Nhận diện sức mạnh mềm của Trung Quốc và ứng xử của Việt Nam

PGS., TSKH. LƯƠNG VĂN KẾ - Trường Đại học KHoa học - Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Tài chính) Về đối nội, để tăng sức hấp dẫn của hệ giá trị xã hội Trung Quốc, bản thân giới tinh hoa Trung Quốc đã và đang cố gắng vạch ra những tiêu chí khả dĩ củng cố được nhân tâm trong nước và tăng sức hấp dẫn với bên ngoài.

Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông. Nguồn: internet
Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông. Nguồn: internet

Lý thuyết và phương pháp tiếp cận vấn đề sức mạnh mềm   

Sức mạnh mềm là một bộ phận cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia 

Yêu cầu trước tiên có tính phương pháp trong nghiên cứu sức mạnh mềm của các cường quốc là phải đặt sức mạnh mềm trong toàn bộ “sức mạnh tổng hợp quốc gia” (CNP/CNS). Bởi vì sức mạnh của một quốc gia không chỉ bao gồm sức mạnh cứng (yếu tố địa lý - dân cư, kinh tế, quân sự), mà còn cả các yếu tố được coi là sức mạnh mềm (thể chế chính trị, tư tưởng và chiến lược quốc gia (lãnh đạo nhà nước), ý chí của nhân dân trong thực hiện chiến lược, hệ giá trị xã hội, quan hệ quốc tế). Do đó, việc nghiên cứu sức mạnh mềm Trung Quốc cần được xem xét trong tổng thể sức mạnh quốc gia của Trung Quốc. Các yếu tố này đã được phân tích trong phương trình sức mạnh quốc gia nổi tiếng mà nhà chiến lược Hoa Kỳ R.Cline nêu ra từ cuối những năm 1970 và được các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiếp thu và sáng tạo thêm(1).     

Lý thuyết của J.Nye chủ yếu dựa trên ba nguồn cơ bản. Một là, văn hóa của một quốc gia (có sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác). Hai là, tư tưởng chính trị và chính sách đối nội. Ba là, chính sách ngoại giao và những giá trị mà các chính sách ngoại giao muốn truyền tải. Các giá trị trong các thông điệp ngoại giao phải nhất quán với hệ giá trị xã hội bên trong của quốc gia đó, chứ không phải là sự lừa phỉnh ngoại giao và che giấu những khiếm khuyết bản chất bên trong xã hội của nước đó. Vì thế, sức hấp dẫn của quốc gia đối với bên ngoài chỉ có thể có được khi quốc gia đó là một xã hội minh bạch, cởi mở.            

Trên thực tế, ưu thế của sức mạnh mềm không chỉ dừng lại ở sự tăng giảm dựa trên nền tảng sức mạnh cứng, mà nó có giá trị riêng, độc lập. Sức mạnh mềm cũng vốn là một loại sức mạnh tổng hợp.  Nó cũng không chỉ bao gồm ba yếu tố cấu thành như J.Nye nêu ra. Có thể bao gồm: 1) thể chế chính trị (trong đó chủ yếu là tư tưởng chính trị và chất lượng của cấu trúc quyền lực); 2) Tư tưởng chiến lược phát triển quốc gia (tầm nhìn, tính toàn diện đối nội - đối ngoại, công - thủ);  3) tình đoàn kết dân tộc và đồng lòng nhất trí giữa lãnh đạo và nhân dân; 4) truyền thống dân tộc (trong kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội).

Trong một số trường hợp, sức mạnh tổng hợp quốc gia chủ yếu dựa trên sức mạnh mềm. Đó thường là các quốc gia tuy có số dân và lãnh thổ nhỏ, nhưng lại có trình độ phát triển cao cả về thể chế chính trị dân chủ, nhân quyền, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, môi trường thiên nhiên, nên các quốc gia này có sức hấp dẫn mạnh mẽ mà các cường quốc trên thế giới không thể so sánh. Chẳng hạn Thụy Sĩ ở châu Âu và Xingapo ở Đông Nam Á. Các quốc gia nhỏ bé này có tiếng nói đầy uy tín trên vũ đài chính trị thế giới. Vì họ đại diện cho hệ giá trị cao đẹp, lý tưởng phấn đấu của tất cả các xã hội, lại không gây ra nguy cơ địa chính trị (thôn tính lãnh thổ) nào. Do đó, chúng ta có thể nói đến những “siêu cường sức mạnh mềm”.    

