“Bức tranh” nợ công châu Âu

Trước khi xảy ra khủng hoảng

Trước năm 1999, để thỏa mãn các quy định về tài chính công trong Thỏa ước ổn định và tăng trưởng (mức thâm hụt ngân sách không được vượt quá 3% GDP và nợ công không được vượt quá 60% GDP), các chỉ tiêu này đều được các quốc gia ứng viên tuân thủ nghiêm túc. Tuy nhiên, xu hướng này có dấu hiệu đảo chiều khi Liên minh Kinh tế tiền tệ châu Âu (EMU) đi vào hoạt động. Từ năm 2003, phần lớn các nước khu vực đồng Euro có tỷ lệ nợ trên 60%/GDP. Điều này cho thấy các nước bắt đầu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong EMU.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, nợ công trung bình của EMU ổn định qua các năm ở mức xấp xỉ 70% GDP, tuy nhiên nợ công giữa các nước thành viên lại có sự khác biệt tương đối lớn. Trong khi Ai-len, Tây Ban Nha, Hà Lan duy trì mức nợ công dưới 60% GDP, thì hầu hết các nước khác nợ công đều có xu hướng tăng lên, điển hình như Đức, Pháp và Bồ Đào Nha; nợ công của Hy Lạp, Italia thường xuyên ở mức trên 100% GDP. Ai-len và Tây Ban Nha luôn duy trì được tình hình tài chính lành mạnh khi ngân sách thường xuyên thặng dư và nợ công luôn ở mức thấp (nợ công Ai-len giảm đều đặn qua các năm từ 48,6% năm 1999 còn 27% năm 2007, nợ công Tây Ban Nha thường xuyên ở mức xấp xỉ 50% GDP).

Trong và sau cuộc khủng hoảng

Sau năm 2007, nợ công các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều có xu hướng tăng đáng kể, hầu hết nợ công của các quốc gia thuộc EU đều vượt quá ngưỡng quy định của khối, do chính sách tài khoá lỏng lẻo và khả năng quản trị tài chính công kém hiệu quả (Hình 1).

Tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra xuất phát từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất ở Mỹ đã tạo nên một “cú sốc” mạnh mẽ đến nền kinh tế các nước thành viên EU. Để cứu vãn nền kinh tế, các quốc gia đều phải tăng chi tiêu công, biến các khoản nợ tư nhân thành nợ công. Hệ quả là sau thời điểm này, nợ công của EU đều có xu hướng tăng vọt, điển hình là Hy Lạp và Italia đều ở mức trên 115% vào năm 2009.

Khi lợi tức trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng cao từ 3,47% vào tháng 01/2010, lên 9,73% vào tháng 07/2010 cũng chính là dấu hiệu khởi đầu cho cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra tại EU. Khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó Ai-len trở thành nước thứ hai và tiếp tục lan ra các quốc gia khác trong khu vực đồng Euro. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai-len và Síp đã phải xin cứu trợ quốc tế để tránh vỡ nợ. Đồng Euro liên tục mất giá, cuộc khủng hoảng tài chính đã làm tổn thất hàng nghìn tỷ USD thu nhập tài chính của các nước thành viên EU. Từ năm 2010, diễn biến nợ công của khu vực đồng Euro ngày càng xấu đi khi nợ công tăng từ 65% năm 2007 lên 85% năm 2010 và ngân sách liên tục trong tình trạng thâm hụt vượt quá mức giới hạn 3% mà EU đã đề ra.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, EU đã xây dựng nên các cơ chế giải cứu gồm nhiều giai đoạn nhằm hỗ trợ các nước thoát khỏi cảnh nợ nần, cứu vãn các nền kinh tế tránh nguy cơ vỡ nợ. Cụ thể, tháng 5/2010, các Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc EU đã thành lập Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) với trị giá 440 tỷEuro nhằm tài trợ vốn thông qua các khoản cho vay và bảo lãnh, lấy lại niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và xu hướng ngày càng mởrộng của cuộc khủng hoảng nợ, đến tháng 02/2012 các nước EU đã thống nhất thay thếQuỹBình ổn tài chính châu Âu bằng “CơchếBình ổn châu Âu” (ESM). Việc thay thế này đã nâng quy mô của Quỹlên 750 tỷ Euro nhằm hỗtrợtài chính cho các thành viên EU vào thời điểm khó khăn, duy trì sựổn định tài chính của khu vực. Các nước được hỗ trợ tài chính phải tiến hành cải cách tài chính và tái cơcấu nền kinh tế nhằm cải thiện niềm tin của giới đầu tư. Ngoài ra, ESM còn có thểbơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong khu vực, đồng thời mua trái phiếu tại thịtrường thứcấp nhằm giúp giảm sức ép đối với các nước gặp khó khăn khi phải vay mượn tiền với lãi suất quá cao. Những biện pháp này đã bước đầu thu được những kết quả lạc quan, chứng khoán châu Âu có xu hướng tăng điểm, chi phí vay mượn của nhiều nước giảm xuống đáng kể.

