Những rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp năm 2013

Theo Gafin

Theo WEF và Eurasia, những rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất phát từ internet và các thị trường mới nổi.

Những rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp năm 2013
Mới đây, công ty tư vấn Eurasia Group, liên kết với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xuất bản báo cáo với tên gọi "Rủi ro toàn cầu năm 2013", trong đó liệt kê những rủi ro lớn nhất của các doanh nghiệp trong 12 tháng tới.

Không giống những báo cáo khác, báo cáo này của WEF không chỉ cảnh báo về những rủi ro giúp các doanh nghiệp tránh nguy hiểm thông qua lập kế hoạch và tư duy thấu đáo hơn, mà còn vạch ra những cơ hội tiềm ẩn trong những rủi ro đó.

Báo cáo WEF cũng đề cập tới những rủi ro trương đối quen thuộc với người đọc, như tình trạng bất bình đẳng gia tăng và sự mong manh của hệ thống kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong số này, nổi bật có hai rủi ro mà theo WEF là những nguy cơ lớn nhất, đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật song không phải ai cũng nhận ra.

Rủi ro thứ nhất theo WEF chính là "những cơn bão lửa kỹ thuật số" có thể tàn phá toàn cầu. Ngày nay, những luồng thông tin khiến các doanh nghiệp mất phương hướng và hỗn loạn có thể lan truyền chỉ trong chớp mắt thông qua internet. Các thương nhân, con người, thậm chí là những robot có thể sụp đổ "trong chớp mắt" bởi những thông tin như vậy khi chúng được lan truyền đi. Ví dụ cụ thể là tháng 7/2012, giá dầu thế giới tăng hơn 1 USD/thùng khi có một người mạo nhận là bộ trưởng Nội vụ Nga trên Twitter lan truyền thông tin tổng thống Syria Bashar al Assad đã thiệt mạng.

Một ví dụ khác là tháng 10/2012, sàn Nasdaq buộc phải ngừng giao dịch cổ phiếu Google khi 1 báo cáo lợi nhuận bị rò rỉ. Hậu quả là, vốn hóa thị trường của Google bị bay hơi 22 tỷ USD. Đến tháng 11/2012, đài BBC suýt bị đóng cửa khi một bản tin sai về một chính trị gia bị cư dân mạng truyền tay nhau rộng rãi trên internet.

Từ những ví dụ này, một bài phân tích đăng tải trên tờ Economist cho rằng quả thực các doanh nghiệp phải thực sự cảnh giác trước những rủi ro từ tốc độ lan truyền của mạng internet, song không cần phải quá sợ hãi trước những cảnh báo của WEF. Bài phân tích cho rằng dù các tin tức xấu có thể lan rất nhanh trên internet, song bản thân internet lại có khả năng ổn định và đính chính thông tin sai rất nhanh. Đơn cử là trường hợp có tin đồn trên Twitter rằng Sàn giao dịch chứng khoán New York bị ngập trong nước trong trận bão Sandy. Tuy nhiên, tin đồn này ngay lập tức được các thành viên khác của Twitter đính chính lại.

Bên cạnh đó, các doanh nhân luôn phải sẵn sàng tâm lý đối đầu với những thông tin mới, dù cho thông tin đó do báo chí hay internet đưa đến.

Cùng hợp tác xuất bản báo cáo với WEF, song công ty Eurasia chỉ tập trung vào các rủi ro chính trị thay vì kinh tế. Theo công ty này, những rủi ro lớn nhất với các doanh nghiệp trong năm 2013 chủ yếu xuất phát từ các nền kinh tế mới nổi. Các nước giàu đã chứng minh được khả năng quản lý các rủi ro một cách khá tốt. Thậm chí, nhiều quốc gia giàu đã trở thành những chuyên gia về đối phó khủng hoảng, điển hình là Mỹ. Tuy nhiên, các nước mới nổi lại có rất ít kinh nghiệm ứng phó với những biến động, Eurasia nhận định.

Tuy nhiên, điều này là quá lạc quan khi nhận xét về các nước phát triển, bài phân tích trên Economist phản bác. Đơn cử như Tây Ban Nha và Italia, 2 quốc gia này hoàn toàn không phải là những "chuyên gia về khủng hoảng" như báo cáo nhận định. Cả Tây Ban Nha và Italia thực chất là điển hình của những yếu kém trong khâu quản lý tài chính tránh khủng hoảng, bài phân tích khẳng định. Ngoài ra, bản thân nước Mỹ cũng đang phải vật lộn với khủng hoảng và phải mất một thời gian nữa, thị trường mới có thể kiểm chứng liệu Mỹ có thực sự đủ năng lực để giải quyết khủng hoảng hay không.