Ngành du lịch thế giới gặp khó

Hải Đăng

Các vụ khủng bố đẫm máu tại Paris và thảm họa rơi chiếc máy bay Nga A321 trên bán đảo Sinai của Ai Cập vừa qua đang khiến ngành du lịch 2 nước Pháp và Ai Cập nói riêng và ngành du lịch thế giới nói chung lao đao...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngành Du lịch Pháp đang bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris đêm 13/11/2015. Theo Eturbonews, sau vụ tấn công trên, tỷ lệ đặt phòng khách sạn và tour du lịch đến Paris sụt giảm tới 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Pháp Prodiss, doanh số bán vé của 20 điểm du lịch lớn nhất trong thành phố giảm tới 80%.

Phòng Thương mại và công nghiệp Paris cho biết các khách sạn hạng sang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lượng du khách hủy đi Paris chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Tây Ban Nha và đặc biệt là Trung Quốc.

Vào đầu năm 2015, tại Paris đã xảy ra vụ khủng bố tại tòa soạn Charlie Herdo làm 12 người thiệt mạng. Sự kiện này đã làm cho lượng khách tới Pháp sụt giảm mạnh. Các điểm du lịch chính tại thành phố Paris trở nên vắng vẻ hơn so với thời gian trước do du khách chọn du lịch ở các quốc gia châu Âu khác thay vì đến Pháp.

Pháp là nước đón lượng du khách lớn nhất trên thế giới và ngành du lịch đóng góp khoảng 7,5% GDP của nước này. Mỗi năm nước Pháp thu hút 83 triệu du khách, và các du khách này tiêu 45,3 tỷ USD tại Pháp năm 2013, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Pháp. Các nhà phân tích dự báo ảnh hưởng từ các vụ khủng bố trên có thể khiến nền kinh tế Pháp thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Năm 2015 được đánh giá là năm tốt đẹp cho ngành du lịch của Ai Cập, tuy nhiên, việc chiếc máy bay Nga rơi ở Sinai đã làm vỡ vụn giấc mơ hồi sinh du lịch của người Ai Cập.

Các báo cáo dẫn số liệu thống kê của Ai Cập cho thấy, do tác động của vụ tai nạn rơi máy bay Nga tại bán đảo Sinai ngày 31/10/2015 khiến 224 du khách và phi hành đoàn thiệt mạng, ngành du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu.

Sau quyết định mới đây của Nga, Anh cùng một số nước về việc rút toàn bộ du khách đang có mặt tại các khu nghỉ dưỡng của Ai Cập hồi hương, ngành du lịch Ai Cập bị mất trung bình mỗi ngày gần 4 triệu USD doanh thu.

Trước vụ tai nạn vừa qua, Ai Cập luôn đón hàng triệu du khách Nga mỗi năm. Theo thống kê, trong 1/3 du khách nước ngoài đến Ai Cập là người Nga, với 3,1 triệu người đến chỉ trong năm 2014, mang về cho Ai Cập số tiền 2,5 tỉ USD.

Theo một báo cáo của Tổ chức nghiên cứu du lịch World Travel & Tourism Council (WTTC) trụ sở tại London, du lịch chiếm 13% nền kinh tế Ai Cập và khoảng 12% việc làm ở nước này liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến du lịch. Đặc biệt, Ai Cập có thành phố du lịch Sharm el-Sheikh dọc bán đảo Sinai rất thu hút khách quốc tế. Thảm họa máy bay Nga rơi ở Sinai dẫn đến sự hoảng loạn cho du khách muốn đến Sharm el-Sheikh, khi những chuyến bay bị hủy và ai cũng mong được nhanh chóng trở về nhà.

Không chỉ có ngành du lịch Pháp, Ai Cập lao đao. Ở Brussels, Bỉ lượng du khách cũng giảm đi đáng kể do nhà chức trách ban bố tình trạng báo động an ninh cấp cao nhất. Ngành du lịch ở London, thủ đô Anh, cũng bị ảnh hưởng mạnh.

Còn tại châu Á, vụ nổ bom tại ngôi đền Erawan linh thiêng ở thành phố Bangkok diễn ra trong 2 ngày liên tiếp 17 và 18/8/2015 cũng khiến hơn 20 người thiệt mạng, trong đó có nhiều khách du lịch.

Ngay sau khi vụ nổ bom xảy ra, đã có tới 23 quốc gia đã ban hành khuyến cáo kêu gọi người dân thận trọng hoặc từ bỏ các chuyến du lịch đến Thái Lan.

AFP dẫn lời BMI- công ty nghiên cứu thị trường,cho biết phản ứng của các quốc gia khác trước vụ đánh bom có thể làm nền kinh tế Thái Lan xuống dốc nhanh chóng.

Ngân hàng ANZ thì cho rằng: “Sự sụt giảm về lượng khách du lịch từng xảy ra vào năm 2006, 2010 và 2014 do các xung đột chính trị. Tuy nhiê, tổn thất do vụ đánh bom này gây ra có thể tiêu cực hơn nhiều so với các xung đột trước đây”.

Thái Lan đón hơn 20 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Trong vụ đánh bom vừa qua, hơn một nửa số người thiệt mạng là khách nước ngoài. Ngành du lịch chiếm tới 20% GDP của Thái Lan. BMIcho biết vụ đánh bom dễ khiến nền kinh tế vẫn chưa phục hồi sau các bạo động chính trị của Thái Lan lâm vào khủng hoảng.

Các chuyên gia cho biết việc Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây ra cảnh báo đi lại toàn cầu vì nguy cơ tấn công khủng bố là cú đòn mạnh nhất giáng vào ngành du lịch toàn cầu. CNN cho biết việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra quyết định này đúng vào thời điểm hàng triệu người dân Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch du lịch dịp lễ Tạ ơn và sắp tới là lễ Giáng sinh đã khiến nhiều người quyết định ở nhà.