Báo động nợ công 2014

Cuối tháng 02/2014, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới, trong đó 28 nền kinh tế thuộc EU dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng trong năm nay là 1,5% và 2% vào năm 2015.

Nợ công châu Âu: Báo động từ những con số - Ảnh 1

Tuy nhiên, “bài toán” nợ công mà 18 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn đang tìm lời giải, thậm chí các con số nợ công đang có chiều hướng “phình to” trong năm 2014. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Italia (Istat) ngày 3/3/2014, hiện nợ công của Italia đã tăng lên đến 2,07 nghìn tỷEuro (tương đương 2,84 nghìn tỷUSD), bằng 132,6% GDP năm 2013, so với 127% của năm 2012. Tương tự, tỷlệ nợ công của Hy Lạp dự kiến tăng lên mức 200% GDP trong năm 2014 so với 115,2% năm 2007. Trong khi đó, BồĐào Nha dự kiến có tỷlệ nợ công đạt 134,6% GDP năm 2014 so với mức 75% năm 2007. Còn nợ công của nước láng giềng - Tây Ban Nha dự báo chạm ngưỡng 105% trong năm 2014 so với 42% của năm 2008...

Mặc dù những nỗ lực cải cách kinh tế của các nước Eurozone đã bước đầu được cải thiện nhưng dường như các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của các nước này vẫn chưa phát huy tác dụng làm giảm bớt gánh nặng nợ, thay vào đó áp lực thuế đối với người dân tại các quốc gia này ngày càng lớn. Các chủ nợ là EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thực hiện mở rộng kỳ hạn nợ từ 30 năm lên 50 năm, giảm lãi suất thanh toán 0,5 điểm phần trăm và có thể tăng thêm 15 tỷEuro vào năm 2014.

Nguyên nhân khủng hoảng nợ công

Với thực trạng nợ công châu Âu ở trên có thể khái quát một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Thứ nhất, những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 dẫn đến nguồn thu ngân sách giảm, nhu cầu chi tiêu công tăng cao. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách của khu vực đồng Euro tăng cao, tỷlệ nợ công/GDP tăng từ 66,3% đến 85,4% giai đoạn 2007 - 2010, trong đó tỷlệ nợ công của Ai-len (từ 24,9% năm 2007 lên 94,9% trong năm 2010) và BồĐào Nha (từ 68,3% năm 2007 lên 94,9% trong năm 2010).

Thứ hai, chính sách tín dụng dễ dãi trong khu vực EMU trong suốt một thập kỷtrước khi diễn ra khủng hoảng. Vào thời kỳ này, việc các nước thành viên có cơ hội thu hút các khoản vốn đầu tư lớn với lãi suất thấp đã kích thích các quốc gia áp dụng chính sách đòn bẩy tài chính cao, tín dụng liên biên giới phát triển mạnh, khuyến khích hoạt động vay và cho vay với mức độ rủi ro cao (David Cayla, 2013).

