Những yếu tố tác động đến tài khoản vãng lai tại các nước Đông Nam Á

TS. Đặng Thị Ngọc Lan

Bài viết xác định các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động đến tài khoản vãng lai tại các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan), giai đoạn từ quý I/2005 đến quý II/2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố tác động đến tài khoản vãng lai như là tài sản nước ngoài ròng, độ mở thương mại, thu nhập tương đối, tỷ giá thực đa phương. Tùy vào điều kiện kinh tế ở mỗi nước mà các yếu tố ảnh hưởng đến tài khoản vãng lai cũng theo nhiều chiều hướng khác nhau. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng kết hợp phương pháp kiểm định đồng liên kết Johansen – Juselius với mô hình tự hiệu chỉnh sai số VECM tại Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan để xác định mối quan hệ trong ngắn hạn cũng như dài hạn giữa tài khoản vãng lai và các biến kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số nghiên cứu có liên quan

Nghiên cứu của Chinn và Prasad (2003) điều tra các yếu tố quyết định trong trung hạn của tài khoản vãng lai với việc áp dụng một cách tiếp cận cấu trúc làm nổi bật vai trò của yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản quyết định trong việc tiết kiệm và đầu tư.

Bộ dữ liệu của họ có số liệu hàng năm cho 18 nước công nghiệp và 71 nước đang phát triển và bao gồm các giai đoạn 1971-1995. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự cởi mở đối với thương mại quốc tế có tương quan nghịch với tài khoản vãng lai giữa các nước đang phát triển, tài sản nước ngoài ròng có tương quan tích cực đến tài khoản vãng lai.

Theo nghiên cứu của Kwalingana và Nkuma (2009) nghiên cứu các yếu tố tác động đến sự mất cân bằng tài khoản vãng lai ở Malawi cho thấy, tỷ giá hối đoái tác động cùng chiều với thâm hụt tài khoản vãng lai. Nghiên cứu Ang và Sek (2011) so sánh các yếu tố quyết định thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai giữa nhóm các quốc gia thặng dư tài khoản vãng lai và nhóm các quốc gia thâm hụt tài khoản vãng lai từ năm 1973 – 2010.

Những yếu tố tác động đến tài khoản vãng lai tại các nước Đông Nam Á - Ảnh 1
 Cho thấy, tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng điều này sẽ tác động xấu đến tài khoản vãng lai. Nghiên cứu Jawaid và Raza (2013) điều tra các yếu tố tác động đến thâm hụt tài khoản vãng lai ở Pakistan cho thấy, tỷ giá có mối quan hệ cùng chiều với thâm hụt tài khoản vãng lai.

Các giai đoạn phát triển của giả thuyết cán cân thanh toán (Debelle and Faruqee, 1996) cho rằng, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nơi mức thu nhập tương đối thấp của một nền kinh tế sẽ có thâm hụt tài khoản vãng lai và giai đoạn sau của quá trình phát triển với thu nhập tương đối cao, nền kinh tế bình thường điều hành thặng dư tài khoản vãng lai để trả các khoản nợ bên ngoài tích lũy trước đó và còn xuất vốn vào nền kinh tế kém phát triển.

Dữ liệu và mô hình nghiên cứu

Tác giả thực hiện phân tích định lượng bằng phương pháp hồi quy tuyến tính VAR để xác định các yếu tố tác động đến tài khoản vãng lai tại các nước Đông Nam Á, giai đoạn nghiên cứu từ quý I/2005 đến quý II/2106 với 46 quan sát. Nghiên cứu dựa trên nghiên cứu của Lucun Yang (2011) phân tích thực nghiệm các yếu tố quyết định tài khoản vãng lai trong nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Nghiên cứu của Lucun Yang (2011), đã nêu lên tài khoản vãng lai phụ thuộc vào các yếu tố như tài sản nước ngoài ròng, độ mở thương mại, tỷ giá thực, tổng sản phẩm quốc nội thực bình quân. Mô hình nghiên cứu như sau:

CA = f (NFA, OPEN, REER, REL_y)

Trong đó: CA: Tài khoản vãng lai, CA là biến phụ thuộc; NFA: Tài sản nước ngoài ròng; OPEN: Độ mở thương mại; REER: Tỷ giá thực đa phương; REL_y: Thu nhập tương đối. 

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kiểm định nghiệm đơn vị Augmented Dickey–Fuller (1979) (ADF) và Phillips – Person (PP) để kiểm định tính dừng của chuỗi dữ liệu. Kết quả tìm được khi phân tích bằng phần mềm Eviews tại Việt Nam cho thấy, các biến đều là chuỗi dừng khi lấy sai phân bậc 1, riêng CA dừng ở bậc 0.

