Những sắp xếp thể chế cho tăng trưởng xanh tại Hàn Quốc

Theo cks.inas.gov.vn

(Tài chính) Để hoàn thành tầm nhìn quốc gia về tăng trưởng xanh, Chính phủ Hàn Quốc đã chủ động vào cuộc nhằm tạo ra các sắp xếp thể chế thích hợp. Rõ ràng rằng, trong việc biến tầm nhìn quốc gia thành hiện thực thì tính hiệu quả trong điều hành có vai trò vô cùng quan trọng.

Có 3 yếu tố chính trong các sắp xếp thể chế do chính phủ tiến hành: (i) Chiến lược và kế hoạch hành động; (ii) Khả năng nhìn xa trông rộng trong chính sách tăng trưởng xanh; (iii) Sự tham gia của tất cả bộ ngành liên quan, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến khu vực tư nhân như một bộ phận đóng góp cốt lõi.

    1. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được thông qua cùng với Kế hoạch 5 năm về tăng trưởng xanh.

      Chiến lược quốc gia (2009-2050) này là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ về tăng trưởng xanh. Nó đã đề ra ba mục tiêu chính với mười định hướng chính sách cụ thể. Ngoài ra, để thực thi một cách có hệ thống và nhất quán nghị trình đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia trên, chính phủ đã phát triển Kế hoạch 5 năm (2009-2013) vốn rất hiệu quả trong các giai đoạn đầu của sự bùng nổ kinh tế Hàn Quốc.

      Mục tiêu thứ nhất là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và đạt tới sự độc lập về năng lượng. Mục tiêu này kêu gọi các hành động như đặt ra những mục tiêu giảm thiểu từ trung hạn đến dài hạn, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo và củng cố năng lực ứng phó của quốc gia nhằm chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

      Mục tiêu thứ hai là tạo ra các động cơ tăng trưởng mới trên nhiều mặt trận. Trọng tâm của nó là tăng cường những đầu tư chiến lược trong nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, thiết lập cấu trúc cho tài chính xanh và đưa ra các ưu đãi về thuế cho những hoạt động thân thiện với môi trường.

      Mục tiêu thứ ba là nâng cao tổng thể chất lượng cuộc sống cho người dân và gia tăng đóng góp cho cộng đồng quốc tế bằng cách vận động mạnh mẽ cho tăng trưởng xanh. Xét tầm quan trọng của việc thay đổi hành vi, Chính phủ đã thi hành các chiến dịch cộng đồng được thiết kế để tăng cường hiểu biết và tham gia của công dân, ví dụ như Phong trào Khởi động xanh[1].


      HÌNH 1. BA MỤC TIÊU VÀ MƯỜI ĐỊNH HƯỚNG CỦA
      TĂNG TRƯỞNG XANH

      VỀ NHỮNG SẮP XẾP THỂ CHẾ CHO TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI HÀN QUỐC

      2. Chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak đã bổ nhiệm một chức vụ mới thuộc văn phòng tổng thống: Thư ký cấp cao về Tăng trưởng xanh.

      Đầu tiên, chức vụ này được gọi là Thư ký về Tầm nhìn tương lai; sau đó, họ đổi tên gọi và thăng cấp cho vị trí này với nhiệm vụ là giám sát chiến lược “Tăng trưởng xanh, ít các-bon” và đóng vai trò chính trong việc chuyển đổi phê chuẩn của Tổng thống đối với những sáng kiến tăng trưởng xanh thành các thực thi trên thực tế. Nhờ sự cộng tác thành một nhóm làm việc giữa vị trí này và Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh (Presidential Committee on Green Growth_PCGG), Hàn Quốc có thể tăng cường cấu trúc điều hành không chỉ trong xây dựng chính sách và các chiến lược tăng trưởng xanh mà còn để giám sát thường xuyên, cho phép điều chỉnh chính sách và kĩ thuật khi cần thiết.

      HÌNH 2. CƠ CẤU TỔ CHỨC CHO TĂNG TRƯỞNG XANH

      VỀ NHỮNG SẮP XẾP THỂ CHẾ CHO TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI HÀN QUỐC

      3. Hàn Quốc thiết lập PCGG như một cơ quan liên bộ cấp cao nhất với sự tham gia rộng rãi từ khu vực tư nhân.

      Uỷ ban này có đồng chủ tịch là Thủ tướng và một đại diện của khu vực tư nhân, những thành viên khác là các bộ trưởng hữu quan và các đại diện của khối tư nhân. Uỷ ban này được uỷ nhiệm để bàn thảo tất cả các chủ đề liên quan tới việc theo đuổi tăng trưởng xanh, cũng như điều phối công việc của chính quyền trong phạm vi này.

      Giống như PCGG trung ương, một Uỷ ban địa phương về tăng trưởng xanh đã được thành lập để thảo luận những vấn đề liên quan tới việc xây dựng và thực thi chính sách Tăng trưởng xanh ở cấp chính quyền địa phương. Thông qua các Uỷ ban trung ương và địa phương này, việc lên kế hoạch và thực thi các sáng kiến tăng trưởng xanh được giám sát và khuyến khích nhằm đạt được những kết quả đã trù tính. Sự tham gia của khu vực tư nhân cũng hết sức cần thiết để thúc đẩy thay đổi hành vi trong khu vực này.

      Kết quả của nó là việc triển khai 05 Tổ chức Tư vấn tăng trưởng xanh thuộc khu vực tư nhân để liên kết giữa kinh doanh, các nhà khoa học, xã hội dân sự, công nghệ thông tin với các lãnh đạo tài chính lại với nhau để thu được ý kiến chuyên sâu và thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào các chính sách tăng trưởng xanh.
      _______________

      [1]Phong trào Khởi động xanh (Green Start Movement) có mục đích là giảm khí nhà kính và thực hành tăng trưởng xanh, ít các-bon bằng cách thiết lập các lối sống xanh trong khu vực ngoài công nghiệp, bao gồm nhà ở, giao thông, kinh doanh thông qua hợp tác giữa chính phủ, các ngành kinh doanh và các nhóm dân sự.