng cao, lạm phát tăng vọt, người dân lâm vào cảnh nghèo đói và kéo theo đó là bất ổn xã hội leo thang.

Trong khi đó, mặc dù không công khai thừa nhận nhưng các Chính phủ và quan chức của Liên minh châu Âu (EU) còn bồn chồn hơn trước nguy cơ xảy ra kịch bản Grexit. Trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, 16 quốc gia thành viên trong Eurozone sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh chịu hậu quả nặng nề vì đồng tiền chung bị phá vỡ, hệ thống ngân hàng đình trệ và nền kinh tế khu vực lâm vào khủng hoảng. Theo tính toán của Eric Dor, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế của trường Quản lý IESEG, Pháp, Đức sẽ là nước chịu tổn thất lớn nhất, với khoản cho vay khổng lồ trị giá khoảng 56,5 tỷ euro cho Hy Lạp, có nghĩa là bình quân mỗi người Đức sẽ mất 699 euro. Pháp sẽ mất đi ít nhất 42,4 tỷ euro cho Hy Lạp vay, bình quân mỗi công dân nước này sẽ mất 644 euro… Kế đến sẽ là các nước còn lại trong 27 quốc gia thành viên EU và các đối tác thương mại của khu vực kinh tế này.

Theo báo Financial Times của Anh, nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách đồng tình, biện pháp cần thiết lúc này là giảm nợ công cho Hy Lạp. Tuy nhiên, việc xóa nợ cho Athens có thể gây ra ba tác động tiêu cực đối với châu âu. Thứ nhất, quyết định này sẽ tạo phản ứng dữ dội ở khu vực Bắc âu, đổ thêm dầu vào ngọn lửa chủ nghĩa cực hữu và dân tộc đang lên. Thứ hai, các đảng cánh tả và phản đối tư bản như Podemos ở Tây Ban Nha, Sein Fein ở Ireland hay Phong trào Năm sao ở Italy sẽ tập hợp sự ủng hộ của cử tri nhiều hơn, nếu chính quyền Hy Lạp do Syriza lãnh đạo thành công trong việc đòi các chủ nợ quốc tế xóa nợ cho Hy Lạp. Những nước chung cảnh chịu áp lực lớn từ nợ công như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Italy cũng sẽ nhân cơ hội này đòi được xóa nợ như Hy Lạp, làm sụp đổ lòng tin thị trường và gây ra khủng hoảng nợ công toàn châu âu, không loại trừ khả năng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Thứ ba, sự đổ vỡ lòng tin giữa các nước thành viên EU, sau khi Hy Lạp vỡ nợ, cho dù đây là vỡ nợ có dàn xếp, sẽ khiến EU khó khăn hơn trong duy trì sự thống nhất và đoàn kết nội khối. Ngay cả khi không gây ra cơn hoảng loạn tài chính hay làn sóng chính trị cực đoan nào thì kịch bản Grexit vẫn sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng. EU chỉ có thể thực sự hoạt động nếu tất cả các thành viên cùng tôn trọng các cam kết tài chính và tuân thủ các quy định chung. Nếu niềm tin bị phá vỡ, việc thương lượng các thỏa thuận trong tương lai dường như là bất khả thi.

Cần lưu ý rằng, các kịch bản trên sẽ không đồng nghĩa với việc Hy Lạp chấp nhận tiếp tục chịu đựng các biện pháp kinh tế khắc khổ. Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, Athens chưa bao giờ có ý định thất hứa với Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế về các cam kết tài chính. Tuy nhiên, Hy Lạp cần thêm thời gian để tự đề ra chương trình phục hồi trong trung hạn, cũng như giải quyết tận gốc các vấn đề của nền kinh tế như tình trạng trốn thuế, tham nhũng và các chính sách có lợi cho giới giàu có. Kịch bản Grexit là điều mà cả Hy Lạp và châu Âu đều không muốn xảy ra, bất kỳ sai lầm nào trong tính toán sẽ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng, đòi hỏi cả hai bên cẩn trọng và đưa ra quyết định sáng suốt trong vài tuần tới.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù quy mô nợ công của Hy Lạp là rất lớn, nhưng vẫn còn những giải pháp mà EU có thể thực hiện ngay, giúp cải thiện tình hình như giảm lãi suất và giãn thời hạn trả nợ cho Hy Lạp, nhằm giảm bớt gánh nặng nợ. Thậm chí, việc thanh toán các khoản nợ có thể được hoãn cho đến khi kinh tế Hy Lạp đạt được tăng trưởng.