OECD cảnh báo hiện tượng "phân kỳ trong tăng trưởng kinh tế"

Theo DVO/Reuters

(Tài chính) Eurozone đang tạo ra "sự phân kỳ trong tăng trưởng kinh tế" với các nền kinh tế đối trọng khác như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

OECD cảnh báo hiện tượng "phân kỳ trong tăng trưởng kinh tế"
Tăng trưởng yếu tồn tại tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là khía cạnh đáng lo ngại nhất của thế giới. Nguồn: internet

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định tình trạng suy giảm tăng trưởng đang diễn ra tại các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. OECD cảnh báo: "tăng trưởng yếu tồn tại tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là khía cạnh đáng lo ngại nhất", bởi tình trạng đó tạo ra "sự phân kỳ trong tăng trưởng kinh tế" với các nền kinh tế đối trọng khác nhưng đang được định hướng tốt hơn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong bản dự báo kinh tế mới công bố hôm nay 15/9, OECD - tổ chức tập hợp các nền kinh tế chính của thế giới, đã quyết định hạ 0,4 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 của khu vực đồng tiền chung châu Âu, xuống mức 0,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 5. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Eurozone cũng được hạ 0,6 điểm phần trăm xuống 1,1%.

Dự báo của OECD đối với nền kinh tế lớn nhất (Mỹ) cũng được điều chỉnh với biên độ tương tự nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ cao hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu. Theo OECD, GDP của Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,1% năm 2014 và 3,1% vào năm 2015.

OECD cũng kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn nguy cơ giảm phát trong khu vực Eurozone. OECD cho rằng, tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã uống mức thaaos nhất trong vòng 5 năm qua (0,4% trong tháng 8) là tín hiệu cảnh báo nguy cơ giảm phát đang tăng lên.

Vì vậy, "OECD khuyến nghị kích thích tiền tệ mạnh hơn cần được thực hiện trong khu vực đồng tiền chung châu Âu", OECD ra tuyên bố trong một thông cáo báo chí gửi cùng bản dự báo mới.

OECD cho biết thêm: "Những hành động gần đây của ECB được hoan nghênh, tuy nhiên những biện pháp bổ sung khác, bao gồm chương trình nới lỏng định lượng cũng rất cần thiết".