“Sự thay đổi Obama có thể”

Theo daibieunhandan.vn

Lên nắm quyền năm 2007 với khẩu hiệu “Sự thay đổi chúng ta có thể”, Tổng thống Obama khi đó đã tạo ra nhiều hơn cả hy vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lên nắm quyền năm 2007 với khẩu hiệu “Sự thay đổi chúng ta có thể”, Tổng thống Obama khi đó đã tạo ra nhiều hơn cả hy vọng. Một nước Mỹ lần đầu tiên dám bầu một tổng thống da màu đã khao khát về sự thay đổi như chưa bao giờ họ khao khát. Vậy nhưng, trước những dự định dang dở của nhiệm kỳ đầu và sau đó là thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2012, ông Obama đã bị gọi bằng nhiều cái tên: “vị Tổng thống vịt què”, “kẻ nuốt lời” hay bị nhại lại chính khẩu hiệu của ông: “sự thay đổi ông ấy không thể”. Nhưng cho đến thời điểm này, với một loạt thành công dồn dập cả đối nội và đối ngoại 8 tháng qua, ông Obama đã trở thành một trong những Tổng thống kiến tạo được nhiều di sản nhất trong lịch sử nước Mỹ.

“Ông Obama có thể sẽ là một tổng thống đặc biệt, không phải vì màu da mà vì ông đi ngược lại những người tiền nhiệm với nhiệm kỳ hai thành công hơn nhiệm kỳ đầu. Ông đã chứng tỏ là người dám thay đổi”, Kenneth Adelman - nguyên là chuyên gia đàm phán giải trừ quân bị với Liên Xô dưới thời Tổng thống Ronald Reagan bình luận.

Sau các cuộc chiến kéo dài và không thành công của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, ông Obama lên nắm quyền với mục tiêu rõ ràng: đưa nước Mỹ ra khỏi chiến tranh và phục hồi uy tín của Mỹ trên thế giới. Cách tiếp cận của ông Obama tương phản với người tiền nhiệm George W. Bush - người nổi tiếng với học thuyết “chiến tranh phòng ngừa”, người tin rằng sự răn đe và hiếu chiến sẽ mang lại an ninh cho Mỹ. Obama hoàn toàn khác. Ông cho rằng, sức mạnh của nước Mỹ nằm ở một chính sách đối ngoại thực dụng và một chính sách quân sự khôn ngoan. Theo ông, điều quan trọng cuối cùng là lợi ích nước Mỹ đạt được. Còn nhớ năm 2007, trong một cuộc tranh luận quan trọng, khi Obama tự nhận là nhà ngoại giao hàng đầu, người điều hành cuộc tranh luận hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo các nước thù địch như Cuba, Iran và Triều Tiên để thu hẹp khoảng cách chia rẽ với nước Mỹ hay không, Tổng thống Obama đã trả lời: “Tôi sẵn sàng”. Lúc đó, những người phe diều hâu thì cười khẩy, còn phần lớn các nhà quan sát kỳ cựu thì cho rằng Obama quá “ngây thơ”.

Obama đã chứng minh ông hoàn toàn không ngây thơ như người ta tưởng. Kết thúc nhiệm kỳ đầu, thành tựu lớn nhất là đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến Iraq và sau đó là cuộc chiến ở Afghanistan. Nhưng đề cập đến chính sách đối ngoại, thì có lẽ 8 tháng qua là thời gian hiệu quả nhất: Tháng 11.2014, ông đạt được thỏa thuận quan trọng về khí hậu với Trung Quốc, nước từ trước đến nay vẫn khăng khăng Mỹ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong vấn đề khí hậu.

Tháng 12/2014, ông ra tuyên bố lịch sử: bình thường hóa quan hệ với Cuba, dẫn đến việc hai nước mở lại Đại sứ quán ở mỗi nước hôm 20.7 vừa qua. Tháng trước, ông đạt được Quyền đàm phán nhanh từ Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát để tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại đa phương tiềm năng. Đầu tháng 7, ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nhà Trắng, phá vỡ mọi nghi thức về ngoại giao. Và sự kiện mang tính bước ngoặt nhất có lẽ là thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran vừa được ký kết, điều mà chỉ cách đây vài tháng ít ai dám nghĩ tới.

Không một thành công nào trong số này là nhỏ. Bởi không một sự kiện nào người ta dám tin là nó sẽ thành công khi nó chưa xảy ra. Mỗi chính sách đòi hỏi Tổng thống Obama phải sẵn sàng tham gia cuộc chơi lâu dài và đối phó với những trở ngại đi cùng tiến trình. Phe bảo thủ không phải là trở ngại duy nhất đối với ông Obama.

Ngay trong chính nội bộ đảng Dân chủ, không ít người chỉ trích sự thỏa hiệp của Mỹ với hầu hết các đối thủ hay những nước thù địch, từ Trung Quốc, Cuba đến Iran. Nhưng với thời gian, ông Obama đã chứng tỏ mình là người kiên nhẫn, sẵn sàng chơi cái mà ông gọi là “trò chơi đường dài” với quyết tâm không khuất phục trở ngại vì lợi ích cuối cùng của nước Mỹ. Thành quả cho đến lúc này đều là những thứ mà ông đã tuyên bố từ nhiều năm trước: người ta chỉ có điều chưa từng có, nếu dám làm điều chưa từng làm. Phương Tây có câu ngạn ngữ: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Obama đã chứng minh điều đó bằng chính di sản đối ngoại của mình: thế giới sẽ thay đổi khi lãnh đạo thế giới dám thay đổi.