Sách Trắng Brexit còn nhiều “điểm mù“

Theo TTXVN

Chưa đầy 9 tháng trước khi nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã công bố văn bản Sách Trắng Brexit.

Sách Trắng Brexit còn nhiều "điểm mù". Nguồn: Internet
Sách Trắng Brexit còn nhiều "điểm mù". Nguồn: Internet

Chưa đầy 9 tháng trước khi nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), vượt qua vô vàn trở ngại với một nội các đầy chia rẽ về con đường đưa Anh rời khối một cách thuận lợi nhất, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã công bố văn bản Sách Trắng Brexit.

Nội dung xuyên suốt văn bản mang tên "Mối quan hệ tương lai giữa Vương quốc Anh và EU" này là những đề xuất thể hiện lập trường đàm phán của Chính phủ Anh về một tương lai quan hệ kinh tế và an ninh với EU thời hậu Brexit.

Kế hoạch đã báo trước một "thỏa thuận hợp tác" chung với EU thông qua các thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng và hàng không tới thương mại và chia sẻ dữ liệu an ninh. 

Cụ thể, Anh sẽ duy trì một “bộ quy tắc chung” với tất cả hàng hóa trong thương mại với EU. Một hiệp định sẽ được ký để bảo đảm Anh cam kết tiếp tục “tuân thủ hài hòa” những quy định của EU nhưng Quốc hội Anh sẽ có quyền giám sát chính sách thương mại của Anh và có khả năng quyết định điều chỉnh việc Anh áp dụng các quy định của EU.

Anh tin rằng với đề xuất này, họ có thể có thể tiếp cận khu vực tự do thương mại EU mà vẫn có quyền tự quyết với những chính sách thương mại độc lập. 

Dịch vụ tài chính là một trong những điều khoản được giới doanh nghiệp tại quốc gia này rất mong đợi vì Brexit đồng nghĩa với việc vị trí trung tâm tài chính thế giới của thủ đô London có thể bị lung lay.

Kế hoạch nêu rõ những công ty thuộc trung tâm tài chính London sẽ mất quyền được hoạt động tự do trên toàn EU, như vậy Anh sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận các thị trường dịch vụ tài chính của châu Âu để đổi lấy sự linh hoạt và tự chủ trong vấn đề này. 

Anh sẽ chấm dứt việc di chuyển tự do vào quốc gia này với những công dân EU và Quốc hội sẽ quyết định các luật nhập cư trong tương lai. Đáng chú ý, đề xuất này có một số ngoại lệ cho phép thiết lập các "thỏa thuận linh động" với EU. Về an ninh, Anh muốn xây dựng hiệp ước mới về an ninh nội bộ, trong đó có tiếp tục chia sẻ dữ liệu về an ninh cũng như hành khách hàng không với EU. 

Kế hoạch này vốn đã được Nội các Anh thông qua tại Chequers hồi tuần trước. Thủ tướng Theresa May khẳng định kế hoạch nhằm giữ mối quan hệ kinh tế thân thiết với EU là "nguyên tắc và thực dụng", cho phép Anh tuân thủ các quy định của EU về hàng hóa để bảo vệ thương mại song phương và tránh những thủ tục biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland, song vẫn cho phép Anh kiểm soát dòng người nhập cư và ký kết những thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia ngoài khối trong đó có cả các thỏa thuận về dịch vụ. Nhưng với những người ủng hộ một Brexit cứng, thì văn bản này là một sự "bội ước".

Ngay sau khi Thủ tướng May tuyên bố kế hoạch này đã được nội các ủng hộ, cơn chấn động chính trị đã lập tức kéo đến khi hai bộ trưởng quan trọng trong nội các từ chức để phản đối, gồm cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis, vốn là hai "lão tướng" đã đồng hành cùng bà May từ khi bà mới lên "chèo lái" con thuyền đưa Anh vượt "cơn sóng dữ" mang tên Brexit. Ông Johnson, một người xuất thân từ nhóm ủng hộ Brexit, khẳng định kế hoạch mới đã "giết chết" giấc mơ về một cuộc chia tay dứt khoát. 

