Nga có là cứu tinh của Hy Lạp?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa mở lối thoát hiểm cho cuộc khủng hoảng nợ đang bủa vây đất nước ông. Với việc ký kết thỏa thuận sơ bộ về thiết lập một nhánh của hệ thống vận chuyển khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ qua Hy Lạp, ông Tsipras đã bắn một tín hiệu rõ ràng tới Brussels và NATO.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa mở lối thoát hiểm cho cuộc khủng hoảng nợ đang bủa vây đất nước ông. Nguồn: internet
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa mở lối thoát hiểm cho cuộc khủng hoảng nợ đang bủa vây đất nước ông. Nguồn: internet

Phát biểu về quyết định này, Thủ tướng Alexis Tsipras nói: “Chúng tôi là những người thủy thủ đã quen bơi trong giông bão. Chúng tôi cũng sẽ làm được điều ấy trên những dòng nước khác”. Đó là một thông điệp khá rõ ràng: Nếu EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các chủ nợ của Hy Lạp, không chịu nhân nhượng và tiếp tục gây sức ép buộc Athens phải thực hiện triệt để chính sách thắt lưng buộc bụng thì Hy Lạp sẽ chuyển hướng sang đồng ruble và tái thiết lập liên minh mang tính lịch sử và tôn giáo với Nga.

Trên thực tế, Mỹ và châu Âu đã hình dung ra viễn cảnh này từ khi ông Tsipras giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Hôm 25.1.2015, ngay sau khi đắc cử, ông Tsipras đã tới thăm Sứ quán Nga tại Athens để “chào” các nhà ngoại giao Nga. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Putin gửi lời chúc mừng tới nhà lãnh đạo mới của Athens.

Mối quan hệ giữa Hy Lạp với EU và các đồng minh NATO đã bắt đầu thăng bằng từ thời điểm đó. Nhưng câu hỏi thực sự được đặt ra là, liệu Nga, vốn cũng đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế do lệnh cấm vận của phương Tây, có là cứu tinh của Hy Lạp, hiện đang nợ EU, IMF tới 240 tỷ euro hay không? Mấy tháng trước, ông Putin đã ước tính, hiệp định khí đốt mà Hy Lạp ký với tập đoàn Gazprom của Nga có thể đem lại cho nước này vài trăm triệu USD mỗi tháng. Nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là một ước tính quá lạc quan.

Việc xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có thể đem đến cho Hy Lạp 2 tỷ USD tiền vốn đầu tư và tạo công ăn việc làm cho từ 10 - 12 nghìn lao động trong vòng 3 - 4 năm. Tuy nhiên, đó chỉ là một giọt nước trong biển cả đối với một quốc gia hiện có tỷ lệ thất nghiệp chiếm gần 30% dân số. Ngay cả khi Nga có giảm 10% giá khí đốt mỗi năm cho Hy Lạp thì mức tiết kiệm cũng chỉ được khoảng 100 triệu USD mỗi năm.

Một nhà ngoại giao làm việc ở Athens nhận định: “Hy Lạp không thể tiến hành một cuộc phiêu lưu theo hướng này. Nếu họ bắt tay Nga, đất nước cũng đang chịu lệnh trừng phạt của EU, thì Athens có thể bị tước tư cách thành viên EU và NATO. Đó sẽ là một tổn thất nghiêm trọng”. Đảo Síp có thể là một bài học. Nơi đây từng là thiên đường rửa tiền cho các tỷ phú Nga, với hàng tỷ USD được họ cất giữ. Nhưng khi Síp đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ 11 tỷ USD, Moscow chỉ im lặng.

Nên nhớ, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn nhận là một dự án đơn thuần mang màu sắc chính trị nhiều hơn là kinh tế. Trong khi ông Tsipras đang cần tiền ngay lập tức để cứu đất nước khỏi nợ nần, liệu ông có thể chờ đến khi có đầu tư của Gazprom để thoát khỏi khủng hoảng. Hiện tại, Nga chưa đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào, trong khi Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov không hào hứng với viễn cảnh Athens sẽ rời EU. Tuy nhiên, việc sử dụng Nga như một đối trọng để rung EU và Mỹ có vẻ là điều mà ông Tsipras đang làm.