Nhiệm kỳ không dễ dàng

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Séc đương nhiệm Milos Zeman đã tái đắc cử trong vòng bỏ phiếu thứ hai. Dù giành thắng lợi và tiếp tục làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, nhưng ông Zeman đang đứng trước một thực tế là những cử tri không “tâm phục khẩu phục” ngày càng nhiều. Điều này báo hiệu không ít thách thức trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến thắng thiếu thuyết phục

Các cuộc thăm dò dư luận sau bầu cử cho thấy có tới 47% số cử tri - những người đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Jiri Drahos - nói rằng họ làm như vậy chỉ để ngăn ông Zeman, tái đắc cử. Bên cạnh đó, 44% số cử tri (những người bỏ phiếu cho ông Zeman) - muốn ông tiếp tục nhiệm kỳ hai và có tới 22% nói rằng họ bỏ phiếu cho ông Zeman cũng chỉ vì “không ưa” ông Drahos.

Đã có 45% số cử tri của ông Zeman chịu tác động mạnh từ các cuộc tranh luận trên truyền hình trước ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng 2. Trong khi đó, 59% số cử tri của ông Drahos chịu ảnh hưởng mạnh từ truyền thông và 34,5% từ các cuộc tranh luận trên truyền hình.

So với cử tri của ông Zeman, cử tri của ông Drahos cũng chịu tác động nhiều hơn từ những thông tin trên mạng xã hội cũng như lắng nghe ý kiến của bạn bè và gia đình. Dù giành chiến thắng, nhưng sự cách biệt của ông Zeman so với đối thủ không lớn như 5 năm trước. Đương kim Tổng thống chỉ hơn Giáo sư Drahos 2,74% số phiếu bầu. Một mặt, tổng số cử tri bầu cho ông Zeman tăng từ 2,7 triệu lên 2,853 triệu song số cử tri của đối thủ cũng ở mức cao (hơn 2,7 triệu).

Đây là chiến thắng khá sít sao nhưng cũng được coi là chiến thắng của chủ nghĩa dân túy và các lực lượng ủng hộ Nga ở Trung Âu. Ông Zeman, 73 tuổi từng là một thủ tướng cánh tả, đã tuyên bố đây là “chiến thắng chính trị cuối cùng của ông vì Hiến pháp Séc quy định một cá nhân có thể làm tổng thống tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Zeman là người có nhiều kinh nghiệm tranh cử tổng thống.

Năm 2003, ông Zeman lần đầu tiên ra ứng cử và bị thua ông Vaclav Klaus. Năm 2013, tại cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Séc lần đầu tiên tiến hành theo hình thức “phổ thông đầu phiếu”, ông Zeman đã giành thắng lợi vì biết sử dụng hình ảnh ứng cử viên “thoát thân từ nhân dân”.

Vai trò của Tổng thống tại Séc chủ yếu mang tính nghi lễ nhưng cũng có tầm quan trọng nhất định trong việc bổ nhiệm thủ tướng, người đứng đầu ngành tư pháp và ký các dự luật để trở thành luật. Ông Zeman đã có nhiều ảnh hưởng đi ngược với trào lưu chung.

Ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và phản đối những chỉ trích nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời từng đề nghị trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Séc.

Thách thức khó tránh

Phát biểu với báo giới sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống Zeman nhấn mạnh: “Tôi còn 5 năm ở phía trước và tôi sẽ tiến về phía trước với năng lượng tràn đầy do người dân tiếp sức. Tôi khẳng định rằng tôi sẽ không phản bội họ”. Phát biểu này được hiểu như một lời tuyên chiến của chính trị gia này đối với những thách thức.

Thách thức đầu tiên đến từ chính các cử tri. Nhà bình luận của Đài Phát thanh Czech Petr Novacek nhận xét trở thành người đứng đầu nhà nước, Tổng thống tái đắc cử Zeman phải tập hợp người dân, đúng như lời tuyên thệ nhậm chức. Điều này là không dễ dàng khi trong dư luận Séc, không ít người hoài nghi chính sách đối ngoại của chính quyền, đặc biệt trong quan hệ với Nga.

Ông Zeman là người ủng hộ chiến lược “ngoại giao kinh tế” và cho rằng sẽ là sáng suốt nếu các công ty của Séc tăng cường xuất hiện ở thị trường Nga và Trung Quốc. Ông cũng là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) thực hiện chuyến thăm Nga trong thời gian gần đây. 

Thêm vào đó, cử tri của ông Zeman chủ yếu tập trung ở những khu vực kém phồn vinh hơn và ở xa trung tâm. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cử tri của ông thường là người có học vấn phổ thông trung học hoặc trung học cơ sở ở độ tuổi trên 60 và sinh sống ở vùng xa vùng sâu, vùng nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ vấp phải sự phản kháng ở giới thượng lưu với những quyết sách gây tranh cãi hoặc gây tổn hại tới lợi ích của bộ phận dân cư này.

Thách thức thứ hai đến từ chính giới hạn quyền lực của tổng thống. Cộng hòa Séc theo chế độ cộng hòa đại nghị nên quyền hạn của tổng thống (theo quy định của Hiến pháp) bị hạn chế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao cuộc bầu cử tổng thống ở nước này lại trở nên nóng bỏng như vậy? Do quyền hành pháp ở Cộng hòa Séc được phân chia giữa tổng thống và chính phủ, nên nếu không xây dựng được mối quan hệ thân thiện với chính phủ, ông Zeman sẽ khó triển khai được các dự định, chiến lược của mình và khi đó, mâu thuẫn sẽ nảy sinh.

Thách thức tiếp theo là sự chia rẽ trong xã hội, một “vết nứt” khá giống với những quốc gia có giới lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa và dân túy như Mỹ, Ba Lan và Hungary. Từng là một Thủ tướng có tư tưởng thiên tả, ông Zeman thu hút các cử tri nghèo tại vùng nông thôn, trong khi ông Drahos, 68 tuổi, là một học giả mới bước chân vào chính trường lại nhận được sự ủng hộ của những cư dân thành thị giàu có hơn.

Financial Times cũng nhận định, kết quả cuộc bầu cử tại Séc đã phô bày rạn nứt nghiêm trọng trong xã hội, giữa một bên là những người được hưởng lợi từ sự chuyển đổi nhanh chóng sau khi Séc gia nhập EU cách đây gần 15 năm, và một bên là những người cảm thấy bị tụt hậu trong làn sóng tăng trưởng kinh tế.

Giáo sư Petr Just, hiện đang làm việc tại Đại học Metropolitan ở Prague, bình luận: “Cuộc bầu cử càng khẳng định điều mà chúng ta đã thấy trong cuộc bầu cử Quốc hội (vào tháng 10.2017) là xã hội này đang chia rẽ…”. Tìm được sự ủng hộ của lực lượng cử tri giàu có đã là nhiệm vụ không đơn giản, hàn gắn một xã hội chia rẽ còn là điều khó khăn hơn rất nhiều.