Nước châu Á nào bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Mỹ giảm QE3?

Theo CNBC/Dân Việt

Châu Á – nơi hút dòng tiền nóng những năm gần đây - có thể bị ảnh hưởng mạnh khi Mỹ giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần 3.

Nước châu Á nào bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Mỹ giảm QE3?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong báo cáo công bố hôm nay 28/5, ngân hàng Nomura dự đoán, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm quy mô QE3 – chương trình mua trái phiếu chính phủ hàng tháng vào cuối tháng 9 tới.

Nomura nhận định: “Dòng vốn chảy vào các nền kinh tế châu Á mới nổi mạnh cùng với tác động từ chính sách duy trì lãi suất thấp sẽ khiến các nền tảng kinh tế khu vực này xấu đi”.

Bong bóng bất động sản ở một số nền kinh tế có thể vỡ tung trong khi nợ bằng ngoại tệ sẽ tăng nếu các đồng tiền châu Á mất giá mạnh.

Ngân hàng này nhấn mạnh: “Nguy cơ dòng vốn chảy mạnh ra từ chứng khoán hay trái phiếu nước ngoài sẽ là rủi ro lớn đối với tiền tệ châu Á”. Theo Nomura, đồng tiền có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất là của những nước thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hoặc có thặng dư thấp như rupee của Ấn Độ và rupiah của Indonesia.

Nền kinh tế nào ảnh hưởng nhiều nhất?

Theo Nomura, Hong Kong, Singapore, Ấn Độ và Indonesia sẽ là những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Fed giảm quy mô QE3.

Với lãi suất vẫn thấp, nợ khu vực tư nhân tăng, các nền kinh tế châu Á, đặc biệt như Singapore, Hong Kong đang phải đối mặt với nguy cơ bong bóng bất động sản. Giá bất động sản Hong Kong tăng 128% kể từ tháng 12/2008, nếu Fed giảm QE3 có thể khiến thị trường trải qua một đợt điều chỉnh mạnh khi lãi suất tăng, thanh khoản bị thắt chặt.

Chuyên gia phân tích của Nomura cho biết, trước đó, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến bong bóng bất động sản Hong Kong vỡ tung, sức tiêu thụ giảm mạnh, đẩy Hong Kong vào suy thoái sâu và giảm phát.

Singapore cũng có thể đối mặt với những rủi ro tương tự Hong Kong vì những vấn đề của thị trường bất động sản.

Trong khi đó Indonesia và Ấn Độ bị ảnh hưởng do hai nước đều thâm hụt tài khoản vãng lai lớn do đó phụ thuộc nhiều vào dòng tiền bên ngoài.

Ở Indonesia, sự đảo chiều của dòng vốn đầu tư bên ngoài sẽ tạo sức ép lớn đến cán cân thanh toán, khiến đồng rupiah mất giá mạnh. “Dòng vốn chảy ra sẽ buộc Ngân hàng trung ương Indonesia tăng lãi suất mà điều này lại ảnh hưởng đến chi tiêu đầu tư và tiêu dùng”, Nomura nhấn mạnh.

Tương tự, với Ấn Độ, dòng vốn đảo chiều sẽ khiến rupee mất giá, thị trường chứng khoán giảm mạnh. Năm 2012, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này đã nhận dòng vốn lên tới 88 tỷ USD nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước.