Những cú sốc của thị trường tài chính thế giới năm 2016

H. Quang

Năm 2016 chứng kiến nhiều biến động lớn nhất trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới. Những sự kiện tiêu biểu có thể kể đến là việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sập sàn; Cuộc "ly hôn" giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) làm gia tăng rủi ro kinh tế toàn cầu; Bầu cử tổng thống Mỹ tác động lớn lên thị trường tài chính thế giới; Suy thoái và khủng hoảng kinh tế ở Brazil, Venezuela…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sập sàn

Mở đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc chào năm mới bằng sự hỗn loạn tới mức phải tự động ngắt giao dịch và kết thúc sớm ngày làm việc. Phiên ngày 4/1 đánh dấu sự khởi đầu năm mới tồi tệ chưa từng có đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, làm bốc hơi 590 tỷ USD giá trị vốn hóa khỏi thị trường.

Phản ứng trước diễn biến trên, ngày 5/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 130 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 19,9 tỷ USD thông qua các quỹ đầu tư nhà nước nhằm xoa dịu thị trường. 

Ba ngày sau khi chứng khoán “sập sàn” lần 1, sáng 7/1, CSI 300 tiếp tục giảm điểm xuống 5% rồi 7%, làm thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục ngưng giao dịch tự động lần hai, đánh dấu giao dịch ngắn nhất trong 25 năm qua. Phản ứng trước hai sự cố trên, ngày 8/1, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc CSRC đã quyết định ngừng áp dụng cơ chế tự ngắt để giữ ổn định thị trường.

Lý giải về nguyên nhân chứng khoán Trung Quốc sập sàn ngay đầu năm, các chuyên gia cho rằng, ngoài các nguyên nhân cơ bản là kỳ vọng của nhà đầu tư về kinh tế Trung Quốc, các diễn biến trên của thị trường tài chính - tiền tệ Trung Quốc còn chịu nhiều yếu tố khác tác động, trong đó có các nhân tố về kỹ thuật (cơ chế tự ngắt), kinh tế (kỳ vọng của thị trường về cung – cầu, giá chứng khoán và kỳ vọng về giá trị đồng nhân dân tệ) và sâu xa là niềm tin của thị trường đối với điều hành của Chính phủ Trung Quốc.

Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2016 đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền trên các thị trường khác. Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại về thị trường bất ổn. Trang CNN Money dẫn lời các nhà phân tích quốc tế nhận định, tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với các thị trường chứng khoán trong năm 2016.

Cuộc "ly hôn" giữa Anh và EU làm gia tăng rủi ro kinh tế toàn cầu

Năm 2016, cuộc "ly hôn" giữa Anh và EU đã xảy ra và để lại nhiều hậu quả "chưa từng có tiền lệ" không chỉ với Anh mà còn cả thế giới. Đó được xem là dòng nước ngược đối với xu thế liên kết và hội nhập khu vực trong dòng chảy toàn cầu hóa trên thế giới.

Quyết định rời khỏi EU sau 43 năm gắn bó của người Anh đã gây ra một cú sốc đối với “đảo quốc sương mù”. Trong ngắn hạn, cuộc “ly hôn” với EU - đối tác thương mại quan trọng nhất, có thể đẩy nước Anh rơi vào suy thoái. Hậu quả nhãn tiền nhất chính là những biến động “chưa từng có tiền lệ” trên sàn chứng khoán Anh. 

Theo dự báo của Học viện Kinh tế chính trị Luân-đôn, việc rời khỏi EU sẽ dẫn đến sự sụt giảm thương mại giữa Anh với các nước thành viên EU, thu nhập từ thuế trong nước Anh tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài rút lui, những nhân tố này gộp lại có thể khiến GDP của nước Anh giảm từ 3,1% đến 9,5% - tổn thất này nghiêm trọng hơn nhiều so với sự bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính.

Đối với EU, Brexit tạo thêm áp lực cho Liên minh vốn đang chịu nhiều sức ép chưa từng thấy. Việc nước Anh rời khỏi EU khiến lòng tin, hình ảnh của EU - một liên minh gắn kết sau 1/4 thế kỷ không phải là bất khả xâm phạm, bị lung lay. Bên cạnh đó, sự tác động cũng như hậu quả kinh tế đối với châu Âu là rất khó dự báo.

Brexit có thể sẽ khởi động xu hướng ly tâm tại lục địa châu Âu, nhất là nếu Anh phát triển thịnh vượng bên ngoài EU. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/7/2016 đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone trong vòng 2 năm tới do những bất ổn xuất phát từ Brexit.

IMF nhận định, việc kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc có thể làm chệch hướng sự phụ hồi tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa của Eurozone. Ngoài ra, ảnh hưởng lan tỏa của Brexit, làn sóng người di cư, những mối lo an ninh gia tăng, và sự suy yếu của hệ thống ngân hàng đều có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế khu vực. 