Lãi suất của nhiều quốc gia sụt giảm mạnh, cụ thể, các mức lãi suất thời hạn 3 tháng giảm từ 22% xuống còn 3% ở Hy Lạp, từ 15% xuống 3% ở Tây Ban Nha và Italia, từ 20% xuống 3% ở Ai-len. Lãi suất thấp đã dẫn đến hoạt động cho vay quá mức và các khoản chi tiêu hào phóng của chính phủ diễn ra trong suốt gần một thập kỷ. Một số ngân hàng ở các nước này đã “mở hầu bao” cho vay thiếu trách nhiệm dẫn đến hình thành nên các khoản nợ tỷ nhân khổng lồ và tình trạng tăng giá bất động sản. Từ năm 1998 - 2011 đã tăng từ 90% lên 235% GDP ở Tây Ban Nha, từ 65% đến 210% GDP ở Ailen, từ 28% đến 100% GDP ở Hy Lạp, và 55% đến 150% GDP ở Bồ Đào Nha. Khi “bong bóng” bất động sản vỡ, thị trường nhà đất đóng băng, các khoản cho vay bất động sản ở các nước này đã trở thành nợ xấu và hệ thống ngân hàng phải đổi mặt với nguy cơ sụp đổ.

Tỷ lệ nợ công của Hy Lạp dự kiến tăng lên mức 200% GDP trong năm 2014 so với 115,2% năm 2007. Trong khi đó, Bồ Đào Nha dự kiến có tỷ lệ nợ công đạt 134,6% GDP năm 2014 so với mức 75% năm 2007. Còn nợ công của nước láng giềng - Tây Ban Nha dự báo chạm ngưỡng 105% trong năm 2014 so với 42% của năm 2008.

Thứ ba, sự mất cân bằng của Eurozone cũng là một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Trong khi các nước lớn như Đức, Pháp luôn đạt mức tăng trưởng cao và thặng dư tài khoản vãng lai, th́ì các nước phụ cận (Hy Lạp, BồĐào Nha, Ai-len và Tây Ban Nha) thường xuyên rơi vào tình trạng thâm hụt. Từ năm 2002 đến 2008, thâm hụt tài khoản vãng lai của các nước này bắt đầu tăng mạnh do tiếp nhận dòng vốn đầu tư tư nhân khổng lồtừ Đức và các nước giàu có khác vào lĩnh vực bất động sản (Ewald Nowotny, 2012).

Để cân bằng lại cán cân vãng lai, khôi phục lại khả năng cạnh tranh, các nước này lại không thể lựa chọn phương án phá giá đồng nội tệ, mà buộc phải tài trợ bằng cách bán trái phiếu Euro và chấp nhận nợ bằng đồng Euro. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã không sẵn lòng mua tài sản, ồạt rút vốn khi phát hiện Hy Lạp không thể trả nợ vào năm 2009. Các giải pháp khác được đưa ra đó là tăng cường xuất khẩu, cắt giảm ngân sách, giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm trọng nước, thanh lý tài sản… nhưng tính khả thi và hiệu quả đạt được tại những quốc gia này đều không cao. Cả chính phủ và khu vực tư nhân đều không thể tiếp tục tài trợ thâm hụt tài khoản vãng lai và gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Thứ tư, việc định giá sai rủi ro của thị trường vốn và phân bổ sai vốn giữa các nước châu Âu trong thập kỷtrước khi cuộc khủng hoảng bùng nổ: Đây cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng nợ công. Sự thống nhất của Eurozone năm 1999 đã mang lại sự hội tụ về lãi suất giữa các nước thành viên, trái phiếu chính phủ của các nước sau khi chuyển thành đồng Euro đều có mức lợi tức như nhau, chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu của các nước trong khối gần như là bằng không. Nguyên nhân vì rủi ro trái phiếu chính phủ của Eurozone là bằng không, ECB và ngân hàng trung ương của các quốc gia đều xem các khoản nợ này như là các tài sản thế chấp phi rủi ro được sử dụng trong các hợp đồng mua lại và các giao dịch về vốn thông qua tài sản thế chấp khác (Asian Development Bank Institute, 2012).