Trong giới doanh nghiệp, kế hoạch dù nhận được sự ủng hộ của một số nhóm vì có những đề xuất bảo vệ thương mại hàng hóa và duy trì gắn kết kinh tế với EU, nhưng các đại diện của Trung tâm tài chính London lại cảnh báo đây là những cơn gió đầu của một trận bão tố có thể "làm tan hoang" lĩnh vực được coi là quan trọng nhất tại quốc gia này.

Đề xuất "chia cắt" ngành dịch vụ tài chính Anh và thị trường EU được coi như đòn giáng mạnh vào ngành tài chính, vốn là điểm nhấn quan trọng chiếm tới 80% tỷ trọng kinh tế của Anh và những ngành dịch vụ liên quan là nơi làm việc của 2,2 triệu người lao động quốc gia này.

Giám đốc chính sách của City of London Corperation, Catherine McGuinness lý giải một cách đơn giản rằng việc nới lỏng quan hệ với EU sẽ khiến ngành tài chính và các dịch vụ liên quan không thể tạo ra nhiều việc làm, thuế và hỗ trợ tăng trưởng toàn quốc mạnh như trước đây. 

Về phía đối tác đàm phán EU, bất chấp những lời trấn an của tân Bộ trưởng phụ trách Brexit Dominic Raab  chỉ nói một cách thận trọng rằng "sẽ phân tích các đề xuất". Một số nhà ngoại giao châu Âu dù hoan nghênh việc Anh cuối cùng cũng đưa ra đề nghị rõ ràng hơn, song cho rằng "chặng đường phía trước còn rất dài" và Chính phủ Anh cần phải làm rất nhiều việc.

Chính phủ CH Ireland, một trong những nhân tố quyết định trên bàn đàm phán Brexit bởi đây là quốc gia EU có đường biên giới đất liền duy nhất với Anh, bày tỏ hy vọng kế hoạch của Thủ tướng May sẽ tạo đà cho các hoạt động đàm phán để Anh và EU có thể đạt thỏa thuận vào tháng 10 tới. 

Giám đốc Viện cố vấn Anh trong một EU đổi khác Anand Menon cho rằng kế hoạch này cần được hoan nghênh vì đã đánh dấu nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, song đây chưa thể coi là một giải pháp vì khả năng EU chấp nhận là không chắc chắn.

Trên thực tế, bà May đã tóm lược kế hoạch này với một số lãnh đạo châu Âu, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Sau đó, EU liên tục cảnh báo sẽ không chấp thuận việc Anh "kén cá chọn canh" trong cách tiếp cận với thị trường chung châu Âu và những nguyên tắc tự do của EU trong các lĩnh vực gồm di chuyển trong châu Âu, về huy động vốn, giao thương hàng hóa và dịch vụ.

Chuyên gia Erica Consterdine ở Đại học Sussex nhìn nhận những đề xuất về tự do đi lại chỉ đơn thuần là những ngôn từ quen thuộc thể hiện lập trường đã được khẳng định từ lâu và Chính phủ Anh sẽ còn phải làm rất nhiều việc để có thể cho ra một kế hoạch cụ thể với con số cụ thể. 

Riêng với điều khoản về thương mại hàng hóa được cho là giúp Anh tránh thiết lập một biên giới cứng với CH Ireland, chuyên gia Feargal Cochrane từ Đại học Kent cho rằng chỉ riêng thương mại hàng hóa chưa thể giúp Anh tránh được vấn đề nhạy cảm này, mà cả những vấn đề liên quan tới trao đổi dịch vụ hay công nghệ cũng sẽ cần giải pháp cụ thể. 

Chặng đường phía trước không hề dễ dàng khi bà May còn phải trình kế hoạch này lên Quốc hội bỏ phiếu, trong bối cảnh ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền cũng ngày càng nhiều tiếng nói phản đối, còn Công đảng đối lập thì gọi đây là một "cơn ác mộng".

Hiện còn quá sớm để phán đoán kế hoạch này sẽ củng cố hay "xô đổ" ghế thủ tướng của bà May, nhưng nhiệm vụ vừa đàm phán Brexit vừa hàn gắn một chính phủ đầy chia rẽ được đánh giá là thách thức "cực khó" với nhà lãnh đạo này. Và đây là điều bất biến duy nhất sau khi Chính phủ Anh công bố Sách Trắng Brexit.