Bầu cử tổng thống Mỹ tác động lớn lên thị trường tài chính thế giới

Sau Brexit, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ cũng tạo ra tác động lớn và nhanh lên thị trường tài chính thế giới năm 2016. Ngay khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có những tín hiệu đầu tiên với phần thắng nghiêng về ông Donald Trump vào sáng ngày 9/11 (giờ Việt Nam), thị trường tài chính thế giới ngay lập tức xảy ra nhiều biến động.  

Giới đầu tư đã tháo chạy khỏi chứng khoán, USD và đổ dòng tiền vào vàng, khiến giá vàng thế giới liên tục tăng cao, từ mức 1.270 USD/ounce đầu giờ 9/11 (giờ Việt Nam), giá vàng đã có lúc lên tới gần 1.340 USD/ounce, tương đương mức tăng hơn 5% cùng ngày.

Trong khi đó, giá đồng USD sụt giảm mạnh ngay sau khi những tín hiệu đầu tiên cho thấy Donald Trump đắc cử. Tính tới 15h10 chiều 9/11/2016 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,84% so với phiên liền trước đó, tương đương mức 97,15 điểm.

Thị trường tài chính tiền tệ thế giới được dự đoán sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới cùng với một loạt các biến động trên thị trường tài chính Mỹ. Trong trung hạn, đồng USD được dự báo sẽ tăng mạnh khi ông Donald Trump có chủ trương nới lỏng chính sách tài khóa thông qua cắt giảm thuế và chi tới 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, gây lạm phát, dẫn tới lãi suất tăng theo đó tăng sức hấp dẫn tương đối của đồng USD.

Bên cạnh đó, với kế hoạch của Trump về việc buộc các tập đoàn lớn chuyển hàng tỷ USD từ nước ngoài về nước khiến vốn được chuyển về Mỹ nhiều hơn cũng là một hiệu ứng khác đẩy giá USD tăng lên trong trung và dài hạn.

Kinh tế thế giới dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực do quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và tự do thương mại diễn ra mạnh mẽ trong thập kỷ qua có thể sẽ đảo chiều. Ông Trump là người phản đối mạnh mẽ nhất Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền tổng thống Obama xây dựng.

Kinh tế châu Âu vốn đang trì trệ sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn vì Mỹ vốn là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa từ khu vực này. Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn do nhiều khả năng Trump sẽ áp dụng mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nga và các nước OPEC có thể cũng chịu thiệt hại khi giá dầu tụt giảm, bất chấp việc đồng USD giảm giá.

Suy thoái và khủng hoảng kinh tế ở Brazil, Venezuela

Đã từng là ngôi sao sáng nhất trong các nền kinh tế mới nổi, Brazil bước vào năm 2016 với triển vọng mịt mờ cùng dư âm từ cuộc suy thoái kéo dài nhất trong thế kỷ qua đi theo những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử và dàn lãnh đạo ít được lòng dân nhân. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi hiện nay giá cả hàng hóa cơ bản của Brazil bao gồm dầu mỏ, quặng sắt và đậu nành đã sụt giảm mạnh xuống mức thấp.

Chỉ số hàng hóa cơ bản của Brazil do ngân hàng Credit Suisse theo dõi đã sụt giảm 41% kể từ mức đỉnh được ghi nhận vào năm 2011. Giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đã oanh tạc nhiều nền kinh tế trên toàn cầu và hậu quả để lại khá nặng nề cho Brazil do tác động cộng hưởng của năng suất thấp và chi tiêu chính phủ lãng phí và không hiệu quả.

Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays dự báo rằng nợ của Brazil sẽ tăng lên mức 93% GDP năm 2019; trong số các thị trường mới nổi chỉ có Ukraine và Hungary có tỷ lệ nợ cao hơn. Xét trong cơ cấu tài sản, tỷ lệ nợ công của Brazil cao hơn của Nhật Bản và gần gấp đôi Hy Lạp.

Một quốc gia Nam Mỹ khác là Venezuela cũng ngập  trong khủng hoảng và phải đối mặt với nguy cơ suy sụp kinh tế. Lạm phát tăng vọt, đồng nội tệ Bolivar mất giá chóng mặt trên thị trường “chợ đen” và dự trữ ngoại hối lao dốc.  Tỷ lệ lạm phát của Venezuela vào tháng 10 ở mức 58,5%, tăng từ mức 21,4% vào cuối năm 2012.

Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Venezuela mở rộng các biện pháp kiểm soát giá cả, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, cách làm này chỉ khiến tình hình thêm phần tồi tệ. Hiện Venezuela đã hết công cụ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Dự trữ ngoại hối của nước này đang ở mức thấp nhất trong 8 năm.

Theo số liệu mà chuyên gia Fuentes đưa ra, dự trữ ngoại hối của Venezuela tính đến giữa tháng 9/2016 chỉ còn 22 tỷ USD, giảm 26% so với thời điểm cuối năm 2012 và là mức thấp nhất trong 8 năm. Theo các chuyên gia, doanh thu từ dầu lửa của Venezuela không đủ để trả cho các chương trình xã hội khổng lồ và nợ nước ngoài của nước này.