Nhật Bản: Mũi tên thứ ba của Abenomics

Theo Ngọc Minh/daibieunhandan.vn

Đối mặt với một nền kinh tế giảm phát và xu hướng già hóa dân số, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi trở lại nắm quyền năm 2012 đã đưa ra học thuyết Abenomics với 3 mũi tên quan trọng, gồm thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế thông qua tái cấu trúc. Trong đó, mũi tên thứ 3 tập trung vào nhân tố con người với các biện pháp như cải cách tiền lương, khuyến khích nữ giới lao động và tái sử dụng người nghỉ hưu...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

3 mũi tên quan trọng

Kể từ khi bong bóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán vỡ tung đầu những năm 1990, các công ty Nhật Bản đã tập trung cắt giảm nợ và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Lương không tăng hoặc tăng rất chậm khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến hai thập kỷ mất mát của Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa bằng 0, thậm chí âm.

Giá các loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống và rượu liên tục giảm, tạo nên hiện tượng giảm phát. Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số đã trở thành lực cản nguy hiểm đối với tăng trưởng kinh tế. Dân số Nhật Bản vào khoảng 127 triệu người, nhưng chỉ khoảng 65 triệu người tham gia lực lượng lao động. Thậm chí, theo dự báo của Chính phủ, cho tới năm 2060, lực lượng này có thể bị giảm đến 40%.

Từ những thực tế trên, Chính phủ Nhật Bản đã xác định con người là yếu tố then chốt, cần phải tập trung thay đổi thị trường lao động, cải cách tiền lương… để tìm lại đà tăng trưởng bền vững dựa trên tiêu dùng nội địa. Vì vậy, bên cạnh 2 mũi tên thúc đẩy chi tiêu công và nới lỏng tiền tệ, ông Abe đã đặt ra mục tiêu thứ ba là thúc đẩy tăng trưởng GDP thông qua cải thiện thị trường lao động.

Chú trọng nhân tố con người

Để thực hiện mũi tên thứ ba, Chính phủ có các biện pháp khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động như tăng cường chính sách hỗ trợ nuôi và sinh con, xây dựng thêm nhà dưỡng lão để giảm bớt gánh nặng cho lao động trẻ, giúp họ yên tâm làm việc, giảm bớt tình trạng hàng năm có hàng chục nghìn lao động Nhật Bản bỏ việc để ở nhà chăm sóc bố mẹ già.

Cải cách tiền lương cũng được thực hiện quyết liệt. Từ đầu năm nay, Nhật Bản đã tiến hành tăng mức lương tối thiểu từ 798 lên 823 yen/giờ tại 47 tỉnh, thành. Ngoài ra, để cải thiện chất lượng môi trường làm việc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nhật Bản đã đề xuất với Thủ tướng Shinzo Abe một số thay đổi trong thực hiện các tiêu chuẩn mới về lao động và có những điều khoản cụ thể hơn như: Trả lương xứng đáng cho một số đối tượng hay bảo vệ sức khỏe người lao động vì làm việc quá giờ…

Có một nét khác lạ ở công cuộc cải cách tiền lương xứ Mặt trời mọc là trong khi nhiều công ty, quốc gia đang đi theo xu hướng cắt giảm biên chế, Nhật Bản lại chuyển đổi các lao động dạng không chính thức hay hợp đồng bán thời gian sang biên chế ổn định.

Với sự thay đổi này, người lao động không chỉ tăng thu nhập mà còn nhận được các khoản phụ cấp, tiền thưởng và chế độ phúc lợi, từ đó toàn tâm, toàn ý cống hiến cho công ty, thêm động lực làm việc, sáng tạo. Dự tính đến năm 2018, theo luật về hợp đồng lao động sửa đổi, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải chuyển đổi những đối tượng lao động hợp đồng đã có trên 5 năm công tác sang diện biên chế.

Ngoài cải cách tiền lương, giảm áp lực làm việc, bảo đảm cuộc sống cho người dân, Nhật Bản cũng có những thay đổi đáng kể với thị trường lao động. Nếu như từ trước đến nay, doanh nghiệp thường tuyển lao động trong nước, thì giờ đây, họ bắt đầu đa dạng hóa nguồn lực để đối phó với sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động, cũng như bắt kịp xu thế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Những nỗ lực trên đã giúp nền kinh tế Nhật Bản có sự lột xác ngoạn mục với tăng trưởng GDP từ -0,7% năm 2011 tăng lên 2.2% trong quý I.2017 và nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong 6 quý. Với mục tiêu kích thích tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường lao động khiến lợi nhuận doanh nghiệp và lương nhân công tăng theo, Abenomics đang góp phần làm cho nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh và ổn định hơn.