Sao dân tài chính kiếm tiền kinh thế?

Theo Bloomberg

Bang New York gần đây tiết lộ mức thưởng trung bình trong ngành chứng khoán New York năm vừa rồi tăng 8%, lên 121.890 USD. Có đáng để bất ngờ không? Không. Chuyện Phố Wall tăng thưởng không hẳn năm nào cũng có, nhưng hầu như năm nào chả vậy. Số người không đổi nhưng tổng tiền thưởng tăng gấp 5.

 Sao dân tài chính kiếm tiền kinh thế?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Con số trên lại một lần nữa khiến vấn đề bất bình đẳng thêm nóng. Con số trung bình 121.890 USD là tính từ cô thư ký, anh giao dịch viên tới các vị lãnh đạo cao cấp. Nếu chỉ tính riêng các “sếp” không thôi, con số ấy còn cao hơn rất, rất nhiều.

Sau đây là mức thưởng trung bình tính từ năm 1985, đã điều chỉnh theo mức giá năm 2012:

Sao dân tài chính kiếm tiền kinh thế? (1)

Kết quả cho thấy từ năm 1985, mức thưởng trung bình ngành chứng khoán đã tăng 4 lần. Năm 1991, thưởng tăng gấp đôi từ 27.000 USD lên 52.000 USD và tiếp theo đó là một chuỗi những năm tăng liên tiếp.

Nhưng giờ kể cả năm nào có “thất bát” giới ngân hàng vẫn kiếm được nhiều hơn những năm “được mùa“ hồi xưa.

Vậy thì cái gì khiến lương thưởng Phố Wall tăng nhanh thế? Những người lên tiếng bảo vệ thường lấy lý do tăng năng suất. Ngược lại, tiếng nói phản đối đặt câu hỏi rất chính xác: Có tăng cũng làm sao nhanh được đến thế?

Để có câu trả lời, hay nhìn đồ thị sau:

Sao dân tài chính kiếm tiền kinh thế? (2)

Đồ thị trên dùng số liệu từ báo cáo của Bang và của Hiệp hội Chứng khoán và Thị trường tài chính để so sánh tổng tiền thưởng đã điều chỉnh theo lạm phát với số nhân viên ngành tài chính New York.

Có thể thấy ngay được số nhân viên không thay đổi mấy. Năm 1985, có khoảng 130.000 nhân viên ngành tài chính. Con số này năm ngoái là 169.200 (ít hơn năm 1997 và chỉ hơn năm 1987 chút ít.

Trong khi đó, tổng tiền thưởng tăng từ 4,1 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD. Cả ngành tài chính lẫn lợi nhuận của nó đều tăng trưởng cùng nền kinh tế, tức khoảng gấp đôi so với năm 1987. Nhưng số nhân viên ngân hàng thì không.

Hai nhà kinh tế Robert Frank và Philip Cook đã lý giải xu hướng này trong cuốn sách “Người chiến thắng nắm trong tay cả xã hội” (“The Winner Take All Society”).

Từ lâu, người ta vẫn ngần ngại cho rằng nền kinh tế đã thay đổi theo hướng người giữ địa vị càng cao sẽ càng kiếm được nhiều tiền. Một mặt, người ta cho rằng các “siêu sao”, dù là trong điện ảnh hay trong ngân hàng, cũng đang tạo ra việc làm cho rất nhiều người khác.

Bên cạnh đó, nếu cùng một công việc càng ngày càng ít cần các nhân viên với kỹ năng siêu đẳng hơn, thì quy luật cung cầu ắt phải khiến họ kiếm được ít hơn.

Tuy vậy, dữ liệu trên khiến mọi thứ thật dễ hiểu. Hai nhà kinh tế Steven Kaplan và Joshua Rauh của ĐH Chicago đặt giả thuyết nguyên nhân chính khiến lương thưởng Phố Wall tăng là do “nhà quản lý tài sản, nhân viên ngân hàng đầu tư, luật sư và quan chức doanh nghiệp hàng đầu có thể dùng tài năng của mình để quản lý số tài sản ngày càng lớn hơn”. Hai đồ thị lương thưởng trên cũng ủng hộ cho giả thuyết này.

Thực vậy, tổng thu nhập của giới ngân hàng tăng là do cùng một số người như cũ nhưng họ mang về nhiều lợi nhuận hơn.

Thật buồn là lời giải thích trên chẳng làm vừa lòng cả hai bên bảo vệ và công kích Phố Wall. Với phe công kích, điều này cho thấy chẳng có âm mưu nào như họ vẫn lớn tiếng tuyên bố cả.

Với phe bảo vệ, điều đó không có nghĩa Phố Wall làm việc chăm chỉ hơn hay thông minh hơn một cách siêu đẳng, đơn giản chỉ là giải quyết một hợp đồng trị giá 300 triệu USD cũng chẳng tốn hơn bao nhiêu người so với làm một vụ trị giá 50 triệu.

Dù cho thực tế ấy trả lời được câu hỏi “Vì sao lương thưởng Phố Wall lại tăng?”, nhưng câu hỏi “Tăng thế có đáng?” thì lại không.