Đặc tính của sức mạnh mềm        

J.Nye nêu lên ba đặc tính của sức mạnh mềm: 1) Sức mạnh mềm là sự hấp dẫn và mê hoặc chứ không phải cưỡng chế hay ép buộc. Một quốc gia có thể khiến đối tượng có hành vi học tập và làm theo những điều mình mong muốn thông qua sức lan tỏa về văn hóa, hình thái ý thức và chế độ, từ đó thực hiện mục tiêu chiến lược của quốc gia; 2) Sức mạnh mềm phản ánh khả năng của một quốc gia đề ra và xây dựng các thể chế quốc tế, đó cũng chính là hình thức quyền lực mới mà chủ nghĩa hiện thực mới và chủ nghĩa tự do mới đề cập đến; 3) Sức mạnh mềm mang tính thừa nhận quốc tế, có thể là thừa nhận về giá trị hay thể chế, cũng có thể là thừa nhận trong phán đoán hệ thống quốc tế. Quyền lực mang tính thừa nhận giúp cho một quốc gia đạt được sự hợp pháp trên trường quốc tế(2).

Điều cần nhấn mạnh ở đây là, sức mạnh mềm phải là và luôn luôn là cái đẹp và sức hấp dẫn tự bên trong xã hội (đối nội). Nó tuyệt nhiên xa lạ với sự đánh bóng, che giấu, xuyên tạc. Trong đó, cái hấp dẫn và cái đẹp căn cốt là giá trị của tự do của con người, là sự bảo đảm đời sống tinh thần và vật chất, sự tôn vinh phẩm giá của cả cá nhân và cộng đồng.      

Hơn nữa, cái đẹp và sự hấp dẫn bên trong của xã hội một quốc gia lại phải mang giá trị phổ quát, phù hợp với hầu hết nguyện vọng của các dân tộc, của các cá nhân trên thế giới hiện đại. Nếu như hệ giá trị hấp dẫn kia chỉ phù hợp với một số quốc gia, một số giai tầng xã hội nhất định nào đó, nhất là chỉ phù hợp với giai cấp hay đảng phái thống trị xã hội, thì hệ giá trị đó tuyệt nhiên không phải là sức mạnh mềm chân chính.            

Sức mạnh mềm vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính phổ quát           

Trong văn hoá, người ta thường nhấn mạnh tính đặc thù quốc gia hay tính dân tộc là cái làm nên bản sắc dân tộc. Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong tạo dựng sức mạnh quốc gia, nếu quá nhấn mạnh đến cái đặc thù, thì sẽ làm suy giảm khả năng phổ quát hoá hay khả năng chinh phục của quốc gia đó đối với con tim và khối óc của các dân tộc khác. Điều đó đi ngược lại mục tiêu của triển khai sức mạnh mềm. Do đó, sức mạnh mềm quốc gia cần chú trọng phát triển các đặc tính phổ quát, lý tưởng, đáp ứng niềm khát vọng của con người trên khắp hành tinh. Trong thời đại ngày nay, khát vọng cơ bản của con người là hoà bình, tự do, dân chủ, môi trường trong sạch, bảo đảm đời sống về vật chất và tinh thần, bất kể tên gọi xã hội đó là gì và do ai lãnh đạo.        

Tính đặc thù và tính phổ quát của sức mạnh mềm có thể tạo nên một hình thái trung gian là sức mạnh mềm của khu vực hay của loại hình khu vực. Các quốc gia châu Âu (EU/Tây Âu) ngày nay được nhiều quốc gia xem là lý tưởng (bất chấp những khó khăn tạm thời của nó). Bởi vì tuy các dân tộc châu Âu có sự đa dạng văn hoá và thể chế, nhưng giữa các quốc gia đều có những điểm chung, những ưu thế sức mạnh mềm chung (sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, nền chính trị dân chủ và nhà nước pháp quyền, cân bằng giữa chính trị và văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường trong sạch và phát triển bền vững). Trong khi đó, “giá trị châu Á” vẫn còn là một đề tài tranh luận và đầy hoài nghi trong giới chính trị và giới nghiên cứu.      

