Nhật Bản và nghịch lý thừa việc, thiếu người

Theo daibieunhandan.vn

Số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố cho biết, thị trường lao động nước này đang đối mặt với tình cảnh “thừa việc, thiếu người” nghiêm trọng nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, nghịch lý là tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra một lời giải căn cơ cho bài toán lao động - việc làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghịch lý việc làm

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ người tìm việc so với việc tìm người đã tăng 0,01 điểm phần trăm, từ mức 1,48% trong tháng 4 lên 1,49% trong tháng 5, cao nhất kể từ năm 1974. Điều này có nghĩa là, cứ 1 người đi tìm việc thì có tới 1,5 việc làm.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, từ mức 2,8% trong tháng 4 lên mức 3,1% trong tháng 5, chủ yếu do người lao động thay đổi công việc. Tháng 5 được xem là “mùa điều chỉnh việc làm” của người lao động Nhật Bản, nên số người thất nghiệp tại quốc gia này đã nhảy vọt lên 2,05 triệu người.

Theo các nhà phân tích, những số liệu cho thấy tình trạng khan hiếm lao động của Nhật Bản vẫn tiếp diễn, do dân số nước này bị già hóa và ngày càng thu hẹp lại. Trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài, sự thiếu hụt lao động đe dọa triển vọng tăng trưởng trong tương lai.

Mặt khác, mặc dù thị trường lao động bị thắt chặt nhưng mức lương của người lao động lại không tăng. Người lao động làm việc bán thời gian hoặc không thường xuyên chiếm tới hơn một phần ba lực lượng lao động của Nhật Bản. Trong khi đó, người lao động cố định hoặc làm việc thường xuyên có thu nhập hàng tháng cao hơn 53% so với người lao động không thường xuyên.

Theo số liệu của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội, trong tháng 5, chi tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản vào khoảng 283.056 yen (2.530 USD), giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình hưởng lương giảm 1,7%, tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Điều đó cho thấy, thu nhập của người lao động không được cải thiện, khiến các nỗ lực đẩy lạm phát lên cao của Chính phủ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn.

Bài toán nhân lực

Các chuyên gia cho rằng, để giải bài toán nhân lực, trước hết Nhật Bản cần giải được bài toán về nhân khẩu học. Đất nước mặt trời mọc cần thu hẹp khoảng cách giữa người lao động cố định với người lao động bán thời gian.

Theo Giáo sư Akira Kawamoto của trường Đại học Keiko, điều quan trọng là các doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc ổn định và lâu dài, nhằm giữ chân người lao động. Một thị trường lao động mở và linh hoạt sẽ giúp phân bổ các ý tưởng và nguồn lực nhằm thúc đẩy sản xuất hiệu quả, Giáo sư Kawamoto cho biết.

Chính phủ Nhật Bản cũng cần nới lỏng thị trường lao động trong nước, nới lỏng các quy định về nhập cư nhằm cho phép lao động nước ngoài có tay nghề cao vào làm việc. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ người lao động nước ngoài, như hỗ trợ chăm sóc trẻ em, nhằm thu hút lao động, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho nữ giới.

Phụ nữ hiện chiếm tỷ lệ khá lớn trong lực lượng lao động chính của Nhật Bản. Gần 65% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 65 đang làm việc, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1968 đến nay. Phần lớn công việc được trả lương thấp, bao gồm công việc cố định và công việc bán thời gian.

Nhiều công ty hiện nay vẫn coi nam giới là trụ cột kiếm thu nhập trong gia đình, sau đó đến phụ nữ trẻ và cuối cùng là phụ nữ trung niên, lớn tuổi. Theo các chuyên gia, để phát triển lâu dài, Nhật cần thay đổi tư duy này.

Ngoài ra, thị trường lao động còn chịu tác động bởi các quy định pháp luật và chính sách thuế. Chủ các gia đình ở Nhật thường là nam giới và họ có thể yêu cầu miễn thuế thu nhập cho người vợ có thu nhập dưới 10.000 USD/năm. Chính sách thuế về người kiếm thu nhập thứ hai trong gia đình sẽ góp phần khuyến khích phụ nữ đã kết hôn theo đuổi sự nghiệp.