OECD: Kinh tế toàn cầu hồi phục nhờ giá dầu rẻ và nới lỏng tiền tệ

Theo oecd.org

(Tài chính) Ngày 18/3, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo Đánh giá kinh tế đầu tiên trong năm 2015.

OECD: Kinh tế toàn cầu hồi phục nhờ giá dầu rẻ và nới lỏng tiền tệ
OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone lên 1,4% trong năm 2015. Nguồn: internet

Theo nhận định của OECD, triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện ngay trong những tháng đầu năm 2015 nhờ giá dầu lao dốc và các ngân hàng trung ương tăng cường kích thích kinh tế.

Tuy nhiên Tổ chức này cũng cảnh báo việc quá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng sẽ gây ra nhiều rủi ro bất ổn đối với hệ thống tài chính. Khi đó, tỷ giá ngoại hối sẽ không thể phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế.

Nói về đà tăng giá của USD, OECD cho rằng việc đồng bạc xanh tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt sẽ kéo giảm tỷ lệ lạm phát tại Mỹ cũng như kìm hãm xuất khẩu. Do đó, OECD hy vọng, Fed sẽ tiếp tục trì hoãn việc nâng lãi suất cho tới khi các nền kinh tế ở châu Âu và eurozone có dấu hiệu phục hồi.

Trong buổi phỏng vấn với Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế trưởng Catherine Mann tại OECD cho biết, việc nâng lãi suất của Mỹ sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ phục hồi của châu Âu. Theo OECD, các biện pháp kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế tại Eurozone. Kết quả là, OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone lên 1,4% trong năm 2015 và 2% trong năm 2016 lần lượt từ mức 1,1% và 1,7% trong báo cáo hồi tháng 11/2014.

Tuy nhiên theo OECD, Eurozone muốn duy trì đà phục hồi bền vững thì chính phủ các nước thành viên phải đẩy mạnh cải cách kinh tế cần thiết và triển khai chương trình đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng.

Cùng lý do, Tổ chức cũng nâng dự báo tăng trưởng của Nhật Bản lên 1% trong năm nay và 1,4% trong năm 2016. Theo OECD, chính phủ Nhật Bản cần có tham vọng lớn hơn trong nỗ lực cải cách kinh tế.

Đối với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, OECD đều giữ nguyên mức dự báo hồi tháng 11/2014. Cụ thể, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và 3% trong năm tiếp theo. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 7% trong cả 2 năm 2015 và 2016.

Điều ngạc nhiên nhất là, OECD cho rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vài năm tới. Theo dự báo, tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ đạt 7,7% trong năm 2015 trước khi tăng lên 8% trong năm sau.

Nhìn chung, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay trước khi tăng lên 4,2% trong năm 2016, theo OECD.

Mặc dù đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn nhưng OECD vẫn cảnh báo về những rủi ro từ tình trạng lạm phát quá thấp. Tổ chức dự đoán, giá tiêu dùng tại tất cả 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đồng loạt giảm trong 6 tháng đầu năm 2015.