Một số quy tắc sử dụng sức mạnh      

Trong chính trị có một quy luật chung là các thế lực cạnh tranh lẫn nhau thì đều lo sợ về nhau. Giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các cường quốc cũng vậy. Họ luôn lo sợ và nghi ngại lẫn nhau. Về nguyên tắc quyền lực, mọi thế lực có sức mạnh đều khả nghi vì các thế lực đó luôn tiềm tàng một khả năng trở thành địch thủ, kể cả lúc mà các quốc gia có thế lực có vẻ đang ở “tuần trăng mật” thì họ vẫn không ngừng theo dõi hành vi thái độ của nhau, do thám lẫn nhau để biết ý đồ thực sự của nhau. Nếu mất cảnh giác, rất có thể ai đó sẽ phải trả một giá đắt, vì rằng mọi hành vi chính trị của các quốc gia đều là vì lợi ích quốc gia của mình.

Năm 1948, Ngoại trưởng Anh Lord Palmerston đã từng tuyên bố rằng Anh quốc không hề có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù truyền kiếp mà chỉ có lợi ích dân tộc là tối thượng. Theo J.Nye, cơ sở của những ứng xử ấy nằm ở hai điểm. Một là, cấu trúc chính trị quốc tế là một hệ thống các nước chưa hề có trật tự. Hai là, các quốc gia thường đặt lợi ích của mình lên vị trí tối thượng(3).        

Đối với việc sử dụng sức mạnh mềm, nguời ta thấy có một số quy tắc đặc thù:          

(1) Trong cạnh tranh và chinh phục đối phương, sức mạnh mềm thường xuyên đi trước sức mạnh cứng. Sở dĩ như vậy là vì các quốc gia đều muốn tạo dựng bộ mặt thân thiện, mang tính xây dựng và đem lại lợi ích cho đối tác, nhờ đó tranh thủ được trái tim của nhân dân và trước hết là của ban lãnh đạo quốc gia đối tác. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm phí tổn nhất trong cạnh tranh quốc tế mà hiệu quả lại bền vững lâu dài.

Chính vì động cơ đó mà các nhà chính trị hay nói đến việc triển khai các biện pháp tăng cường lòng tin trong quan hệ quốc tế nhằm tránh những “hiểu lầm” ở đối tác về hành vi quân sự hay chính trị gây ra trong khu vực và trên thế giới. Vấn đề đáng quan ngại ở đây là giới hạn của lòng tin: Liệu lòng tin của một quốc gia có bị biến thành “cả tin” và chuốc lấy hậu quả thua cuộc trong tương lai hay không?     

(2) Việc sử dụng sức mạnh mềm thường đi kèm với các khoản ưu đãi kinh tế như viện trợ, thuận lợi hoá thương mại và thuế quan dành cho các nước đối tác, nhằm gây cảm giác “được ưu ái” ở đối tác.   

(3) Sức mạnh mềm thường được các cường quốc vận dụng trước hết đối với các nước láng giềng, các nước từng chịu ảnh hưởng về văn hoá và chính trị lâu dài trong lịch sử, nhất là các nước có chung ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, thể chế và hệ tư tưởng chính trị. Nếu nước đó lại có cộng đồng ngoại kiều lớn mạnh có chung cội nguồn với cường quốc đi chinh phục thì việc sử dụng sức mạnh mềm càng hiệu quả.      

(4) Trong kỷ nguyên thông tin mạng, sức mạnh mềm có điều kiện phát huy hết sức mạnh của mình nhờ vào hệ thống mạng toàn cầu (internet), công nghệ truyền hình kỹ thuật số... Giới hạn không gian và thời gian trở nên vô nghĩa. Bởi vì những yếu tố sức mạnh cứng thường mang đặc tính vật lý không gian (khối luợng, cự ly, tốc độ di chuyển của phương tiện). Các công cụ của sức mạnh cứng không thể trong nháy mắt tiếp cận được mục tiêu và chinh phục mục tiêu. Do đó, so với việc sử dụng sức mạnh cứng, công cụ của sức mạnh mềm tỏ ra có ưu thế vượt trội.  

Nhận diện sức mạnh mềm Trung Quốc

Mục tiêu chính trị của Trung Quốc trong gia tăng sức mạnh mềm          

Trong thời đại toàn cầu hoá, vai trò của quốc gia không những không giảm đi như người ta từng lạc quan dự báo, mà ngược lại nó có phần tăng lên. Sở dĩ thế là vì mục tiêu tối thượng của bất kỳ quốc gia nào trong trật tự quốc tế cũng là lợi ích quốc gia, là bảo đảm cho nước mình tồn tại trong an ninh, hoà bình, thịnh vượng và khả năng chi phối trật tự quốc tế ở mức độ cao nhất.

