Những “con đường” thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2015 ghi dấu mốc trong lịch sử hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được coi là thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới của thế kỷ XXI. TPP cùng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang trong giai đoạn đàm phán nước rút và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa ra đời cuối năm 2015, đã mở ra cục diện mới trong hợp tác ở khu vực đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

FTA thế hệ mới

Sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 5.10.2015, tiến trình đàm phán TPP đã hoàn tất, khép lại tiến trình thương lượng cam go kéo dài hơn 5 năm, nhằm cho ra đời một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với chất lượng cao và toàn diện. Quy tụ 12 nền kinh tế gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, TPP hứa hẹn trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Cũng như các FTA có mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các thành viên, nhưng TPP có các tiêu chuẩn cao, lĩnh vực đàm phán rộng và lộ trình thực thi ngắn hơn. Điều này thể hiện ở tham vọng tự do hóa không chỉ về thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng sang dịch vụ, đầu tư, tài chính, mức độ mở cửa sâu rộng, áp dụng nguyên tắc không ngoại lệ, không ưu tiên, tuy nhiên có cân nhắc lộ trình phù hợp trình độ phát triển của các nền kinh tế. Ngoài ra, TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, chi tiêu của chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng. Yếu tố mới của TPP còn thể hiện ở cơ chế mở, cả về số lượng thành viên lẫn lĩnh vực đàm phán liên tục được điều chỉnh cả sau khi hiệp định có hiệu lực. TPP đem lại lợi ích cho tất cả các thành viên tham gia, trong đó, những nền kinh tế nhỏ được hưởng lợi không kém nhiều so với các cường quốc.

Động lực cho RCEP

TPP hoàn tất đã tạo động lực cho RCEP - một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN. Tiến trình thương lượng hiệp định này được khởi động tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia năm 2012 và đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay. Khi hình thành, RCEP sẽ là một hiệp định kinh tế mang tầm cỡ thế giới, với một khu vực chiếm 50% dân số, 30% tổng GDP và khoảng 30% giá trị thương mại của thế giới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, đến năm 2025, RCEP sẽ giúp tăng thu nhập thêm khoảng 644 tỷ USD cho toàn khu vực, nhờ các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động giữa các nền kinh tế liên quan.

Tuy nhiên, các phân tích cho rằng việc đàm phán RCEP chưa thể về đích là do Trung Quốc, nước đóng vai trò chủ đạo và nỗ lực thúc đẩy hiệp định này, đang trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm và hiện vẫn còn tồn tại một số bất đồng giữa ba nền kinh tế lớn ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

TPP và RCEP cùng chia sẻ mục tiêu mở rộng thị trường và tạo thuận lợi trao đổi hàng hóa nhưng cũng theo đuổi những mục đích riêng. Trong khi RCEP nhấn mạnh phát triển kinh tế, TPP lại chú trọng tự do hóa thị trường và loại bỏ rào cản thương mại; TPP được chuẩn hóa, còn RCEP cho phép sự linh hoạt... Tuy vậy, đây đều là những tiến trình quan trọng nhằm đặt nền tảng cho Hiệp định thương mại tự do toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực

Trong những thập niên gần đây, châu Á - Thái Bình Dương có những bước chuyển nhanh chóng, trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới, địa bàn hiện diện và tập trung nhiều lợi ích chiến lược của tất cả các nước lớn, đồng thời chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc cả trong và ngoài khu vực. Khu vực này cũng là nơi hình thành nhiều hiệp định FTA, cả song phương và đa phương, dù chưa bộc lộ xung đột lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu nhất thể hóa kinh tế khu vực.

Sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời ngày 31.12.2015 với một trong ba trụ cột là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cùng với TPP, RCEP có những tiến triển tích cực, triển vọng của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực đã “sáng” hơn. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm, những động thái này mở ra triển vọng tích cực cho thương mại và đầu tư, ít nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và khu vực năng động này sẽ tái khẳng định vai trò quyền lực kinh tế thế giới. Ngoài một loạt các FTA song phương và khu vực, AEC, RCEP và TPP được nhiều người xem như các sáng kiến khu vực quan trọng nhất. Trong khi AEC và TPP cơ bản đã đạt được thỏa thuận thì RCEP vẫn đang được 16 quốc gia đàm phán. Mỗi một hiệp định khu vực có tầm nhìn và những đặc điểm riêng, mức độ tham vọng trên tất cả các lĩnh vực đàm phán không nhất thiết phải giống nhau.

Các nhà lãnh đạo tin rằng một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng toàn cầu. Về logic điều này là đúng. Sự giàu có của châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp nhiều người dân trong khu vực có thể mua hàng hóa từ các nước trên thế giới, nhưng các sáng kiến thương mại đa phương nêu trên có thể không cho phép hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động từ bên ngoài chảy vào khu vực và ngược lại.

Không giống như châu Âu, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung được gói trong các FTA song phương hoặc các thỏa thuận xuyên biên giới tiểu vùng. Mặc dù ASEAN và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) có những diễn đàn, đối thoại hợp tác kinh tế khu vực, nhưng bản thân các tổ chức này rõ ràng không thể tạo ra sự tự do hóa thương mại. “Phương thức ASEAN”, được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận, được cho là đã làm chậm tiến trình tự do hóa thương mại và làm nảy sinh vấn đề “hiệu ứng mỳ ống” (chồng chéo): quá nhiều FTA làm giảm hiệu quả các thỏa thuận thương mại hiện có. RCEP được đề xuất nhằm khắc phục vấn đề này bằng cách chuyển đổi các hiệp định song phương thành một thỏa thuận đa phương tương thích. Nếu thành công, RCEP ít nhất sẽ được coi như một thỏa thuận thương mại đa phương khu vực.

Tuy nhiên, AEC, RCEP và TPP hoàn tất sẽ đem đến nhiều cơ hội cho ASEAN. Với xung lực mới, cùng sự đa dạng hiện có của mạng lưới FTA trong và ngoài ASEAN, vai trò trung tâm của Hiệp hội và tiến trình hội nhập kinh tế nội khối sẽ được tăng cường cùng tiến tới mục tiêu cuối cùng là FTAAP.