Dựa vào kết quả tìm được khi phân tích độ trễ mô hình, tác giả tiến hành kiểm định nhân quả các biến tại độ trễ là 5. Với mức ý nghĩa 5%, kết quả thu được cho thấy, có mối quan hệ nhân quả giữa các biến REL_y với REER ở Việt Nam tại mức ý nghĩa 3,08%.

Kiểm định đồng liên kết bằng phương pháp Johansen – Juselius (1990) và Johansen (1991) để xác định số vector đồng liên kết. Tại mức ý nghĩa 5% cả hai kiểm định này xác định tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa tài khoản vãng lai và các biến giải thích. Với mức ý nghĩa 5% giá trị Trace statistics và giá trị riêng lớn nhất của ma trận đều cho thấy, có hơn 3 đồng liên kết trong mô hình giữa các biến.

Từ kết quả có được dựa trên kiểm định Johansen, tác giả sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số (VECM) để nghiên cứu biến động trong dài hạn và điều chỉnh để đạt được cân bằng trong dài hạn của các yếu tố tác động lên tài khoản vãng lai tại Việt Nam. Hai giá trị ước lượng cần quan tâm là hệ số tương quan (Cointgrating Eq) và tốc độ quay về vị trí cân bằng (Error Correction). Kết quả ước lượng trình bày trong Bảng.

Những yếu tố tác động đến tài khoản vãng lai tại các nước Đông Nam Á - Ảnh 2
 Qua kết quả trong Bảng 1, các biến NFA, OPEN, REER, REL_y đều có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa nhỏ hơn 1%. Trong đó, các biến NFA và Rel_y có tương quan âm đến biến phụ thuộc CA, còn hai biến OPEN và REER có tương quan dương đến CA. Mặt khác, khi phân tích VECM về tốc độ quay về vị trí cân bằng (Error Correction) của Việt Nam thu được là -4.460108 và không có ý nghĩa thống kê vì giá trị p-value >0,05.

Nghiên cứu mở rộng ra đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, kết quả khi thực hiện phân tích kiểm định Jonhasen tại các nước thu được cho thấy, tồn tại đồng liên kết giữa các biến trong mô hình, cụ thể là với mức ý nghĩa 5% tại Malaysia và Philippines tồn tại hơn 3 đồng liên kết, Singapore có hơn 2 đồng liên kết, Thái Lan có 1 đồng liên kết. Kết quả tìm được khi thực hiện hồi quy theo phương pháp VECM tại các quốc gia trong nghiên cứu được tổng hợp trong Bảng 2.

Qua kết quả của Bảng 2 cho thấy, biến NFA có tác động tích cực đến CA ở Malaysia và tác động tiêu cực đến CA tại các nước Philippines, Singapore, Thái Lan; OPEN có tác động cùng chiều đến CA tại Malaysia, Philippines và tác động ngược chiều đến CA tại Singapore, Thái Lan; REER có tác động cùng chiều đến CA tại Philippine, Thái Lan và tác động ngược chiều đến CA tại Malaysia, Singapore; REL_y có tác động cùng chiều đến CA tại Malaysia, Singapore và tác động ngược chiều đến CA tại Philippine, Thái Lan.

Bên cạnh đó, khi ước lượng bằng mô hình hiệu chỉnh sai số VECM, kết quả tìm được chỉ có tại Malaysia tốc độ quay về vị trí cân bằng là có ý nghĩa thống kê, các nước còn lại hệ số này không có ý nghĩa thống kê.

Kết luận và hàm ý chính sách từ nghiên cứu

Từ kết quả ước lượng mô hình trong Bảng 1 và Bảng 2 cho thấy, hệ số NFA có ý nghĩa thống kê ở mức 1% tại Việt Nam và Singapore, 5% tại Philippines. Riêng tại 2 nước Malaysia và Thái Lan, hệ số NFA không có ý nghĩa thống kê. Hệ số hồi quy -0,00253 tại Việt Nam cho thấy, NFA có tương quan âm đến CA. Điều này nói lên rằng, khi các yếu tố khác không đổi, thì NFA tăng 1 đơn vị dẫn đến CA giảm đi 0,00253 đơn vị.

Tại Singapore và Philippines cũng tìm thấy kết quả tương quan tương tự với hệ số ước lượng lần lượt là -0.004622, -0.127743. Tác động ngược chiều của NFA đến CA có thể được giải thích rằng, nền kinh tế với tài sản nước ngoài ròng ban đầu cao thì đã có khả năng làm cho tài khoản vãng lai thâm hụt trong thời gian dài vì có NFA ban đầu cao làm hạn chế các khoản thu nhập đầu tư ròng từ nước ngoài vào trong nước.

Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu tại 2 nước Singapore và Philippines của Lucun Yang (2011) phân tích thực nghiệm các yếu tố quyết định tài khoản vãng lai trong nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Bên cạnh đó, mối tương quan âm giữa NFA với CA thì không phù hợp với nghiên cứu trước đây của Chinn và Prasad (2003) điều tra các yếu tố vĩ mô quyết định trong trung hạn của tài khoản vãng lai tại 18 nước công nhiệp và 71 nước đang phát triển giai đoạn từ 1971 – 1995 cho rằng NFA có tương quan dương với tài khoản vãng lai.

Độ mở thương mại OPEN tác động dương đến CA tại Việt Nam với mức ý nghĩa thống kê 1% nhưng OPEN lại có tác động âm đến CA tại Singapore với mức ý nghĩa 5% (riêng với 3 nước Malaysia, Philippines, Thái Lan tác động của OPEN đến CA không có ý nghĩa thống kê). Kết quả tương quan dương tại Việt Nam có hệ số là 0.008693, nghĩa là khi các yếu tố khác không đổi, OPEN tăng lên 1 đơn vị thì CA sẽ tăng lên 0,008693 đơn vị.

Điều này phù hợp với nghiên cứu của Chinn và Hiro Ito (2005) sử dụng mô hình kiểm soát các yếu tố liên quan đến phát triển thể chế. Kết quả thực nghiệm cho thấy, lập luận các thị trường tài chính càng phát triển thì quốc gia đó càng ít tiết kiệm là không phù hợp mà mối quan hệ này chỉ đúng với các nước có hệ thống pháp lý phát triển và độ mở tài chính cao.

Edwards và Ostry (1990), Goldfajn và Valdes (1999) cho rằng, một hệ thống thương mại tự do hơn với những hạn chế thương mại ít hơn có thể dẫn đến giá trong nước thấp hơn và tỷ giá hối đoái thực tế giảm thì cũng cải thiện số dư tài khoản vãng lai. Trái lại, tại Singapore, OPEN có tác động âm đến CA một lượng là -0.084093.

Mối quan hệ này phù hợp với nghiên cứu của Chinn và Prasad (2003) khi cho rằng tác động tiêu cực đến tài khoản vãng lai tại những nước đang phát triển. Nghiên cứu này chỉ ra, độ mở cửa thương mại càng cao thì chính sách tự do hóa thương mại càng lớn có thể làm giảm số dư tài khoản vãng lai do tự do hóa thương mại làm cho nền kinh tế sẽ trở nên hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tỷ giá thực đa phương REER có tác động đồng biến lên CA tại Việt Nam ở mức ý nghĩa 1% và tại Singapore, REER có tác động nghịch biến đến CA với mức ý nghĩa 5%. Đối với các nước còn lại, trong nghiên cứu thì mối quan hệ của REER và CA không có ý nghĩa thống kê. Kết quả tại Việt Nam là phù hợp về mặt lý thuyết, khi tỷ giá thực tăng đồng nội tệ giảm, hàng hóa nước ngoài sẽ đắt hơn tương đối so với hàng hóa trong nước làm nhập khẩu giảm, xuất khẩu tăng từ đó cán cân thương mại được cải thiện dẫn đến tài khoản vãng lai sẽ được cải thiện.

Tại Singapore tác động nghịch biến đến CA một lượng -1.021769. Mối tương quan này giống với nghiên cứu của Jawaid và Raza (2013) điều tra các yếu tố tác động đến thâm hụt tài khoản vãng lai ở Pakistan cho thấy, tỷ giá thực có mối quan hệ cùng chiều với thâm hụt tài khoản vãng lai; Kwalingana và Nkuma (2009) nghiên cứu các yếu tố tác động đến sự mất cân bằng tài khoản vãng lai ở Malawi cho thấy, tỷ giá hối đoái tác động cùng chiều với thâm hụt tài khoản vãng lai.

Thu nhập tương đối REL_y có tác động nghịch biên đến CA tại Việt Nam, Philippines  ở mức ý nghĩa 1% và tác động đồng biến tại Malaysia, Singapore ở mức ý nghĩa 5%, trường hợp tại Thái Lan không có ý nghĩa về mặt thống kê. Khi các yếu tố khác không đổi, nếu REL_y tăng 1 đơn vị thì CA tại Việt Nam giảm 0.005806 đơn vị, Philippines giảm 0.001440 đơn vị. Mối quan hệ nghịch biến của REL_y và CA tại Việt Nam, Philippines tương đối phù hợp theo lý thuyết về tiêu dùng khi thu nhập bình quân của người dân tăng lên thì mức sống được cải thiện, đời sống trở nên tốt hơn người dân có nhu cầu càng cao hơn hay nói cách khác có xu hướng thích dùng hàng hóa nhập khẩu hơn vì chất lượng tốt hơn hàng hóa trong nước. Điều này dẫn đến nhập khẩu tăng xuất khẩu giảm, cán cân thương mại giảm kéo theo tài khoản vãng lai sẽ có xu hướng xấu đi.