Riêng với Trung Quốc, về mặt địa chính trị, mục đích của Bắc Kinh được dự đoán bao gồm ba bước, xét trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, mục tiêu đó là tái lập với bất cứ giá nào nguyên vẹn lãnh thổ bao gồm Đài Loan. Về trung hạn, Trung Quốc sẽ đạt đến quyền lực chi phối khu vực Đông Á. Về dài hạn, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc cạnh tranh quyền lực thế giới cùng với siêu cường Mỹ nhằm tạo ra một trật tự lưỡng cực mới của thế giới. Lý tưởng bất biến chi phối mọi chính sách qua các thời đại của Nhà nước Trung Quốc là xây dựng một “thế giới đại đồng”, nhưng không phải theo hàng ngang (mạng lưới) theo các lý thuyết quan hệ quốc tế phương Tây, mà là theo hàng dọc (hình tháp) với đỉnh cực (lãnh đạo) của nó là Trung Quốc.

Phương thức triển khai và hiệu quả tác động sức mạnh mềm của Trung Quốc  

Về đối nội, để tăng sức hấp dẫn của hệ giá trị xã hội Trung Quốc, bản thân giới tinh hoa Trung Quốc đã và đang cố gắng vạch ra những tiêu chí khả dĩ củng cố được nhân tâm trong nước và tăng sức hấp dẫn với bên ngoài. Thông qua nghiên cứu các quan điểm trong Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội XV đến nay, các tiêu chí đó có thể bao gồm:    

- Tiếp tục phát huy vai trò tích cực chủ động của Nhà nước do một đảng lãnh đạo trong xây dựng và phát triển đất nước            

- Từng bước kiên trì và mạnh mẽ thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ   

- Có kế hoạch phát triển và ổn định xã hội theo phương châm khoa học hoá, kể cả trong xây dựng Đảng     

- Kế thừa và phát huy tinh hoa truyền thống dựa trên nền tảng Nho giáo       

- Từng bước dân chủ hoá theo nguyên tắc đa nguyên văn hoá - nhất nguyên chính trị và thực hiện lần lượt từ cấp thấp lên cấp cao, hoàn toàn khác biệt với cách hiểu thông thường về dân chủ của các nước dân chủ điển hình hiện nay trên thế giới.           

Về đối ngoại, người Trung Quốc hiểu rõ hơn ai hết các thủ đoạn chi phối con tim và khối óc của dân tộc khác. Khi nghiên cứu binh pháp Trung Hoa, người ta nhận ra rằng các bậc thầy chiến tranh của Trung Quốc luôn coi trọng chiến tranh tâm lý, coi trọng sự mua chuộc, dẫn dụ và “giác ngộ” đối phương. Cố gắng thực hiện phương châm “không đánh mà thắng”.            

Các phương thức dùng sức mạnh mềm sẽ bao gồm:

- Chính sách “Cây gậy và củ cà rốt”: Trung Quốc vừa là Thượng Đế - tình thương vừa là Thượng Đế - thịnh nộ, vừa là từ phụ vừa nghiêm phụ.         

Ra ơn để nhận tuân phục của kẻ dưới. Trong hầu hết những thỏa hiệp về biên giới, “Trung Quốc chỉ nhận 50% hoặc ít hơn phần lãnh thổ đang tranh chấp”; có nơi, như ở Tajikistan, “Trung Quốc chỉ nhận 1.000 trên 28.000 cây số vuông tranh chấp”. Không loại trừ khả năng Trung Quốc nhượng bộ vài điểm ở tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục ban thặng dư thương mại hay giảm thâm hụt thương mại cho Việt Nam và một số nước ASEAN.       

Sử dụng con bài ý thức hệ. Ở đây cần phân biệt hai kiểu ý thức hệ mà người Trung Quốc sử dụng. Biện pháp mà Trung Quốc sử dụng thường xuyên là: đào tạo các nhà lý luận chính trị và lãnh đạo, trao đổi tư tưởng lý luận cấp cao; tạo khuôn khổ chính trị, pháp luật, văn hoá và kinh tế cho các sáng kiến “dân chủ hoá” và “nhà nước pháp quyền” nhân danh bảo vệ dân chủ và nhà nước xã hội chủ nghĩa (kiểu Trung Quốc).

Con bài ý thức hệ đã được Trung Quốc triển khai mạnh mẽ và rộng lớn từ rất sớm đối với toàn bộ phong trào giải phóng dân tộc thế giới và phong trào không liên kết, ngay từ khi Đảng Cộng sản mới nắm chính quyền. Cuộc đấu tranh khốc liệt giữa đảng cộng sản hai nước Liên Xô và Trung Quốc về thực chất chỉ là cuộc cạnh tranh địa chính trị, tranh giành ảnh hưởng đối với toàn thế giới.

