Nhân dân tệ - sức khỏe của kinh tế Trung Quốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cuối tháng 9/2014, Trung Quốc đã bắt đầu cho phép giao dịch trực tiếp giữa đồng nhân dân tệ với đồng euro. Đây là động thái mới nhất thể hiện nỗ lực mở rộng khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi toàn cầu.

Nhân dân tệ - sức khỏe của kinh tế Trung Quốc
Cuối tháng 9/2014, Trung Quốc đã bắt đầu cho phép giao dịch trực tiếp giữa đồng nhân dân tệ với đồng euro. Nguồn: internet

Như vậy, đồng USD sẽ không còn được sử dụng như một đồng tiền trung gian để tính toán tỷ giá. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh làm ăn kinh tế với EU, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng nhân dân tệ trong giao thương xuyên biên giới và cắt giảm chi phí giao dịch. Thực ra, từ hồi tháng 6, Trung Quốc cũng có một bước tiến lớn trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi đạt được những thỏa thuận quan trọng về thanh toán bù trừ tại hai trung tâm tài chính tiền tệ lớn của châu Âu. Cụ thể là, ngân hàng lớn thứ hai Trung Quốc - Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã chính thức trở thành nhà thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ tại London và Ngân hàng Trung Quốc (lớn nhất Trung Quốc) đã trở thành ngân hàng thanh toán bù trừ nhân dân tệ cho khối eurozone, có trụ sở tại Frankfurt.

Có thể nói, việc giao dịch tiền tệ trực tiếp với EU sẽ giúp gắn chặt hơn đồng nhân dân tệ với đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới. Thực ra đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc giao dịch tiền tệ trực tiếp với bên ngoài. Trước đó, đất nước vạn lý trường thành đã có giao dịch trực tiếp đồng nhân dân tệ với đồng USD, đồng yen của Nhật Bản, đồng AUD của Australia, đồng NZD của New Zealand, đồng ringgit của Malaysia, đồng rubble của Nga và gần đây nhất là đồng bảng Anh. Có lẽ, Trung Quốc mong muốn đồng nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi hơn để xứng với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của mình. Tham vọng này thực tế đã được công bố hồi năm 2007 khi Bắc Kinh lần đầu tiên công bố tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi đồng tiền này trên thế giới trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu hồi giữa tháng 7 vừa qua của Viện Tài chính quốc tế (IIF), đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang chiếm một tỷ trọng ngày một lớn hơn trong giao dịch tài chính toàn cầu. Mặc dù vẫn chưa thể sánh được với đồng USD hay đồng euro, nhưng trong năm 2013, lượng sử dụng nhân dân tệ đã tăng gấp hai lần và tỷ trọng sử dụng đồng tiền này trong hệ thống thanh toán quốc tế đã tăng lên mức 1,4%. Hiện đang có hơn 50 ngân hàng Trung ương trên thế giới tham gia đầu tư vào đồng nhân dân tệ cả trong và ngoài nước. Xu hướng đầu tư vào nhân dân tệ phát triển mạnh nhất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ vì đây vốn là những khu vực có quan hệ giao thương và đầu tư khăng khít với Trung Quốc. Thậm chí, một số ngân hàng Trung ương ở châu Âu cũng đang chuẩn bị chuyển hướng đầu tư sang nhân dân tệ như Ngân hàng Trung ương Pháp, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ. Ngoài ra, tại diễn đàn tiền tệ quốc tế 2014 diễn ra ngày 20.7, Hiệu trưởng Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc Trần Vũ Lộ đã công bố Báo cáo quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khẳng định chỉ số quốc tế hóa nhân dân tệ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong năm 2013 và có khả năng đồng nội tệ Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền quốc tế lớn thứ ba trong vòng 3 - 5 năm tới. Cụ thể báo cáo cho biết, đến cuối năm 2013, chỉ số quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đạt 1,69%, tăng 84% so với mức 0,92% hồi đầu năm, một mức tăng trưởng thực sự ấn tượng…

Những diễn biến nói trên có thể coi là những bước tiến mới nhất trong quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, do giao dịch trực tiếp tiền tệ vẫn còn hạn chế trong thị trường nội địa Trung Quốc, khối lượng giao dịch không tác động nhiều đến tỷ giá hối đoái trên thị trường toàn cầu. Hiện, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối toàn cầu chỉ khoảng 2,2%. Ngoài ra, nhân dân tệ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Bên cạnh đó, xét về sự hiện diện của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, lượng sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế vẫn thấp. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện chi phối gần 12% thương mại toàn cầu và 11% lưu chuyển vốn, trong khi tỷ trọng sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế (1,4%) vẫn thấp hơn nhiều so với mức 42,5% của đồng euro và 31% của đồng USD. Chính phủ Trung Quốc cho tới nay vẫn kiểm soát chặt việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán, một phần không muốn nới lỏng kiểm soát tỷ giá đồng nhân dân tệ. Điều đó khiến Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế xuất khẩu khiến cho tình trạng thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc thêm trầm trọng.