Niềm tin quá mạnh mẽ vào sức mạnh của thị trường tự do với nguồn tín dụng giá rẻ dồi dào đã dẫn đến sự tích tụ thiếu bền vững của nợ tư nhân (Ai-len, BồĐào Nha, và Tây Ban Nha) và nợ công (Hy Lạp và BồĐào Nha). Hệ quả là bùng nổ “bong bóng” bất động sản ở Tây Ban Nha và chi tiêu ngân sách quá mức ở Hy Lạp, cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến các khoản nợ công tăng cao.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ công cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết trong chính sách quản lý kinh tế của chính phủ các nước nói riêng và khối EU nói chung. Sau khi EMU bắt đầu đi vào hoạt động, cơ chế phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa vẫn còn nhiều hạn chế và không kịp thời. ECB thực thi các chính sách tiền tệ tập trung trong khi các quyết định về chính sách tài khóa vẫn còn phân cấp, chính sách tiền tệ chặt chẽ thì chi tiêu ngân sách của các quốc gia lại buông lỏng và thiếu kiểm soát. Gần như mỗi quốc gia đều cố gắng theo đuổi các mục tiêu chính sách nợ công của riêng mình, bởi EU không có nhiều quyền lực trong việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước thành viên. EU vẫn còn thiếu các công cụ thực thi nhằm kiểm tra, giám sát cụ thể tình hình tuân thủ các quy định về mức thâm hụt ngân sách và nợ công theo Hiệp ước tăng trưởng và ổn định (SGP). Chính phủ các nước EU gần như đã không thực hiện bất cứ giải pháp nào, như: tăng thuế đối với các hàng hóa có giá trị để tăng thu ngân sách trước tình trạng dư nợ quá cao, do các tác nhân kích thích từ việc giảm lãi suất diễn ra suốt một thập kỷtrước khi khủng hoảng.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra tại các nước EU là bài học kinh nghiệm quý báu đối với các quốc gia về tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô. Do vậy, chính phủ các quốc gia cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống tài chính nhằm giảm thiểu các khoản vay có độ rủi ro cao. Ngoài ra, cần tăng tiết kiệm trong nước và hạn chế vay nợ nước ngoài quá nhiều để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công cao, đặc biệt là chi cho tiêu dùng và hệ thống an sinh xã hội quá lớn không phù hợp với tiềm lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Asian Development Bank Institute (2012), Lessons of the European Crisis for Regional Monetary and Financial Integration in East Asia – ADBI Working Paper Series - No.347 – February 2012;

2. Guido Wolswijk and Jakob de Haan (2006), Government debt management in Europe: Recent changes in debt managers’ strategies, Public Finance and Management, Volume Six, Number 2, pp. 244-277;

3. Ewald Nowotny (2012): European Monetary Union – lessons from the debt crisis, Governor of the Central Bank of the Republic of Austria, Vienna;

4. Paul Mylonas, Sebastian Schich, Thorsteinn Thorgeirsson and Gert Wehinger (2000), New Issues in Public Debt Management, OECD Economics Department Working Papers No. 239;

5. Robert Schuman Fondation (2011), Europe and the global financial crisis – Taking stock of the EU’s policy response – EU;

6. PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình (2013), Nợ công của nhóm PIIGS: Những điểm tương đồng và khác biệt, Tạp chí cộng sản.

Nợ công châu Âu: Báo động từ những con số

ThS. LÊ THỊ MINH NGỌC - Học viện Ngân hàng

(Tài chính) Cơn địa chấn tài chính toàn cầu năm 2008 đã tạo nên cú sốc và tác động mạnh mẽ đến hầu hết các nền kinh tế của các nước thành viên Liên minh châu Âu. Bài viết làm rõ tình hình nợ công châu Âu giai đoạn trước, trong - sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đưa ra dự báo về nợ công năm 2014 tại một số nước châu Âu, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về chính sách quản lý nợ công.

Xem thêm

Video nổi bật