Nợ châu Á: Hãy coi chừng!

Theo nhipcaudautu.vn

Dù chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng Gresik có vị trí cực kỳ quan trọng. Nó nằm gần eo biển Lombok, cửa ngõ hàng hải quan trọng giữa Ấn Độ Dương và biển Đông và cũng là con đường thương mại huyết mạch vận chuyển nhiên liệu và tài nguyên giữa Trung Quốc với Úc.

 Nợ châu Á: Hãy coi chừng!
Cảng biển của AKR Corporindo (Indonesia) tại Gresik. Nguồn: nhipcaudautu.vn

Đó là lý do vì sao AKR Corporindo (Indonesia) đã chọn Gresik để xây dựng một trong những cảng biển lớn nhất của Đông Java và một khu công nghiệp hơn 2.000 ha. Hiện tại, tập đoàn logistics này đã đầu tư giai đoạn I là 675 tỉ rupiah (70 triệu USD) trong số tổng vốn 7.000-9.000 tỉ rupiah dự kiến dùng để xây dựng cảng biển và khu công nghiệp này.

Điều đáng chú ý là nguồn tiền trên đến từ các thị trường trái phiếu nội tệ của châu Á. AKR chỉ là một trong hàng trăm công ty châu Á trước đây chưa từng đi vay trên các thị trường trái phiếu. Mãi cho đến vài năm gần đây họ mới có cơ hội huy động vốn trên các thị trường này.

Kể từ đầu năm 2012, 1/5 trái phiếu nội tệ của châu Á đã được phát hành lần đầu tiên, theo công ty cung cấp dữ liệu của Anh Dealogic. Tại Mỹ và châu Âu, tỉ lệ này chưa tới 3%. Một số doanh nghiệp đi vay lần đầu đã có thể vay được số tiền lớn. Chẳng hạn như Maxis, một công ty viễn thông Malaysia, đã vay được 2,45 tỉ Ringgit (810 triệu USD) trong đợt phát hành lần đầu. Các thương vụ như vậy đã đưa các thị trường trái phiếu châu Á tăng gần như gấp đôi về mặt quy mô kể từ cuối năm 2008 lên mức 6.500 tỉ USD giá trị trái phiếu chưa đáo hạn.

Tuy nhiên, dòng tiền nóng bắt nguồn từ phương Tây nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường mới nổi đã làm dấy lên mối lo ngại về sự hình thành bong bóng tín dụng lớn nhất tại châu Á. Hiện tại, có quá nhiều công ty mới đi vay mượn và họ vay với lãi suất ngày càng thấp. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi: “Điều gì xảy ra khi lãi suất bắt đầu tăng lên, đặc biệt tại Mỹ? Sẽ có bao nhiêu trong số tiền ấy sẽ tháo chạy khỏi thị trường?".

Cứ mỗi một đợt nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương ở phương Tây (gọi là chính sách nới lỏng định lượng) lại kích thích dòng tiền chảy nhiều hơn vào các quỹ trái phiếu đầu tư vào châu Á (trừ Nhật). Theo ước tính của ngân hàng Mỹ Citigroup, đã có hơn 5,6 tỉ USD của các nhà đầu tư cá nhân rót vào các quỹ như vậy kể từ tháng 2.2012.

Việc lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở phương Tây khiến cho châu Á trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn để rót vốn. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài là người nắm giữ nhiều nợ châu Á hơn. 1/3 trái phiếu chính phủ bằng đồng rupiah Indonesia, chẳng hạn, là do các nhà đầu tư ngoại nắm giữ, tăng từ mức chưa tới 1/6 vào cuối năm 2008, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các ước tính khác thì cho rằng tỉ trọng nắm giữ của khối ngoại đã lên tới mức 50% đối với Indonesia và khoảng 40% đối với Malaysia và Philippines.

Vậy nếu lãi suất ở các nước phương Tây bắt đầu tăng trở lại, mức độ rủi ro đối với tính ổn định của các nền kinh tế châu Á sẽ đến đâu? Có một mối lo ngại lớn là mặc dù dòng tiền chảy vào đã tác động rất lớn tới các thị trường châu Á, nhưng lại không mấy quan trọng đối với các nhà đầu tư rót tiền vào. Nói cách khác, chỉ cần họ đưa ra một quyết định nhỏ là rút vốn, thì cũng đã có thể ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế châu Á. Theo ước tính của một số trader (chuyên viên giao dịch) và nhà đầu tư, phân nửa số tiền đến từ nước ngoài có khả năng tháo chạy nếu các nền kinh tế ở phương Tây bắt đầu hồi phục.

Tuy vậy, các nhà đầu tư lớn trong khu vực cho rằng việc rót vốn vào châu Á là một phần trong chiến lược phân bổ vốn dài hạn hơn. Các nhà quản lý tài sản như Pimco và BlackRock, vốn quản lý hàng trăm tỉ USD đầu tư vào các thị trường nợ trên khắp thế giới, đã và đang tăng số nhân viên và năng lực hoạt động tại các trung tâm tài chính như Singapore. “Đó không chỉ là đầu tư ngắn hạn để hưởng chênh lệch lãi suất từ chính sách nới lỏng tiền tệ ở các thị trường phát triển”, Ramin Toloui, đồng đứng đầu các thị trường mới nổi toàn cầu tại Pimco, nhận xét.

Hơn nữa, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính ổn định tài chính là các nền kinh tế châu Á ngày càng vay mượn bằng nội tệ nhiều hơn là USD. Ngoại trừ thị trường trưởng thành hơn là Hàn Quốc, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có lượng trái phiếu chưa đáo hạn bằng nội tệ cao gấp 5 lần lượng trái phiếu bằng USD, theo Deutsche Bank.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối thập niên 1990, các công ty và chính phủ đã nắm giữ lượng nợ rất lớn bằng USD. Khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi châu Á, việc này đã tạo sức ép lên đồng nội tệ, khiến cho nợ bằng USD trở nên đắt hơn đối với người đi vay. Điều này đã gây khó khăn cho các công ty và chính phủ ở châu Á, thậm chí đã dẫn đến sự sụp đổ của một số định chế tài chính. Và khi không còn tin chính phủ đủ khả năng giữ tỉ giá hối đoái cố định thì các nhà đầu tư đã đồng loạt rút vốn.

Cứ thế, trong vòng luẩn quẩn, dòng tiền rút chạy càng gây áp lực lên đồng nội tệ. Việc đồng baht rớt giá mạnh từ 25 baht ăn 1 USD lên 56 baht ăn 1 USD đã tạo ra làn sóng sụp đổ đồng nội tệ khắp châu Á vào năm 1997.

Hiện tại, nếu dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi các thị trường trái phiếu bằng nội tệ thì việc này sẽ gây áp lực lên đồng nội tệ tại các nước châu Á. Nhưng nó sẽ không làm tăng mạnh gánh nặng nợ lên chính phủ và các công ty trong nước như trong cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990. Tuy vậy, rủi ro vẫn rất cao.

Thiam Hee Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ADB, cho biết chính phủ các nước cần phải cẩn trọng đối với việc gần đây dòng tiền từ nước ngoài đã tăng mạnh. “Họ cần phải chuẩn bị tốt trong trường hợp các nhà đầu tư đồng loạt rút vốn khi các nền kinh tế tại Mỹ và châu Âu khởi sắc trở lại”, ông nói.