Tại sao chứng khoán Mỹ giảm?

PV.

(Tài chính) Kết thúc 7 tháng đầu tiên của năm 2013, thị trường chứng khoán Mỹ - hàn thử biểu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiếp tục cho thấy sự phục hồi bền bỉ và ấn tượng trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Tuy nhiên, trung tuần tháng 8/2013, một đợt giảm giá đã bất ngờ xuất hiện. Giới phân tích tự hỏi, đây là một chu kỳ điều chỉnh bình thường hay còn có nguyên nhân khác?

 Các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ có “một tuần mất mát” lớn nhất trong hai tháng. Nguồn: internet
Các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ có “một tuần mất mát” lớn nhất trong hai tháng. Nguồn: internet

Tuần giảm điểm mạnh nhất trong năm

Những ngày đầu tháng 8, sự lạc quan vẫn tràn ngập trên thị trường chứng khoán vốn được coi có tác động tâm lý lớn đến các thị trường khác trên phạm vi toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8/2013, các chỉ số chính dù không thể bứt phá mạnh mẽ nhưng vẫn duy trì đà tăng nhẹ. Chỉ số Dow Jones tăng 27,65 điểm (tương ứng 0,18%) lên 15.498,32 điểm; Chỉ số S&P 500 nhận 6,57 điểm (tương ứng 0,39%) lên 1.697,48 điểm; Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,115 điểm (tương ứng 0,41%) lên 3.669,124 điểm. Một số nhà phân tích đã củng cố nhận định Dow Jones có thể cán ngưỡng 16.000 điểm; S&P 500 vượt 1.700 điểm và Nasdaq Composite sẽ tiệm cận ngưỡng 3800 - 3900 điểm vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên, một đợt giảm giá được coi là mạnh nhất kể từ cuối tháng 6/2013 đã diễn ra vào những ngày vừa qua. Kết thúc ngày giao dịch 14/8/2013, chỉ số Dow Jones giảm 225,47 điểm (tương ứng 1,47%) xuống 15.112,19 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 24,07 điểm (tương ứng 1,43%) xuống 1.661,32 điểm (phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/6/2013 của S&P 500). Chỉ số Nasdaq Composite lùi 63,16 điểm (tương ứng 1,72%) xuống 3.606,12 điểm.

Nỗi lo Dow Jones đánh mất mốc kỹ thuật và tâm lý 15.000 điểm trở nên hiện hữu trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, 16/8/2013, kéo chu kỳ giảm điểm của thị trường trầm trọng thêm. Kết thúc ngày giao dịch này, chỉ số Dow Jones tiếp nối đà giảm phiên trước, mất nhẹ 30,72 điểm (tương ứng 0,2%) xuống 15.081,47 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 5,49 điểm (tương ứng 0,33%) xuống 1,655.83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 3,34 điểm (tương ứng 0,09%) xuống 3.602,78 điểm. Mức giảm nhẹ ngày cuối tuần này đã khép lại tuần điều chỉnh thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ khiến cả Dow Jones và S&P 500 đều sụt giảm hơn 2% trong tuần, đánh dấu tuần giảm điểm mạnh nhất trong năm nay.

Đi tìm nguyên nhân 

Phiên giảm điểm mạnh và bất ngờ của thị trường ngày 14/8/2013 xuất phát từ lợi nhuận của thương hiệu lớn Wal-Mart không được như kỳ vọng. Đây là doanh nghiệp chủ chốt thuộc ngành hàng được đánh giá là có tiềm năng phục hồi khá trong thời gian qua đó là tiêu dùng. Sự sụt giảm doanh số bán hàng theo quý của Wal-Mart Stores  khiến cổ phiếu Wal-Mart Stores lao dốc. Cuối ngày thứ Năm, Nordstrom đã trở thành chuỗi cửa hàng bán lẻ mới nhất công bố doanh thu thấp hơn ước tính, bên cạnh đó, nhà bán lẻ này còn hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm. Ở một lĩnh vực giàu tiềm năng tăng trưởng khác là công nghệ, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ lớn Cisco Systems cũng rớt giá một ngày sau khi nhà chế tạo thiết bị mạng này tuyên bố cắt giảm 4.000 việc làm.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn hơn được cho là sự công hưởng từ những lo lắng của nhà đầu tư khi dường như thời kỳ nới lỏng tiền tệ của Mỹ đang ngắn dần. Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng cao trong tháng 7/2013 và số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua rớt xuống mức thấp nhất trong 6 năm là hai nhân tố có thể thôi thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng rút lại chương trình mua trái phiếu dùng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Và nếu những tín hiệu tương tự xuất hiện vào cuối tháng 8/2013, thời điểm Fed bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ “siêu lỏng” có thể sớm kết thúc. Và như mọi thị trường chứng khoán, “tuần trăng mật” của các chỉ số chứng khoán có thể cũng sẽ sớm chấm dứt, chờ đợi những thông tin vĩ mô khác, đặc biệt từ sự phục hồi bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Một số thông tin về thị trường tiêu dùng và sự phục hồi chưa vững chắc của thị trường bất động sản cũng được cho là có những tác động nhất định đến “nhịp thở” PhốWall. Số liệu sơ bộ của Thomson Reuters và Đại học Michigan cho thấy niềm tin tiêu dùng tháng 8/2013 đã suy giảm so với tháng 7/2013. Các số liệu khác cũng cho thấy, doanh số nhà mới khởi công tăng 5,9% trong tháng 7/2013, thấp hơn so mức 9,9% trong tháng 6.

Ở thời điểm hiện tại, còn quá sớm để đưa ra nhận định về một xu hướng rõ ràng cho thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng rất có thể, những gì “thăng hoa” trong gần hai năm qua sẽ phải dừng lại chờ các chỉ số kinh tế đủ mạnh. Về cơ bản, thị trường này cũng đang cần điều chỉnh và “nghỉ ngơi” đồng thời vận động tìm một điểm cân bằng mới. Giới đầu tư quốc tế tin tưởng, dù con đường đi lên đã không còn dễ dàng, nhưng Mỹ và các nền kinh tế gạo cội đang lấy lại vai trò trụ đỡ cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và chứng khoán Mỹ còn nhiều cơ hội tăng trưởng mới.