Nhật Bản cho phép sử dụng ODA hỗ trợ lực lượng quân sự

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc cho phép sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài trong những chiến dịch phi chiến đấu như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển… được coi là bước chuyển quan trọng chính sách an ninh của Nhật Bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Paresh
Ảnh minh họa. Nguồn: Paresh

Trung tuần tháng 2 này, nội các Nhật Bản đã thông qua hiến chương mới về viện trợ nước ngoài, trong đó lần đầu tiên cho phép sử dụng ODA của nước này để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài. Đây là lần đầu tiên sau 12 năm Nhật Bản thông qua việc sửa đổi chính sách ODA.

ODA, nay đổi tên thành Hiến chương Hợp tác Phát triển, nhấn mạnh Nhật Bản sẽ sử dụng viện trợ nước ngoài một cách hiệu quả và chiến lược hơn để bảo đảm lợi ích quốc gia - cụ thể là để duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của đất nước, tạo môi trường quốc tế ổn định, minh bạch cũng như duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế trên cơ sở các giá trị phổ quát.

Đặc biệt, hiến chương sửa đổi lần này tái khẳng định chính sách viện trợ nước ngoài của Nhật Bản không được sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, tùy theo các trường hợp cụ thể, ODA của Nhật Bản có thể được sử dụng để hỗ trợ các lực lượng nước ngoài trong các chiến dịch như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển. Thay đổi này đã phản ánh chính sách nâng cao vai trò quốc tế và tăng cường an ninh quốc gia mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thực hiện. Theo giới chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đây là lần đầu tiên tài liệu đề cập tới lợi ích quốc gia là một trong số các mục tiêu của việc cấp ODA.

Trong điều lệ ODA hiện thời, được nội các phê duyệt vào năm 1992, ODA của Nhật Bản chủ yếu được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo ở các nước tiếp nhận nguồn vốn này thông qua các khoản vay, tài trợ và hợp tác công nghệ. Chính sách ODA hiện nay của Nhật Bản cũng quy định “tránh sử dụng nguồn vốn ODA cho các mục đích quân sự hoặc làm tăng xung đột quốc tế”, nghĩa là cấm viện trợ cho các dự án có liên quan đến quân sự dưới bất cứ hình thức nào, kể cả việc huấn luyện quân nhân nước ngoài trong khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã tham khảo kinh nghiệm hợp tác triển khai hoạt động cứu hộ giữa lực lượng phòng vệ và quân đội Mỹ sau cơn bão Haiyan ở Philippines, trong đó tập trung quan tâm đến thực trạng: vai trò của quân đội trong các lĩnh vực phi quân sự như cứu trợ thảm họa, giảm nhẹ thiên tai ngày càng tăng. Cũng trong năm 2012, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu hỗ trợ kỹ thuật phi chiến đấu (nhưng chưa sử dụng nguồn vốn ODA) cho Bộ Quốc phòng và quân đội ở một số nước Đông Nam Á.

Những điều chỉnh trong chính sách phân bổ nguồn vốn ODA của Tokyo được nhìn nhận là thêm một bước chuyển quan trọng trong chính sách an ninh, phù hợp với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và tại Đông Bắc Á gắn liền với bước đi của Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những thay đổi trong phân bổ ODA được xem là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm mở rộng vai trò trong an ninh toàn cầu, thúc đẩy các mối quan hệ an ninh trong khu vực giữa lúc căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chưa lắng dịu. Hiến chương được xem là mũi tên thứ ba và là cuối cùng trong chính sách an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe. Hai mũi tên trước đó là quyền phòng vệ tập thể và nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí - đều đã được thông qua sau khi Chính phủ của ông Abe thay đổi cách diễn giải trong Hiến pháp.

Trong thời gian gần đây, phản ứng trước sự mở rộng hiện diện ngoại giao và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cung cấp viện trợ cho các nước đang phát triển, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu có sự dịch chuyển chiến lược, hướng đến sử dụng một phần  nguồn vốn ODA với mục đích thúc đẩy các sáng kiến an ninh. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia, được nội các Nhật Bản phê duyệt tháng 12.2013 quy định: “sử dụng chiến lược nguồn vốn ODA” là phải thực hiện việc “chủ động và tích cực đóng góp cho hòa bình”. Chính phủ Nhật Bản tin rằng những thay đổi này là cần thiết để ODA đóng vai trò trong thúc đẩy quốc phòng.

Một số ý kiến lo ngại tiền viện trợ hoặc các thiết bị do Nhật Bản tài trợ có thể bị dùng vào mục đích quân sự. Giáo sư Yoichi Ishii thuộc Trường Đại học Kanagawa cho rằng: Chính phủ viện trợ để cứu hộ sau thảm họa. Các thiết bị như xe tải, trực thăng được sử dụng cho các kế hoạch tương tự. Vấn đề là không có gì bảo đảm chúng sẽ không bị sử dụng sai mục đích. Chúng ta có thể mua đúng thiết bị nhưng để phân biệt dùng trong quân sự hay phi quân sự lại là ranh giới mong manh.

Cùng với Mỹ, Anh và Đức, Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia cung cấp ODA lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, viện trợ nước ngoài của Nhật Bản ước tính đạt 7,1 tỷ USD vào năm 2013. Thời gian gần đây, Nhật Bản còn tăng cường viện trợ cho các hoạt động chống khủng bố, điển hình như viện trợ 200 triệu USD cho các quốc gia vùng Vịnh để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tháng trước.