Ngược lại, mối quan hệ đồng biến của REL_y và Ca tại Malaysia, Singapore giống với nghiên cứu của Debelle and Faruqee (1996) khi cho rằng, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nơi mức thu nhập tương đối thấp, nền kinh tế sẽ có thâm hụt tài khoản vãng lai vì nó thường nhập vốn do yêu cầu tài chính bên ngoài đến giai đoạn sau của quá trình phát triển với thu nhập tương đối cao, nền kinh tế bình thường điều hành thặng dư tài khoản vãng lai để trả các khoản nợ bên ngoài tích lũy trước đó và còn xuất vốn vào nền kinh tế kém phát triển.

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả rút ra một số hàm ý nhằm giúp cải thiện cán cân tài khoản vãng lai được tốt hơn, những giải pháp này chú trọng tập trung chủ yếu vào kết quả thu được đối với Việt Nam. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, dựa theo kết quả nghiên cứu cho thấy tài sản nước ngoài ròng càng lớn sẽ làm cho tài khoản vãng lai càng thâm hụt. Tài sản nước ngoài tăng tức là dòng vốn từ bên ngoài vào ngày càng nhiều khiến cho lãi suất thực tăng, khi đó nội tệ sẽ tăng giá ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu làm tài khoản vãng lai xấu đi.

Vì thế, Chính phủ cần có chính sách quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư vào và ra một cách hợp lý, nên hướng nguồn vốn vào trong nước đúng khu vực sản xuất của nền kinh tế, kèm theo đó chú trọng lựa chọn các dự án đầu tư để tận dụng được tối đa khả năng chuyển giao công nghệ, áp dụng những công nghệ tiên tiến tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, thúc đẩy năng lực sản xuất của toàn nền kinh tế. Cách này có thể giúp hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu  nhằm giúp cải thiện cán cân vãng lai.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ giá thực đa phương tác động tích cực đến tài khoản vãng lai, vì khi tỷ giá tăng thì đồng nội tệ giảm giá, giúp gia tăng xuất khẩu tức là phá giá đồng nội tệ sẽ có lợi khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc phá giá đồng nội tệ, vì khi đồng nội tệ giảm giá quá mức sẽ dẫn đến lạm phát cao làm mất ổn định trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD tăng theo thời gian làm tăng chi phí trả nợ của Chính phủ do cơ cấu nợ của Chính phủ hiện nay phụ thuộc lớn vào một số đồng tiền trong đó có USD, trong khi đồng tiền này lại luôn có xu hướng tăng so với VND. Việc lựa chọn hướng thay đổi của tỷ giá cần cân nhắc giữa lợi ích và chi phí phát sinh, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần lựa chọn mục tiêu cho chính sách tỷ giá trong mỗi thời kỳ, cần có những đo lường cụ thể khi ra quyết định nhằm đảm bảo đạt được lợi ích cao nhất cho nền kinh tế.

Thứ ba, Chính phủ cần có những biện pháp, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng nhằm khuyến khích người dân dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, nâng cao giá trị hàng hóa trong nước.

Hiện nay đa số người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tâm ý chuộng hàng ngoại, vì cho rằng chất lượng hàng ngoại sẽ tốt hơn hàng hóa trong nước và sẵn sàng chi trả cao hơn để mua những hàng hóa đó. Yếu tố tâm lý này sẽ làm cho nhập khẩu tăng và làm giảm giá trị xuất khẩu ròng, ảnh hưởng xấu đến tài khoản vãng lai.       

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Ngọc Thơ và các tác giả, 2011. Tài chính quốc tế. NXB Tài chính;

2. Ang H.Y., Sek S.K., 2011. Empirical Investigation On The Determinant Of Current Account Balance. International Jounral Of Advanced Computer Science, Vol.1, No.4, 146 – 151;

3. Chinn, Menzie D. and Eswar S. Prasad, 2003. Medium-Term Determinants of CurrentAccounts in Industrial and Developing Countries: An Empirical Exploration. Journalof International Economics, Vol. 59(1) (January), pp. 47–76, Elsevier;

4. Chinn, M.D., 2005. Getting serious about the twin deficits. Council Special Report 10, Council of Foreign Relations;

5. Chinn, M.D., Ito, H., 2008. A new measure of financial openness. Journal of Comparative Policy Analysis 10 (3), 309–322.