Thực trạng nền kinh tế Nhật Bản

Là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới nhưng lại đứng đầu về tỷ lệ nợ công, Nhật Bản cũng đang phải vượt qua những khó khăn mà các nước phát triển khác gặp phải. Xã hội già hóa gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội, những chương trình trợ cấp liên tiếp được tung ra để kích cầu nền kinh tế tạo ra khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, hệ thống thuế chưa hợp lý làm mất cân đối ngân sách, nhiều bài toán đặt ra cần giải quyết cho Chính phủ Nhật Bản.

Thống kê tình hình nền kinh tế Nhật Bản có thể thấy, trong quý IV/2013, chỉ số tiêu dùng chiếm tới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, mức chi vốn của doanh nghiệp (DN) tăng 1,3% và đầu tư vào nhà ở tăng 4,2%. Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP của Nhật Bản trong năm 2013 tăng 1,6%. Qua đó, có thể thấy, nền kinh tế Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào cuối tháng 12/2012.

Bộ ba chính sách trong chiến lược phát triển kinh tế của Đảng Dân chủ Tự do mang tên “Abenomics” – tên Thủ tướng Nhật Bản, bao gồm: chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, Chính sách tài khóa linh hoạt và chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân. Những chính sách này bước đầu đã đem lại một số thành tựu bước đầu cho nền kinh tế Nhật Bản.

Cụ thể, chính sách nới lỏng tiền tệ một cách táo bạo nhằm tháo gỡ tình trạng giảm phát, phục hồi nền kinh tế đã phủ định chính sách nới lỏng định lượng vẫn được thực thi từ trước đến nay của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Để khuyến khích chính sách nới lỏng tiền tệ, Chính phủ Nhật Bản đã tung ra 2 gói kích thích kinh tế trị giá lần lượt là 117 tỷ USD và 1,4 nghìn tỷ USD với kỳ vọng thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế đạt mức 2%, tăng tỷ lệ lạm phát lên 2 % và tạo ra 600.000 việc làm mới cho nền kinh tế trong hai năm tới.

Đáng chú ý, trong 10 tháng trở lại đây, Chính phủ Nhật Bản đã duy trì chính sách đồng Yên thấp (mất 17% giá trị so với đồng USD) đẩy lạm phát của Nhật Bản tăng cao. Ngoài ra, BOJ tiếp tục cam kết giữ nguyên chương trình nới lỏng tiền tệ kỷ lục. Cụ thể là mở rộng cung tiền thêm 60 - 70 nghìn tỷ Yên (670 tỷ USD/năm trong vòng 2 năm tới để đạt mục tiêu lạm phát 2% vào năm tài khóa kết thúc vào tháng 03/2016).

Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường quy mô tài chính cho các chính sách kinh tế và mở rộng đầu tư công với trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ nước này cũng đang xem xét dự luật thiết lập “vùng chiến lược quốc gia đặc biệt”, cung cấp các ưu đãi và bãi bỏ quy định về thuế. Một số cải cách khác cũng đang được Nhật Bản xem xét liên quan đến năng lượng và nông nghiệp, bao gồm: Việc tự do hóa thị trường điện bán lẻ và thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đồng thời, cùng với tuyên bố tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đã đề ra những chính sách liên quan đến cơ chế thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế với sự kết hợp của cả khu vực tư nhân và nhà nước. Cùng với đó, Chính phủ nước này xúc tiến đàm phán các Hiệp định đối tác kinh tế (EPA).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết thực hiện những bước cắt giảm chi tiêu tới 83 tỷ USD, tương đương hơn 4% mức chi tiêu hàng năm của Nhật Bản trong hai năm (từ tháng 04/2014 - 03/2016).

Chính sách “Abenomics” mang bản sắc Nhật Bản

Mặc dù, chính sách “Abenomics” đã mang lại nhiều dấu hiệu khả quan cho nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, theo dự đoán của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2014 ước đạt khoảng 2% nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống 1,2% vào năm 2015. Trong khi đó, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế thế giới (OECD), tăng trưởng kinh tế của đất nước "mặt trời mọc" năm 2014 ước đạt khoảng 1,5% và năm 2015 sẽ chỉ đạt 1%. Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chính sách “Abenomics” có thể duy trì mức tăng trưởng bền vững cho Nhật Bản hay không? Hay nói cách khác, chính sách “Abenomics” có thực sự đạt được các mục tiêu như đã đề ra hay không? Để trả lời cho các câu hỏi này có thể căn cứ vào những yếu tố sau:

