Nỗi lo tăng giá ở châu Á

Theo Nhịp cầu đầu tư, Cafef

Nhiều doanh nghiệp đã không còn có thể kham nổi chi phí lao động, sau khi nhiều nước ở châu Á tăng mạnh lương tối thiểu.

Nỗi lo tăng giá ở châu Á
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tăng cao nhất là Trung Quốc, với mức lương trunh bình tăng hơn gấp 3 lần trong suốt thời gian trên. Đông Nam Á cũng đang bám sát gót tốc độ tăng này, khiến cho các doanh nghiệp tại đây không thể sản xuất ra đồ chơi, quần áo hay nội thất với giá rẻ. Trong khi đó, giá rẻ là lợi thế cạnh tranh xưa nay của các doanh nghiệp châu Á.

Chính phủ các nước châu Á đã cho tăng lương tối thiểu để đối phó với việc giá cả tiêu dùng tăng nhanh. Lạm phát tại Singapore đã tăng vọt lên mức 4,9% trong tháng 2.2013, so với mức trung bình 2,6% trong thập kỷ qua. Tại Hồng Kông, giá cả tiêu dùng cũng đã tăng 4,4%, hơn gấp đôi mức trung bình 1,9% trong 10 năm qua.

Tại Jakarta, thủ đô của Indonesia với 10 triệu dân, Thống đốc Joko Widodo năm ngoái đã phê chuẩn mức tăng 44% trong lương tối thiểu cho công nhân lên tới 2,2 triệu rupiah (226 USD)/tháng. Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét việc mở rộng chương trình tăng lương tối thiểu này lên khắp cả nước. Thái Lan đã tăng lương tối thiếu cả nước lên 300 baht (10 USD)/ngày vào tháng 1. Malaysia thì đã đưa ra chính sách lương cơ bản vào năm ngoái.

Trong cuộc khảo sát 1.546 nhà xuất khẩu Trung Quốc do Global Sources thực hiện, các doanh nghiệp đều cho biết chi phí sản xuất và chi phí lao động tăng lên là hai thách thức lớn nhất.

Frederic Neumann, đồng đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings ở Hồng Kông, nhấn mạnh: “Châu Á là công xưởng của thế giới và nếu giá cả tăng ở đó thì chắc chắn giá cả thế giới sẽ phải tăng”.

Còn nhớ, hồi tháng 10.2011, khi trận lũ lụt lịch sử khiến Thái Lan, nhà sản xuất ổ cứng máy tính lớn thứ hai thế giới, bị thiệt hại nặng nề, giá cả ổ cứng thế giới đã tăng 20% do nguồn cung bị gián đoạn.

Theo một số chuyên gia, việc tăng giá tại châu Á sẽ chưa thể tác động ngay đến Mỹ và châu Âu. Trung bình một công nhân tại Philippines kiếm được 1,49 USD/giờ vào năm 2011, vẫn rất thấp so với 21,98 USD tại Anh, 23,70 USD tại Mỹ.

Hiện tại, châu Âu và Mỹ vẫn chưa cảm nhận tác động đáng kể từ xu hướng tăng giá ở châu Á. Chỉ số giá cả của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện vẫn thấp hơn chỉ tiêu 2% của cơ quan này. Theo dự báo của FED, lạm phát sẽ ở mức 2% hoặc dưới mức này cho đến hết năm 2015. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì dự báo mức tăng giá tiêu dùng hằng năm sẽ trung bình ở mức 1,6% năm nay và 1,3% năm 2014.

Mặc dù mức lương tại nhiều nước châu Á vẫn còn phải mất nhiều năm mới bắt kịp các nước phát triển, nhưng các doanh nghiệp tại châu Á đã tăng mạnh giá bán với một số hàng hóa. Và đà tăng này sẽ còn lên cao trong thời gian tới.

Chủ tịch Lim Wee Chai của Top Glove Corp (Malaysia), nhà cung cấp găng tay cao su lớn nhất thế giới, cho biết Công ty đã tăng giá 3 lần trong giai đoạn 9.2012 - 2.2013 do chi phí nguyên vật liệu cao hơn và cũng để bù vào mức tăng ước tính 50% trong chi phí nhân công trong nước. Ông cũng cho biết, lợi nhuận của Công ty đã giảm 8 triệu ringgit (2,6 triệu USD) trong 2 tháng đầu năm 2013, do chính sách lương tối thiểu của Malaysia.

Một số doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào bằng cách thay công nhân bằng robot hoặc chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn như Bangladesh và Việt Nam.

Richard Eu, Tổng Giám đốc Eu Yan Sang International, doanh nghiệp bán thuốc y học cổ truyền Trung Quốc lớn nhất tại châu Á (không tính Trung Quốc), cho biết Công ty đã bỏ ra 9,7 triệu USD để tự động hóa các nhà máy tại Malaysia và Hồng Kông nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí nhân công.

Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ và phân phối giày dép Mỹ, cũng cho biết các nhà sản xuất giày của Mỹ đang ngày càng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đến các nước có giá nhân công rẻ hơn như Indonesia và Việt Nam.

Mặc dù việc chuyển cơ sở sản xuất có thể giúp các doanh nghiệp có được chi phí lao động rẻ hơn, nhưng đây không phải là biện pháp ổn thỏa về lâu dài. Ông Carl Johnson, Phó Chủ tịch Phát triển sản xuất tại Star International Furniture (Mỹ), một khách hàng của Koda, nhận xét: “Việc tăng lương tại châu Á sẽ còn tiếp diễn”. Ông cho biết tất cả 15 nhà cung cấp nội thất châu Á của công ty ông đều đã tăng giá. Và Công ty đã chuyển 5% mức tăng giá sang cho khách hàng trong 18 tháng qua.