Tác động của rủi ro tài chính đối với Indonesia

Theo TTXVN

Giáo sư M. Chatib Basri, cựu Bộ trưởng Tài chính Indonesia, đã có bài viết đăng trên trang Diễn đàn Đông Á, phân tích những rủi ro tài chính mà Indonesia và các quốc gia châu Á đang phải đối mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mở đầu bài viết, tác giả nhận định châu Á sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia này đang phải đối mặt với một số rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính, xuất phát từ nhu cầu dòng vốn không bền vững và tỷ lệ dân số già hóa đang ngày càng tăng.

Trong ngắn hạn, các quốc gia châu Á, bao gồm Indonesia, Ấn Độ và Philippines, có nguy cơ phải đương đầu với rủi ro tài chính, xuất phát từ sự “dễ bay hơi” của dòng vốn đầu tư.

Các khoản danh mục đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp cho thâm hụt ngân sách quốc gia, trong khi các dòng vốn này lại rất dễ bị tổn thương khi thị trường đầu tư tại các nền kinh tế khác trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, các chính sách bình thường hóa tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – bao gồm việc gia tăng phạm vi cho các quỹ liên bang và giảm nắm giữ trái phiếu - cũng sẽ tạo ra cú sốc cho các nền kinh tế châu Á.

Bất chấp một loạt các cải cách đã được thực hiện thay thế như loại bỏ trợ cấp nhiên liệu, Indonesia vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương nếu gặp các cú sốc từ bên ngoài. Tại quốc gia này, sự hoảng sợ thường bị kích hoạt thông qua thị trường chứng khoán, do vai trò tương đối lớn của các chủ sở hữu nước ngoài trong việc tài trợ thâm hụt chính phủ.

Lịch sử cho thấy, khi một cú sốc xảy ra tại Mỹ - như hiện tượng Taper Tantrum năm 2013 hay trong các quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ hiện tại – các nhà đầu tư thị trường trái phiếu đã đồng loạt rút danh mục đầu tư khỏi thị trường Indonesia, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn không có nghĩa là một điều xấu, miễn là nó được bù đắp bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất và trong dài hạn, chẳng hạn như đầu tư vào các lĩnh vực liên quan tới xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu tài khoản vãng lai được bù đắp bằng một giỏ danh mục đầu tư, nó sẽ làm tăng sự bất ổn, do các quỹ có thể rút vốn trong thời gian ngắn. 

Thực tế cho thấy các “lỗ hổng” kinh tế thường làm cho các nhà đầu tư theo danh mục trở nên lo lắng. Họ rất dễ rút vốn khỏi danh mục đầu tư từ các nền kinh tế mới nổi. Trong tương lai, nếu Indonesia không giải quyết được vấn đề đó, quốc gia này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự “dễ bay hơi” của dòng vốn. 

Tác giả cho rằng Indonesia nên xem xét đưa ra một chính sách thuế đối với các giao dịch tài chính đầu cơ quốc tế hoặc các chính sách bảo mật vĩ mô khác, nhằm giảm thiểu tác động của dòng vốn ngắn hạn không ổn định. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh, về lâu dài, vấn đề này cần phải được chỉnh sửa bằng sự thay đổi cấu trúc.

Tại Indonesia, đầu tư và nguồn nhập khẩu, nguyên liệu thô đầu vào có mối tương quan khá chặt chẽ. Tăng trưởng kinh tế thường đi liền với tăng trưởng đầu tư, do vậy thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ càng cao. Tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn của Indonesia thường bị hạn chế bởi thâm hụt tài khoản vãng lai.

Khi một cú sốc bên ngoài xảy ra, giống như những gì đang hiện hữu, dòng vốn chảy trong các danh mục đầu tư tăng đột biến và đồng rupiah trở nên suy yếu nghiêm trọng. Nếu thâm hụt tài khoản vãng lai được tài trợ bởi FDI, thì rủi ro của sự “dễ bay hơi” dòng vốn sẽ nhỏ hơn và nguồn vốn sẽ không bị rút ra nhanh chóng.

Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế, Indonesia cần nâng cao hiệu quả và năng suất, có nghĩa là cùng một khoản đầu tư, nhưng lợi nhuận tạo ra sẽ cao hơn và ít nhạy cảm hơn với những cú sốc từ sự thay đổi trong chính sách của các quốc gia khác. 

Indonesia nên tập trung vào việc bãi bỏ thêm các quy định kinh tế để gia tăng hiệu quả và cải thiện nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và quản trị để nâng cao năng suất. Một lựa chọn khác là thúc đẩy FDI, hướng tới mục tiêu sản xuất theo định hướng xuất khẩu.

Biện pháp khắc phục các biến động vốn ngắn hạn sẽ chỉ có hiệu quả nếu các vấn đề về cấu trúc dài hạn – chẳng hạn như thay đổi nhân khẩu học – không bị quản lý. Trong dài hạn, gánh nặng tài chính của vấn đề dân số già hóa phải được xem xét như một rủi ro tài chính.

Rất nhiều các quốc gia châu Á đang đối diện với tình trạng già hóa dân số. Điều này thường ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính quốc gia. Gia tăng tỷ lệ phụ thuộc, kết quả của việc gia tăng tỷ lệ công dân cao tuổi, sẽ tác động tiêu cực tới nguồn ngân sách chính phủ do tăng chi cho lương hưu và dịch vụ y tế, trong khi doanh thu giảm.

Ví dụ, khi dân số già đi, phân bổ tài chính cho chi tiêu xã hội tại Singapore và Hong Kong sẽ gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đối mặt với áp lực tài chính đến từ việc dân số già hóa.

Ấn Độ và Indonesia đều sẽ được hưởng lợi từ lợi thế nhân khẩu học vào năm 2025. Hai quốc gia này dự kiến sẽ nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu về quy mô kinh tế. Nhưng trong trường hợp của Indonesia, lợi thế dân số sẽ mất vào năm 2050. Đến năm 2060, mặc dù chưa phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng Indonesia cũng sẽ bước vào thời kỳ dân số già hóa.

Thách thức sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế tại Indonesia tăng nhanh hơn. Mặc dù Indonesia sẽ trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, tính theo quy mô kinh tế, nhưng đến năm 2050, thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này vẫn ở mức thấp nếu tăng trưởng kinh tế vẫn nằm ở ngưỡng 5%.

Nếu Indonesia không có khả năng tăng trưởng nhanh, quốc gia này sẽ có nguy cơ trở nên già cỗi trước khi kịp phát triển. Điều này sẽ rất khó quản lý do Indonesia phải xử lý một gánh nặng tài chính khổng lồ. Vấn đề tương tự mà nhiều quốc gia châu Á khác cũng sẽ phải đối mặt, đặc biệt là Trung Quốc.

Kết thúc bài viết, theo tác giả, mặc dù châu Á là một trong những khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng những rủi ro tài chính rất có thể sẽ phá hủy sự tăng trưởng tiềm năng trong các năm tới.

Để giải quyết những vấn đề này, các quốc gia như Indonesia cần tập trung vào tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, nâng cấp nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện quản trị, huy động doanh thu thuế sử dụng vào chi tiêu công. Nếu các giải pháp này không được thực hiện, sự đóng góp của châu Á đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ không được bảo đảm.