Nguy cơ vỡ nợ ở Argentina

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc vuột mất chiếc cúp vàng trước đội tuyển Đức trong trận Chung kết World Cup 2014 vừa qua càng khiến tâm lý người dân Argentina tiếp tục đi xuống, nhất là trong bối cảnh Chính phủ nước này vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết nguy cơ vỡ nợ.

Nguy cơ vỡ nợ ở Argentina
Việc vuột mất chiếc cúp vàng trước đội tuyển Đức trong trận Chung kết World Cup 2014 vừa qua càng khiến tâm lý người dân Argentina tiếp tục đi xuống. Nguồn: internet

Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ hồi giữa tháng 6 vừa qua, Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực Mỹ Latin, bị buộc phải trả 1,3 tỷ USD tiền trái phiếu và tiền lãi cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management. Và thời hạn cuối cùng để Argentina thực hiện nghĩa vụ của mình là 30/7.

Trong vòng hơn chục ngày nữa, nếu Chính phủ Argentina không thương lượng thành công với các quỹ trên thì rất có thể quốc gia này sẽ lặp lại lịch sử vỡ nợ như những gì đã xảy ra cách đây 13 năm. Hồi năm 2001, Argentina cũng đã phải nếm trái đắng khi không thể chi trả số nợ lên tới hơn 100 tỷ USD. Mặc dù, lần lượt vào năm 2005 và 2010, đại đa số các chủ nợ của Argentina đã đồng ý tái cơ cấu 93% số trái phiếu Chính phủ của Argentina mà họ đang nắm giữ. Nhưng số chủ nợ còn lại trong đó có NML Capital và Aurelius Management từ chối xóa nợ và kiên quyết đòi Argentina trả bằng được cả gốc lẫn lãi, gây căng thẳng với chính phủ nước này và dẫn đến phán quyết tháng 6 của Tòa án Mỹ.

Ngay lập tức, động thái đó đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía Argentina. Bộ trưởng Kinh tế Argentina tuyên bố  nước này không đủ khả năng tài chính để tuân thủ phán quyết và việc hoãn thi hành là điều cần thiết vì nó không chỉ liên quan đến các nguyên đơn mà có thể sẽ mở rộng ra đến toàn bộ các chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Argentina.

Argentina hiện đang lo ngại việc thanh toán cho toàn bộ các chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ, chiếm khoảng 7% số chủ nợ, có thể khiến nước này mất tới 15 tỷ USD, hơn một nửa trong kho dự trữ ngoại tệ ít ỏi chưa tới 30 tỷ USD của mình. Các nhà phân tích nhận định, tình huống hiện nay càng đẩy nền kinh tế Argentina vào hố sâu suy thoái, vốn xuất hiện từ nửa đầu năm nay khi nước này thiếu hụt dự trữ ngoại tệ và lạm phát ở mức hai chữ số, vào khoảng 15% hoặc thậm chí gấp đôi số đó theo nhiều nhà kinh tế phán đoán. Thực tế là lạm phát hoành hành ở Argentina trong suốt thập kỷ qua và nó vẫn tăng trung bình 5,6% trong giai đoạn 2005 - 2013.

Nợ của Argentina đang được Moody’s đánh giá ở mức rác. Trong tháng trước, Argentina đã trở thành quốc gia có xếp hạng thấp nhất trong hệ thống đánh giá của Standard and Poor’s sau khi hãng xếp hạng tín dụng của Mỹ hạ 2 bậc xếp hạng nợ của Argentina từ CCC+ xuống CCC- (nghĩa là dưới mức khuyến khích đầu tư 9 bậc) với triển vọng tiêu cực. Thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này cũng giãn rộng ra 3.304  tỷ USD trong quý I so với 1.721 tỷ USD của quý trước. Trong khi đó, tài khoản vãng lai là thước đo rõ nhất cho các giao dịch với nước ngoài của một quốc gia, trong đó bao gồm thương mại, dịch vụ, các dòng chảy tài chính và cả các khoản thanh toán lãi suất.

Hiện các lãnh đạo Argentina đang phải chạy đua với thời gian để tìm cách thuyết phục các chủ nợ quốc tế nhằm ngăn không cho đất nước rơi vào một vụ vỡ nợ lần thứ hai trong lịch sử. Hồi đầu tháng, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Argentina đã cầu cứu các nước Mỹ Latin cũng như các tổ chức quốc tế giúp đỡ tìm kiếm một giải pháp khẩn cấp để đưa nước này thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Hôm 11/7, tại New York, Mỹ, các quan chức của Argentina và nhóm các chủ nợ đã có các cuộc gặp riêng biệt với ông Daniel Pollack, luật sư được Tòa án Mỹ chỉ định, nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để Buenos Aires tránh được kịch bản vỡ nợ. Dẫu vậy, trong một thông báo mới công bố, Bộ Kinh tế Argentina khẳng định, quốc gia này mong muốn tiếp tục đối thoại để có thể đạt được một giải pháp với các điều kiện công bằng, hợp lý, hợp tình đối với tất cả chủ nợ. Chánh văn phòng nội các Argentina hôm 16/7 cũng lên tiếng khẳng định mạnh mẽ rằng: Argentina đang không, sẽ không và không thể vỡ nợ.

Trong bối cảnh đó, ông Jay Newman, người đứng đầu Eliot Management, công ty mẹ của NML, đã đề xuất một thỏa thuận có thể giúp Argentina thanh toán nợ với mức thấp hơn giá trị trên giấy tờ của trái phiếu và không gây ảnh hưởng lớn đến dự trữ ngoại tệ. Theo đề xuất của ông Newman, Buenos Aires sẽ thanh toán từng phần, bằng loại trái phiếu mới và các công cụ tài chính khác. NML khẳng định sẽ cho Argentina thêm thời gian nếu nước này có những động thái cụ thể và nghiêm túc hướng đến việc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình.

Dẫu vậy, người ta sẽ phải chờ đến cuối tháng 7 này mới có thể biết được số phận của nền kinh tế Argentina như thế nào.