Nga có nguy cơ rơi vào bẫy tăng trưởng thấp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Không thành công trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào năng lượng dưới thời Tổng thống V.Putin, nước Nga đang có nguy cơ rơi vào tình trạng của những thập niên tăng trưởng thấp và đánh mất vị thế của một nền kinh tế đang lên.

Nga có nguy cơ rơi vào bẫy tăng trưởng thấp
Nước Nga đang có nguy cơ rơi vào tình trạng đánh mất vị thế của một nền kinh tế đang lên. Nguồn: internet
Bộ Kinh tế Nga vừa qua đã bất ngờ hạ mức dự đoán tăng trưởng bình quân của Nga tới năm 2030 xuống con số khiêm tốn 2,5% so với mức 7% trong những năm đầu do Tổng thống Putin lãnh đạo. Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukaev thừa nhận: nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga đã tụt xa so với mức bình quân trên thế giới trong giai đoạn được dự báo.

Lần này, ngay cả dự báo chính thức của Nga cũng đưa ra mức tăng trưởng năm 2013 chỉ là 1,8%. Điều khiến Điện Kremlin lo ngại nhất đó là sự yếu kém này không thể đổ lỗi cho các yếu tố khách quan, mà bắt nguồn từ những thiếu sót trong nước.

Nền kinh tế Nga đang đối mặt với một loạt vấn đề lớn - dân số sụt giảm, Mỹ khôi phục vị thế siêu cường năng lượng nhờ vào dầu khí đá phiến, chi phí quốc phòng khổng lồ của chính phủ gây thâm hụt ngân sách… Ngoài ra, Nga còn không thành công trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách hệ thống tư pháp, cải thiện năng suất lao động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vào năng lượng đơn thuần.

Nel Shearing, nhà kinh tế về các nền kinh tế mới nổi thuộc hãng Capital Economics nói, những điều chỉnh mà Bộ kinh tế đưa ra là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Moscow cũng nhận thức được rằng, sự yếu kém về kinh tế trong năm qua là về mặt cơ cấu chứ không phải có tính chất chu kỳ. Theo ông, nếu không có những chuyển đổi về mặt chính sách, Nga sẽ từ chỗ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trở thành một trong những nước hoạt động kém hiệu quả nhất.

Những dự báo nêu trên đã biến mục tiêu của ông Putin muốn đưa nước Nga thành một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020 trở nên xa vời hơn, đồng thời ảnh hưởng tới vị thế của Nga với tư cách là thành viên của Nhóm BRICS gồm những thị trường có mức tăng trưởng nhanh.

Khảo sát điều tra hồi tháng 10 do Đại học Kinh tế của Nga tiến hành với 21 nhà kinh tế học hàng đầu đã đưa ra không chỉ một mức dự đoán tăng trưởng trong năm nay khá thống nhất là 1,6% mà còn là các mức tăng trưởng dưới 3% trong các năm tiếp theo từ nay cho tới 2020.

Sergei Smirnov, Phó giám đốc Viện Phát triển thuộc Đại học Kinh tế nói: “Mức tăng trưởng 3% có thể được coi là mức tăng trưởng thấp một cách vô lý cho tới nay, giờ xem ra cũng khó đạt được”. Ông cho rằng, các dự báo tăng trưởng kinh tế 10 năm từ năm 2013 -2022 đang “nhạo báng tham vọng của chính quyền muốn tăng gấp đôi GDP trong vòng 10 năm”.

Ngày 8/11 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã cảnh báo về triển vọng tăng trưởng của Nga sau khi giữ nguyên các mức lãi suất chính ở 5,5%. Theo Ngân hàng này, do họat động đầu tư yếu kém và nhu cầu bên ngoài hồi phụ chậm, Ngân hàng Trung ương dự đoán tăng trưởng kinh tế Nga vẫn ở mức thấp trong trung hạn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10 đã cảnh báo Nga rằng, nếu không cải cách, tăng trưởng trung hạn của nước này sẽ không vượt qua con số 3,5% do môi trường đầu tư yếu kém. Theo IMF, từ năm 2000, Nga đã tăng mức thu nhập tính theo đầu người từ 33% lên 51% mức bình quân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Song, trong giai đoạn trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, Nga đã được trợ giúp nhờ hai yếu tố - giá dầu mỏ tăng cao bất thường và việc tận dụng công suất dư thừa được tạo ra sau khi phá bỏ nền kinh tế thời Xô viết không hiệu quả.

IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ vào khoảng 1,5% trong năm 2013 và nhích lên 3% trong năm tới. Báo cáo của IMF viết: Nước Nga không thể trông cậy tiếp vào sự kích hoạt công suất dư thừa hay giá dầu mỏ tăng cao như trước đây, điều đã giúp nước Nga có một thập niên tăng trưởng trung bình hàng năm vượt mức 5%. Điều này đặt ra cho Tổng thống Putin những nhiệm vụ nặng nề để bảo đảm tối đa sự ổn định kinh tế, tránh tạo cớ cho các phong trào chống đối đang manh nha trỗi dậy.