Thứ nhất, chính sách nới lỏng tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe có mục tiêu tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mang tâm lý hoài nghi, cho nên họ “ôm” một khoản tiền mặt kỷ lục thay vì đầu tư. Theo số liệu của BOJ, lượng tiền mặt và tiền gửi của các doanh nghiệp Nhật Bản quý III/2013 tăng lên 224 nghìn tỷ Yên (2,15 nghìn tỷ USD), tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, có nhiều nhà kinh tế học cho rằng, trong điều kiện phát triển của nền kinh tế Nhật Bản thì chính sách tiền tệ sẽ không đạt hiệu quả bằng chính sách tài khóa hợp lý.

Thứ hai, chính sách phá giá đồng Yên của Chính phủ Nhật Bản đã gây nên một số ý kiến phản đối trái chiều. Nhóm G7 đã tỏ ra lo ngại trước những điều chỉnh có thể khiến đồng tiền nội tệ của nước này trở nên suy yếu. Ngoài ra, việc đồng Yên của Nhật Bản xuống giá cũng có tác động liên đới đến các quốc gia mới nổi và điều này ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Việc đồng Yên mất giá đã tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng đồng thời làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu vốn dĩ đã tăng mạnh sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011, buộc nước này phải đóng cửa toàn bộ lò phản ứng hạt nhân vốn cung cấp 1/3 năng lượng tiêu thụ của Nhật Bản.

Thứ ba, chính sách tài khóa làm gia tăng gánh nặng nợ công. Ngân sách cho năm tài khóa 2014 đạt mức cao kỷ lục hơn 96 nghìn tỷ Yên, theo đó Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng chi tiêu cho các công trình công cộng và cho các lĩnh vực, như: quốc phòng, giáo dục và an sinh xã hội. Mặc dù, tăng chi tiêu Chính phủ sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ tăng trưởng, tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng, Chính phủ Nhật Bản vẫn cần phải cắt giảm mạnh chi tiêu do tỷ lệ nợ công của Nhật Bản đã quá cao (hiện tương đương 234% GDP của năm 2013).

Thâm hụt ngân sách như hiện nay có thể dẫn tới sự suy giảm lòng tin đối với trái phiếu chính phủ và có thể làm tăng lãi suất của những công cụ nợ này.

Thứ tư, cải cách thuế có thể tác động bất lợi cho nền kinh tế. Tại Nhật Bản có hai loại thuế là thuế trực tiếp đánh vào thu nhập cá nhân và thuế gián tiếp đánh vào việc tiêu thụ. Thuế trực tiếp bao gồm thuế thu nhập, thuế công ty, thuế thừa kế, thuế biếu tặng. Thuế thu nhập phải nộp cho nhà nước và cho chính quyền địa phương. Thuế gián tiếp là 5% giá trị hàng hoá khi mua hàng. Ở Nhật Bản, thuế trực tiếp chiếm 68,1%, thuế gián tiếp chỉ chiếm 31,9% trong khi đó ở Anh, Pháp, Đức thì thuế gián tiếp chiếm tới 50%.

Để cân bằng áp lực tài chính, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định từ tháng 4/2014 sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%. Nhờ đó, việc tăng thuế này giúp Nhật Bản huy động được thêm 8 nghìn tỷ Yên (tương đương 81,42 tỷ USD/năm). Việc tăng thuế là một con dao hai lưỡi, nhằm giúp tăng doanh thu và chứng minh rằng Nhật Bản cam kết cải cách tài chính. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, mức thuế tiêu dùng cần tăng lên 15% theo lộ trình tăng đều 1% hàng năm trong vòng 10 năm.

Nói tóm lại, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang “le lói” điểm sáng thì xu hướng điều chỉnh tài khóa của các nước vẫn là thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt kết hợp kiểm soát chi và tăng cường thu. Đối với Nhật Bản, chính sách “Abenomics” đã đem lại những kết quả khả quan bước đầu trong nền kinh tế, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những chuyển biến từ chính sách kinh tế “Abenomics” của Nhật Bản

TS. TRẦN THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Bài viết đưa ra những vấn đề mà Nhật Bản phải đối mặt khi tiến hành các biện pháp điều chỉnh chính sách tài khóa trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng nợ công.

Xem thêm

Video nổi bật