Huyền thoại ý thức hệ mà Mao Trạch Đông cố tình tạo ra là: Liên Xô thuộc phe Âu - Mỹ nhưng là “Thế giới thứ hai”, khác với phương Tây (Thế giới thứ nhất). Cả hai thế giới đó đều giàu có, là chủ nghĩa đế quốc, chuyên đi áp bức và xâm lược; còn Trung Quốc thuộc “Thế giới thứ ba”, thế giới của các dân tộc nghèo nàn lạc hậu, bị đế quốc áp bức bóc lột. Vì thế vận mệnh của Trung Quốc và các dân tộc còn lại trên hành tinh là thống nhất.

Nhưng trong Thế giới thứ ba đó, Trung Quốc là một đại quốc, sẵn lòng bao dung và lãnh trách nhiệm thủ lĩnh dẫn dắt phong trào. Tuyên ngôn này suốt từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời đến nay vẫn là biểu ngữ khổng lồ ngự trên đài Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Điều này giúp chúng ta lý giải tại sao nước Trung Quốc với đầy khuyết tật tinh thần mà vẫn có ảnh hưởng to lớn ở khắp châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á.    

Tạo ra huyền thoại “ngôi nhà chung” gọi là new Chinese regionalism (chủ nghĩa khu vực mới kiểu Trung Quốc): mục đích là ngăn cản sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực Đông Á (chủ yếu là Mỹ) vào liên kết khu vực nhằm bảo vệ vị trí trụ cột và lãnh đạo của Trung Quốc, duy trì kiểu quan hệ địa chính trị bất cân xứng với các nước láng giềng.

Mười năm nước Mỹ sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, trung tâm là hai cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan đã là cơ hội ngàn vàng để Trung Quốc triển khai các chính sách đối ngoại mềm dẻo dựa trên đồng tiền đối với các khu vực nghèo đói kém phát triển của thế giới, nhất là các nước láng giềng ở châu Á và các nước đang phát triển nghèo tiền bạc nhưng có thừa tham nhũng và tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi.           

Tiếp tục truyền bá văn hoá nghệ thuật, ngôn ngữ: Ẩm thực, thư pháp, đồ chơi, tạp hóa, điện ảnh, mỹ thuật, châm cứu, thuốc bắc, trang phục, áo quần, làn sóng văn hóa bình dân như nhạc pốp, phim ảnh, phim truyện; thiết lập các viện Khổng Tử ở tất cả những nơi có thể làm bàn đạp mở rộng truyền bá hình ảnh hấp dẫn của đất nước Trung Quốc.          

Hợp tác giáo dục, đào tạo và khoa học: Thông qua cung cấp học bổng, tài trợ trang thiết bị, tài liệu sách báo, các chuyến tham quan nghiên cứu ở Trung Quốc, nhằm tạo ra một lớp người thấm nhuần văn hoá Trung Quốc, phục Trung Quốc, hàm ơn Trung Quốc; các nhà khoa học xã hội dễ bị lái theo các quan điểm của học giả Trung Quốc một cách vô tình (hay hữu ý?) nhất là trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, chính sách kinh tế và văn hoá, triệt tiêu con đường phát triển riêng, độc lập của văn hoá chính trị.          

Cộng đồng Hoa kiều: Nhìn một cách khái quát có thể thấy mấy đặc điểm: duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và các tổ chức của cộng đồng người Hoa; cung cấp các thông tin, tài liệu từ Trung Quốc cho cộng đồng người Hoa; tài trợ cho các hoạt động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá Trung Quốc, như các lễ hội, nghệ thuật truyền thống; có thể hỗ trợ các doanh nghiệp người Hoa thông qua ưu đãi xuất nhập khẩu hàng hoá với Trung Quốc để tạo lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.      

Cách thức ứng xử với sức mạnh mềm Trung Quốc   

Việt Nam với Trung Quốc có quan hệ bất cân xứng điển hình trên tất cả các phương diện, từ địa chính trị, địa văn hoá đến địa kinh tế. Các bậc tiền nhân của dân tộc đã tìm ra nhiều cách thức hiệu quả để hoá giải  sức mạnh mềm của Trung Quốc. Bí quyết của cách thức ứng xử của cha ông là “hoà nhưng bất đồng” (hoà hiếu nhưng không bị biến thành một với Trung Quốc). Các công cụ trí tuệ tinh hoa của Trung Quốc đã được cha ông ta tiếp biến thành công. Nền độc lập, nền văn hoá và cương thổ quốc gia được giữ vững.       

