Nga đánh bạc với ''Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ''

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Lãnh đạo tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga cho biết sẽ lắp đặt đường ống của dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ngay đầu tháng tới, mà không chờ Ankara ký kết hiệp định chính thức. Đây được xem là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử: Một nước bắt tay xây dựng đường ống khí đốt ở nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ khi chưa ký được thỏa thuận với tập đoàn khí đốt quốc doanh BOTAS của nước này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại sao Gazprom chấp nhận đặt cược?

Tuần trước, Oleg Aksyutin, thành viên Ban điều hành Gazprom, cho biết: việc xây dựng tuyến đường ống ngoài khơi dài 1.100km này sẽ bắt đầu tại khu vực nước nông trên Biển Đen vào đầu tháng 6. Phần đầu tiên của đường ống sẽ được lắp đặt bởi công ty Saipem, Italy theo hợp đồng vốn được ký kết để xây dựng dự án Dòng chảy phương Nam, nay đã bị hủy sau khi mối quan hệ Nga và châu Âu rơi vào khủng hoảng do chiến sự ở Ukraine. Dòng chảy phương Nam là dự án có tham vọng nối Nga với Trung Âu thông qua Biển Đen và vùng Balkans. Để đặt đường ống dưới đáy Biển Đen phục vụ dự án Dòng chảy phương Nam, Nga đã thuê hai tàu dải đường ống của công ty Saipen từ mùa thu năm ngoái. Sau khi tuyến đường ống này bị hủy vào cuối năm 2014, Gazprom vẫn phải bấm bụng trả khoản tiền 25 triệu euro/tháng cho đối tác Saipen, dù không sử dụng 2 tàu này.

Mặc dù bật đèn xanh cho việc khởi công dự án, nhưng đến nay, Moscow và Ankara hiện mới chỉ ký kết Bản ghi nhớ (Mou) về dự án này, mà chưa có bất kỳ thỏa thuận liên chính phủ nào. Nga đang hành động dựa trên những văn kiện cũ của dự án Dòng chảy phương Nam.

Theo phân tích của chuyên gia Valery Nesterov, Sberbank CIB, tình hình khiến Gazprom ở vị trí kém thuận lợi ngay từ đầu, vì họ phải khẩn trương tìm kiếm sự thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam, để trả khoản tiền phạt phá vỡ hợp đồng, cũng như cước vận chuyển bằng tàu và phí khâu lưu đối với các đoạn ống sẽ lắp đặt.

Một lý do khác, Nga đang cố gắng hoàn tất Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nhanh nhất có thể trước khi Liên minh châu Âu (EU) có được dòng khí đốt đầu tiên từ Hành lang khí đốt phương Nam, với nguồn cung khí đốt từ Turkmenistan và Iran - dự án EU đang tích cực theo đuổi nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.

Kịch bản xấu nhất

Chủ tịch Văn phòng Debevoise & Plimpton tại Nga Dmitry Nikiforov cho biết, miễn là việc thi công không ảnh hưởng đến lãnh hải các nước khác thì sẽ không cần đến thỏa thuận liên chính phủ. Điều đó có nghĩa là Nga vẫn được phép xây dựng tuyến đường ống Thổ Nhĩ Kỳ miễn là việc lắp đặt nằm trong vùng lãnh hải của nước này. Công ty con của Gazprom tại Hà Lan là South Stream Transport B.V. đã được phép lắp đặt khoảng 2/3 số đường ống thuộc phần ở ngoài khơi, do nằm trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Liên bang Nga (giấy phép cấp cho dự án Dòng chảy phương Nam).

Tuy nhiên, cũng phải tính đến kịch bản xấu nhất, đó là Gazprom buộc phải tạm ngừng xây dựng đường ống trong khi phần nằm dưới nước đang được lắp đặt, để chờ quyết định từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, Gazprom hy vọng đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần. Theo các nguồn tin của Kommersant ở Nga từ những người được tiếp cận với các chi tiết của cuộc đàm phán, sự trì hoãn có liên quan đến cuộc bầu cử Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ diễn ra ngày 7.6 tới. Bộ trưởng Năng lượng Taner Yildiz đang tích cực chạy đua với tư cách ứng cử viên đảng Luật pháp và công lý cầm quyền.

Điều kiện của Ankara

Theo nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề mấu chốt của sự chùng chình này không phải do yếu tố chính trị. Hôm 5.5, Gazprom đã đồng ý chiết khấu giá bán khí đốt cho các nhà nhập khẩu tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều tháng thương thảo. Theo đó, giá bán sẽ được giảm từ 374 USD/1.000m3 khí xuống còn 300 USD/1.000m3 trong quý đầu của năm, sang quý thứ 2 xuống còn 260USD/1.000m3. Các đầu mối tư nhân nhập khẩu khoảng 10 tỷ m3 khí đốt từ Nga, trong tổng sản lượng 27,3 tỷ m3 mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập từ nước ngoài. Thế nhưng, BOTAS lại không có được đặc ân này, dù là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga. BOTAS hy vọng, không được ưu đãi hơn thì chí ít cũng phải ngang bằng các công ty tư nhân khác nhưng hiện cuộc đàm phán về giá chiết khấu giữa BOTAS với Gazprom vẫn lâm vào bế tắc.

Volkan Ozdemir, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Chính sách năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng thỏa thuận chỉ có thể đạt được sau bầu cử Nghị viện, bởi Bộ trưởng Năng lượng rất có khả năng sẽ bị thay thế, “có nghĩa là sự xuất hiện của những người mới cả trong Bộ và trong BOTAS”. Bản thân Moscow cũng hy vọng, tân Bộ trưởng Năng lượng trong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là người “mềm dẻo” hơn.

Nga dự kiến cho xây 4 tuyến đường ống chạy ngầm dưới Biển Đen để cấp khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ với khối lượng lên tới 63 tỷ m3. Một tuyến đường ống trong số này có công suất chuyên chở 15,75 tỷ m3 khí/năm và chỉ để tiêu thụ ở thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu từ cuối năm 2016. Sau đó, 3 tuyến ống còn lại với công suất tương đương sẽ được kéo thẳng tới trung tâm phân phối ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, hoàn thành năm 2018.