Nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu nhìn từ các biện pháp kích cầu

Văn Thanh

(Tài chính) Kể từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, hầu hết các nước trên thế giới đã tung ra hàng loạt gói kích cầu với hy vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế để sớm thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, các gói kích thích tăng trưởng không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi nợ công vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong những năm tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đánh giá của các nhà kinh tế học hàng đầu thế giới, nguyên nhân khiến các gói kích thích kinh tế không mang lại tác động tích cực là sự bùng nổ tín dụng trong thập kỷ qua đã thúc đẩy nhu cầu, làm tăng chi tiêu cá nhân, nổi bật là những gia đình nghèo và thế hệ trẻ, đây là những đối tượng thường có mơ ước cuộc sống và nhu cầu chi tiêu vượt quá thu nhập thực tế. Trong đó, điều kiện vay vốn dễ dàng đã trở thành động lực thôi thúc nhiều gia đình và cá nhân tăng cường đi vay để chi tiêu, kể cả mua hàng lâu bền như xe hơi đắt tiền và nhà cửa, mặc dù giá cả những mặt hàng này tăng cao. Khi việc đi vay trở nên khó khăn hơn, sức mua của những hộ gia đình này giảm đột ngột và phải điều chỉnh lại nhu cầu chi tiêu. Kết quả là, một số hàng hóa đã thay đổi một cách không cân xứng, nhất là tại những ngành trước đó có mức tăng trưởng cao và làm ăn phát đạt. Nhu cầu giảm đã dẫn đến dư thừa sản phẩm, thu hẹp sản xuất, nhiều người mất việc làm, nổi bật là tại những ngành và địa phương có giá cả tăng mạnh.

Như vậy, khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng là nguyên nhân cơ bản làm tăng mức độ rủi ro và tích tụ dần thành khủng hoảng. Đây là những điều đã từng diễn ra trên thực tế như tín dụng dưới chuẩn tại Mỹ sau năm 2001, chi tiêu phung phí dựa trên vốn vay tại Hy Lạp và một số nước thành viên euro nhằm đạt cuộc sống ngang ngửa với các nước có mức sống cao hơn trong khu vực sau khi đồng tiền chung được lưu hành chính thức vào năm 1999, tín dụng đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường địa ốc tăng cao tại Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng thừa cung quá mức trong khi nhu cầu có khả năng thanh toán rất thấp. Ngay tại Việt Nam cũng đang diễn ra tình trạng hàng hóa tồn đọng và sản xuất đình đốn, mà nguyên nhân cơ bản là do tín dụng tăng mạnh kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2006.

Chuỗi dài những năm hưng thịnh nhờ vay nợ đã để lại một nền kinh tế với quá nhiều loại hàng hóa được tạo ra nhưng không phù hợp với nhu cầu đã thay đổi, đặc biệt là sự điều chỉnh nhu cầu của những khách hàng vay cũ. Trong khi đó, mục tiêu cần đạt được của các giải pháp kích cầu không phải là kích thích nhu cầu chung mà là giảm nợ cho những người vay cũ và cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh nguồn cung sang những nguồn cầu bình thường và bền vững hơn. Để đạt mục tiêu này, cần huy động nguồn lực rất lớn và thời gian khá dài, để trợ cấp thất nghiệp, mua sắm trang thiết bị, đào tạo lại nguồn nhân lực, đổi mới một số qui định pháp lý. Tại Italia, cần hay đổi luật lao động, việc này đòi hỏi phải mất thời gian do còn nhiều tranh cãi chưa có hồi kết.

Trên thực tế, các gói kích cầu không chỉ mang lại lợi ích cho những khách hàng vay trước đây, mà tất cả mọi người đều hưởng lợi, tác động đến phục hồi tăng trưởng vì thế rất chậm chạp. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương không thể hỗ trợ được nhiều cho thị trường thông qua các gói nới lỏng định lượng. Quyết định gần đây của Ủy ban Basel về nới lỏng thanh khoản của các ngân hàng trên toàn cầu tuy có tác dụng thúc đẩy hoạt động cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn sẽ thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng, trong khi nhu cầu hấp thụ vốn vay vẫn ở mức thấp. Tại nhiều nước phát triển, tỉ lệ thất nghiệp cao cho thấy, mức cầu quá thấp so với tiềm năng cung, và các gói kích thích kinh tế chỉ có dụng chậm chạp.

Theo tạp chí The Economist, nợ công toàn cầu hiện đã chạm mốc 49.848 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên 52.545 tỉ USD vào cuối năm 2014, tập trung tại Mỹ, Nhật Bản, và EU. Dẫn đầu danh sách là Nhật Bản với tổng nợ công trên 12.573 tỷ USD, chiếm 224,7% GDP, và mỗi người dân Nhật Bản phải gánh chịu khoảng 99.731 USD. Tuy nhiên, với 95% nợ công Nhật Bản do nhà đầu tư trong nước nắm giữ và số nợ này chủ yếu là trái phiếu chính phủ, đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng đối với Nhật Bản. Tiếp theo là Mỹ với tổng nợ công vào khoảng 11.677 tỷ USD, chiếm 74,5% GDP, dự kiến sẽ tăng lên 13.123 tỷ USD vào cuối năm 2013. Tại châu Âu, quốc gia nặng nợ nhất là CHLB Đức với 2.795 tỷ USD, chiếm 82,9% GDP, nhưng sẽ giảm nhẹ trong năm 2014. Tiếp theo là Italia, Cộng hòa Pháp và Vương quốc Anh.

Tại nhóm các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc có tổng nợ công trên 1.348 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP. Nếu tính cả nợ của chính quyền địa phương, trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh và chi phí tái cơ cấu ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ này có thể lên tới 70-80%. Nợ công tại Ấn Độ vào khoảng 1.015 tỷ USD, chiếm 50% GDP, dự kiến sẽ tăng thêm 18,2% vào năm 2014.

Trong khi tác dụng tích cực còn chậm, các động thái bơm thêm tiền và tăng chi tiêu công đã làm tăng gánh nặng nợ công, tiếp tục gây khó khăn cho việc cân đối cung cầu. Mặt khác, nhu cầu lại tăng rất chậm do thu nhập giảm trên qui mô toàn thế giới. Do đó, thế giới sẽ phải mất nhiều thập kỷ để giảm lượng nợ công khổng lồ, cải thiện thị trường lao động cùng hàng loạt vấn đề xã hội khác.  

Trong bối cảnh khó khăn đã tích tụ thành khủng hoảng trên qui mô toàn cầu, bắt nguồn từ sự mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu nguồn cung và khả năng chi trả của bên cầu, các gói kích cầu chỉ từng bước mang lại hiệu quả, đòi hỏi sự bình tĩnh và quyết đoán của các chính phủ cũng như vai trò tư vấn của các tổ chức quốc tế.