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trước kia đối diện với sức mạnh mềm của Trung Quốc, Việt Nam có mặt đã không làm được hay làm tốt được như người Nhật Bản hay Triều Tiên đã làm: hệ thống chữ viết thiếu sinh khí; nền học thuật thiếu bài bản; nền chính trị cho đến thế kỷ XIX lệ thuộc vào khuôn mẫu Trung Quốc. Sự lệ thuộc này chỉ chấm dứt khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX - giữa thế kỷ XX. Nhưng kể từ khi cách mạng Việt Nam gắn với cách mạng Trung Quốc, ở chừng mực nào đó và ở một số giai đoạn nhất định đã xuất hiện trở lại tình trạng lệ thuộc, nhưng được khỏa lấp dưới những tên gọi khác.          

Hiện nay Việt Nam cần triển khai các biện pháp, chính sách có hiệu quả, như:          

- Cảnh giác trước con bài lý tưởng và ý thức hệ chung, vì đối với Việt Nam hay các quốc gia một đảng khác, sự chi phối của ý thức hệ chính trị và thể chế chính trị mang tính quyết định đối với xã hội.   

- Hạn chế việc nhập khẩu và truyền bá sản phẩm văn hoá, nhất là trên truyền hình, báo mạng. Nhà nước cần đưa ra những chỉ số cụ thể về thời lượng và số lượng truyền hình các văn hoá phẩm. Theo kinh nghiệm một số nước, thời lượng phát sóng phim truyện từ một nước nào đó trên các kênh truyền hình quốc gia chỉ nên dưới 10%; tổng thời lượng phim nước ngoài nên ở mức dưới 50%; thậm chí việc chiếu phim chỉ nên có ở các rạp chiếu phim, nghĩa là muốn xem thì người ta phải bỏ tiền ra.

Ngoài ra, cũng có thể chiếu trên các kênh địa phương, và tuyệt đối không chiếu trên kênh Thời sự chính trị tổng hợp (VTV1). Ở Đức, Kênh truyền hình trung ương Liên bang ARD hay ZDF hầu như chỉ chiếu phim Đức hoặc các bộ phim kinh điển thế giới.

- Tăng cường một bước mạnh mẽ công tác thông tin đối ngoại bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Đi trước Trung Quốc một bước trên con đường dân chủ hoá, làm cho xã hội Việt Nam là một xã hội khoan dung, đầy tinh thần hoà giải và đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sức mạnh mềm mới của Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh còn kém phát triển của Việt Nam; để người dân Việt Nam tự hào với thế giới về chủ nghĩa nhân văn cao cả của mình. Giáo dục ý thức dân tộc cho giới doanh nhân trong hợp tác làm ăn, cảnh giác trước những ân huệ hay quà biếu mang tính truyền bá.       

- Các tầng lớp tinh hoa của Việt Nam cần hết sức cẩn trọng trong giao tiếp, mọi kế hoạch và dự án hợp tác giữa hai nước cần tính toán kỹ lưỡng sự tác động về mọi mặt, nhất là về an ninh quốc phòng; cần tham khảo ý kiến rộng rãi của các học giả uy tín về chuyên môn trước khi tuyên bố hợp tác hay không hợp tác.
_______________________________

Tài liệu tham khảo:

(1) Công thức định lượng đó bao gồm:

Pp = (C + E + M) (S + W) 

Pp: Political power  

C: Country  

E: Economy

M: Military  

S: Stategy   

W: Will       

Và lượng hoá thành con số lý tuởng mà nước Mỹ là khuôn mẫu:       

1.000 p. = (100 + 200 + 200) x (1 + 1)      

Trong phương trình nêu trên, yếu tố sức mạnh mềm nằm ở đoạn hai (S + W) và được xem như là hệ số tuyệt đối (=1) làm nhân lên hay giảm đi sức mạnh cứng của quốc gia.  

(2) Xem thêm Lương Văn Kế: “Phương pháp xác định sức mạnh tổng hợp quốc gia”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 9-2007; “Các yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 10-2007. 

(2) Nguyễn Thu Phương: Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ Sự trỗi dậy của sức mạnh mềm Trung Quốc và đánh giá mức độ tác động tới Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 11-2012.           

(3) Theo Lê Vĩnh Trương: http://tuanvietnam.net.