PCA vạch ra những vi phạm của Trung Quốc đối với UNCLOS

Minh Hà (Theo The Diplomat)

Ngay sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông, ngày 16/7, Chuyên gia luật quốc tế Roncevert Almond, chuyên phân tích về các tranh chấp ở Biển Đông đã trả lời phỏng vấn tờ The Diplomat về phán quyết này.

Chuyên gia luật quốc tế Roncevert Almond.
Chuyên gia luật quốc tế Roncevert Almond.

Yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là vô căn cứ

Ông nghĩ thế nào về phán quyết của PCA vừa công bố về Biển Đông?

Phán quyết của PCA về Biển Đông vừa qua là một quyết định mang tính bước ngoặt theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và cũng là một lời khiển trách mạnh mẽ đối với các tuyên bố chủ quyền hàng hải tham lam của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của PCA không chỉ là một quyết định pháp lý, ràng buộc các bên (Trung Quốc và Philippines), mà còn mang một thông điệp rộng lớn hơn liên quan đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhìn từ góc độ pháp lý, Philippines đã giành chiến thắng quyết định ở hầu hết các mục mà nước này đã đệ trình lên tòa. Điều này không có gì ngạc nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh các yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đưa ra là vô căn cứ khi chiếu theo luật pháp quốc tế. Phán quyết gần 500 trang đã cẩn thận vạch ra những vi phạm của Bắc Kinh đối với UNCLOS và nêu bật những quy tắc chứng tỏ những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là sai trái.

Phán quyết sẽ có tác động như thế nào đối với Trung Quốc, Philippines và các quốc gia khác có liên quan trong tranh chấp Biển Đông?

Mặc dù phán quyết chỉ có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên, nhưng nó có tác động lớn và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia có liên quan trong các tranh chấp ở Biển Đông. Nói tóm lại, quyết định của PCA sẽ cung cấp một khuôn khổ để đánh giá hành vi của các bên.

Quan trọng hơn, PCA từ chối các quyền lịch sử và "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Quyền lịch sử mà Trung Quốc tuyên bố bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc và từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã “độc quyền” kiểm soát vùng biển này cũng như tài nguyên ở Biển Đông.

Dù PCA đã rất thận trọng và không đưa ra bất kỳ kết luận trực tiếp nào liên quan đến các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines cũng như các tranh chấp khác ở Biển Đông, nhưng ảnh hưởng của phán quyết sẽ rất sâu rộng.

PCA đã dùng các căn cứ pháp lý để chỉ trích những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa án xác định, hành động của Trung Quốc, chẳng hạn như xây dựng đảo nhân tạo và ngăn cản Philippines tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tính từ đường cơ sở dọc theo bờ biển nước này là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng quyền của Philippines trong EEZ. PCA còn lưu ý rằng hoạt động xây dựng và cải tạo đất của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái ở Biển Đông.

Nói cách khác, phân tích kỹ thuật của PCA về tình trạng pháp lý của các cấu trúc mà Trung Quốc đòi chủ quyền đã phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dù tòa đã cẩn thận tuyên bố theo cách khác.

Đối với các quốc gia khác không tham gia vụ kiện, phán quyết của PCA đã cung cấp một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, Đài Loan đã bác bỏ phán quyết của PCA về việc Itu Abe không phải là một đảo có khả năng duy trì sự sống của con người và do đó, không tạo ra bất kì vùng lãnh hải mở rộng nào như một vùng EEZ 200 hải lý.

Ngược lại, Việt Nam có thể xem các phán quyết như một phương tiện thuận lợi để bác bỏ quyền tài phán mà Trung Quốc tuyên bố trong “đường 9 đoạn” và trong vùng EEZ của Việt Nam. Trong khi nghiên cứu bản chất của những yêu sách mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, PCA đã xem xét cụ thể việc Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thăm dò dầu khí trong vùng EEZ của Việt Nam hồi năm 2012.

PCA cho rằng, yêu sách của Trung Quốc đã vượt quá quyền lợi tối đa của nước này theo UNCLOS. Việt Nam có thể nắm bắt quy định trên để phản bác các hành động của CNOOC.

Như vậy, có thể kết luận rằng UNCLOS “dập tắt” bất cứ quyền lịch sử nào mà Trung Quốc tuyên bố trước đó, PCA đã cung cấp một biện pháp pháp lý lớn hơn cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông

Phán quyết của PCA tác động thế nào đến quan điểm của thế giới về Biển Đông?

Phán quyết của PCA đã quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc liên tục tìm cách ngăn chặn giải quyết đa phương các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả diễn đàn khu vực như ASEAN. PCA đã ngầm chỉ trích chiến thuật “chia để trị” này và nhấn mạnh rằng, Philippines đã bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc muốn đàm phán đa phương về các tranh chấp ở Biển Đông.

Dù không trực tiếp ủng hộ đàm phán đa phương về Biển Đông, nhưng phán quyết của PCA tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại và sự thịnh vượng toàn cầu. Tầm quan trọng của việc duy trì tự do tiếp cận đối với các tuyến đường biển ở châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế rất lớn.

Gần một phần ba thương mại hàng hải của thế giới đi qua Biển Đông mỗi năm. Tám trong số mười cảng container nhộn nhịp nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tòa cũng cung cấp những dữ kiện quan trọng, có sức nặng rất lớn để làm căn cứ đưa ra phán quyết. Hơn 3 năm qua, PCA đã thu thập được rất nhiều thông tin quan trọng từ các kho lưu trữ quốc gia khác nhau, các bản đồ hàng hải cổ đại, cũng như lấy ý kiến chuyên gia về các chủ đề khác nhau, từ an toàn hàng hải đến vấn đề môi trường để đánh giá về các cấu trúc, thực thể hàng hải ở Biển Đông.

Đặc biệt, rất nhiều trong số đó có nguồn từ Trung Quốc. Kỷ lục về dữ kiện này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình quan điểm của thế giới và lịch sử của Biển Đông. Do đó, phán quyết chắc chắn sẽ được sử dụng để giải quyết các vấn đề trong tương lai ở Biển Đông.