Người nhập cư: Lợi ích trong dài hạn

Theo daibieunhandan.vn

Châu Âu đang đau đầu với bài toán người di cư từ các nước có xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, cùng với các gánh nặng kinh tế trước mắt như chi phí ăn ở, hỗ trợ y tế, giáo dục, hòa nhập cuộc sống nước sở tại, trong dài hạn, người di cư có thể là lời giải hiệu quả thị trường lao động của Lục địa Già. Đức đã nhìn thấy trước tiềm năng này.

 Nước Đức chào đón người tị nạn. Nguồn: internet
Nước Đức chào đón người tị nạn. Nguồn: internet

Đức - điểm đến của hy vọng

Với dòng người vô tận từ các nước có xung đột vũ trang như Syria, Afghanistan hay Eritrea, châu Âu là điểm đến mơ ước và trong đó, Đức là đích đến thân thiện nhất. Trong năm này, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này tuyên bố tiếp nhận 800.000 người tỵ nạn - con số kỷ lục của các nước thuộc Lục địa Già.

Chính phủ Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn nhất quán với chính sách ủng hộ tiếp nhận người di cư. Đức đã cùng Pháp đề xuất ý tưởng phân bổ hạn ngạch cho 28 nước thành viên tiếp nhận 120.000 người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi. Đức ủng hộ việc ban hành một bộ luật tị nạn thống nhất và một danh sách chung của của EU về các nước xuất phát điểm di cư an toàn. Đức cũng quyết tâm theo đuổi việc áp một tỷ lệ phân bổ người nhập cư công bằng hơn giữa các nước.

Bản thân Thủ tướng Merkel từng tuyên bố dòng người di cư đổ vào sẽ làm thay đổi bộ mặt nước này trong những năm tới. Theo bà, hình ảnh hàng trăm người dân Đức đón chờ những chuyến tàu chở người di cư Syria trên các sân ga với những quà tặng là quần áo, thực phẩm và đồ chơi là những hình ảnh đẹp. Thủ tướng Merkel chia sẻ: “Những gì đang xảy ra rất có ý nghĩa, đặc biệt xét từ góc độ lịch sử của nước Đức. Nước Đức giờ đây đã trở thành đất nước mà nhiều người dân nước khác muốn đến với nhiều hy vọng”.

Lực lượng lao động tiềm năng

Việc tiếp nhận người tị nạn có thể dẫn đến những tốn kém trong ngắn hạn, nhưng lợi ích sẽ đến trong trung và dài hạn, đặc biệt đối với những nước có tăng trưởng yếu và nợ công cao. Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiến hành từ năm 2001 - 2011 chỉ ra rằng, người nhập cư chiếm 15% lao động trong các ngành nghề đang phát triển và 28% trong những ngành nghề lĩnh vực có xu hướng đi xuống. Nói cách khác, trong lúc người dân bản địa bỏ một số nghề, “chạy” theo những ngành có tương lai hơn thì người nước ngoài đến lấp chỗ trống đó cho thị trường lao động.

Các chuyên gia kinh tế Đức nhận định việc giúp người di cư hòa nhập vào thị trường việc làm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong bối cảnh dân số châu Âu nói chung và Đức nói riêng đang ngày càng già hóa, tỷ lệ sinh thấp và thiếu hụt nhân công lành nghề, nguồn di dân trẻ là cơ may cho kinh tế và củng cố hệ thống an sinh xã hội.

Đức hiện có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ khi tái thống nhất - mức 6,4%. Tuy nhiên, theo tính toán, nền kinh tế lớn này hiện vẫn thiếu hụt 140.000 công nhân, lập trình viên và các kỹ thuật viên. Các ngành dịch vụ như chăm sóc y tế và giải trí cũng thiếu trầm trọng nhân viên lành nghề. Cộng dồn các lĩnh vực lại, chỉ riêng trong năm nay, Đức cần lấp đầy khoảng trống 40.000 nhân công có tay nghề. Theo dự báo của Prognos, với xu thế hiện nay, tới năm 2020, các ngành kinh tế của Đức thiếu 1,8 triệu nhân công lành nghề và con số này sẽ tăng lên mức 3,9 triệu vào năm 2040 nếu tình hình không cải thiện.

Vì vậy, làn sóng người di cư có thể là lời giải cho bài toán này. Ý thức được điều đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã mở cửa đón những người mới đến. Vùng Bavaria ở miền Nam Đức là một ví dụ điển hình. Chính quyền ở đây đã mở văn phòng tư vấn hội nhập văn hóa để tiếp nhận người di cư và sắp xếp việc làm cho gần 100 người di cư trẻ tuổi. Dự kiến, mô hình này sẽ được nhân rộng ở mọi cấp độ trên toàn nước Đức. Các doanh nghiệp cũng kêu gọi Chính phủ nới lỏng các quy định về tiếp cận việc làm và chính sách trục xuất, cải cách các thủ tục về chứng nhận bằng cấp, trình độ chuyên môn và hỗ trợ dạy tiếng Đức cho người di cư.

Ngoài ra, theo tính toán, những người di cư, mỗi năm gửi về quê hương giúp gia đình ở lại khoảng 550 tỷ USD. Số tiền này nhiều gấp 2,5 lần tiền viện trợ phát triển dưới mọi hình thức của các nước giàu giúp các nước nghèo. Hệ quả, là nếu thân nhân ở lại có đời sống tốt đẹp, được học hành thì ít nhất 1 tỷ người không cần phải tìm đường vượt biên.