Ngân hàng và các mô hình kinh tế học

Theo Economist

Các nhà kinh tế học đang cố gắng cải tiến chất lượng của các mô hình kinh tế. Đôi lúc, người ta phát hiện ra rằng các mô hình được các nhà kinh tế học sử dụng để mô tả cơ chế vận hành của nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều thiếu sót. Cuộc đại suy thoái trong những năm 1930 và thời kỳ đình lạm trong những năm 1970 đều khiến mọi người phải suy nghĩ lại. Giờ đây, ở thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, điều tương tự đang diễn ra.

Cuộc khủng hoảng đã cho thấy những mô hình kinh tế vĩ mô đang được sử dụng bởi các ngân hàng trung ương (NHTW) và các nhà hoạch định chính sách với cái tên gây được nhiều sự chú ý - mô hình Cân Bằng Động Học Ngẫu Nhiên Tổng Quát (Dynamic Stochastic General Equilibrium – DGSE) - đã không thể mô tả chính xác về hệ thống tài chính cũng như không cho phép quan sát kỹ lưỡng chu kỳ lên xuống thất thường của nền kinh tế. Do đó, một số học giả đang cố gắng sửa chữa những thiếu sót này.

Nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải đặt ngân hàng là 1 yếu tố trong các mô hình. Hiện nay, các mô hình được sử dụng phổ biến chỉ bao gồm một số nhân tố đại diện (hộ gia đình, các tổ chức phi tài chính và chính phủ). Các ngân hàng bị bỏ qua bởi các nhà kinh tế học vĩ mô cho rằng chúng chỉ đơn giản là cầu nối giữa người tiết kiệm và người đi vay, chứ không phải là những doanh nghiệp mải mê tìm kiếm lợi nhuận và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. 

Giờ đây, mọi thứ đang thay đổi. Hyun Song Shin, chuyên gia đến từ đại học Princeton đã chỉ ra rằng các rủi ro trong nội bộ khiến hệ thống ngân hàng ngày càng mong manh hơn.  Trong khi đó, John Geanakoplos, chuyên gia đến từ đại học Yale, từ lâu đã cho rằng sự thay đổi nhỏ trong thái độ sẵn sàng của người cho vay có thể tạo nên những hiệu ứng có tác động rất lớn lên giá tài sản. Các điều kiện cho vay lỏng lẻo cho phép giới đầu cơ với lượng nhỏ tiền mặt có thể đẩy giá tài sản lên quá cao so với giá trị thực. Nếu người cho vay khắt khe hơn, bộ phận này buộc phải rời khỏi thị trường và khiến giá tài sản lao dốc. 

Mô tả chân thực về ngành tài chính có thể giúp giải quyết những vấn đề to lớn đang tồn tại trong các mô hình kinh tế vĩ mô chủ đạo: chúng khá ổn định trừ khi bị tác động từ bên ngoài. Đặc tính này khá hữu ích khi nghiên cứu về các phản ứng của 1 nền kinh tế ở trong trạng thái "cân bằng" đối với những sự kiện như giá dầu đột ngột tăng cao. Tuy nhiên, các nhà kinh tế không thể lý giải tại sao các nền kinh tế vẫn mở rộng và co hẹp trong trường hợp không có những cú sốc bên ngoài. Nhân tố ngân hàng được bổ sung thêm vào các mô hình có thể tạo ra cú sốc ngay trong chính hệ thống. 

Các NHTW trên thế giới khá hào hứng với ý tưởng này. Tuy nhiên, NHTW châu Âu (ECB) có lẽ sẽ là NHTW đầu tiên thử nghiệm mô hình này. Nguyên nhân nằm ở phương pháp đánh giá rủi ro đối với giá tài sản của ECB. Một mặt, ECB quan tâm đến khía cạnh tiền tệ (gồm những thứ như hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng và lượng tiền được tạo ra). Mặt khác, ECB cũng quan tâm đến khía cạnh kinh tế (gồm những vấn đề như lạm phát và thất nghiệp). 

Rõ ràng, phát triển mô hình DSGE là cách rất hữu hiệu để rút ra những bài học từ khủng hoảng. Tuy nhiên, vẫn còn có những mô hình khác. Mô hình tác nhân (Agent-based modelling) mô tả những giao dịch có thể xảy ra trong 1 nền kinh tế thực. Mô hình này được tạo nên bởi hàng triệu tác nhân có thể thay đổi nền kinh tế khi tương tác với nhau. Ý tưởng này được phát triển vào những năm 1990, khi các nhà sinh vật học muốn nghiên cứu hành vi của 1 đàn kiến hoặc đàn chim. Tuy nhiên, việc mô tả 1 nền kinh tế hoàn chỉnh là điều bất khả thi bởi mô hình này cần đế các con số tính toán chính xác tuyệt đối. 

Mô hình tác nhân cho phép các nhà kinh tế học nghiên cứu về cách mà bong bóng và khủng hoảng có thể nổ ra. Ví dụ, các ngân hàng tăng lượng tiền cho vay có nghĩa là tiêu dùng tăng và do đó các khoản đầu tư sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn. Điều này lại tiếp tục khiến lượng tiền cho vay tăng lên. Tuy nhiên, cho vay quá nhiều có thể khiến NHTW buộc phải nâng lãi suất nếu lạm phát bắt đầu tăng tốc. Chi phí đi vay cao hơn lại dẫn đến làn sóng vỡ nợ và thậm chí là khủng hoảng nếu như có quá nhiều khoản vay trong thời kỳ trước đó. 

Dự án EURACE - một sáng kiến được đưa ra bởi một số cơ quan nghiên cứu ở châu Âu - đã xây dựng được 1 mô hình tác nhân khá phức tạp mô tả chi tiết nền kinh tế của khối liên minh châu Âu. Với mô hình này, các học giả có thể mô hình hóa mọi thứ, từ mức độ tự do của thị trường lao động cho đến hiệu ứng của các gói nới lỏng định lượng. 

Tại Australia, nhà kinh tế học Steve Keen cùng với nhà khoa học máy tính Russell Standish đang phát triển 1 phần mềm cho phép bất kỳ ai cũng có thể xây dựng mô hình miêu tả nền kinh tế. Có tên gọi “Minsky” (đặt tên theo nhà kinh tế học người Mỹ Hyman Minsky), mô hình này đặt hệ thống ngân hàng ở vị trí trung tâm của nền kinh tế. 

Mặc dù vậy, vẫn còn 1 con đường dài ở phía trước. Chưa mô hình nào có thể tạo ra các cuộc suy thoái lớn đan xen giữa các cuộc suy thoái nhỏ diễn ra liên tục (đây vốn là điều thường thấy trên thực tế). Tuy nhiên, theo Hyun Song Shin, kinh tế vĩ mô là môn học mang nặng tính thực nghiệm và do đó không thể mãi mãi không bị tác động bởi những điều diễn ra trên thực tế.